Quên trang bị cho con những kỹ năng xã hội?
Do có tư tưởng sợ con bị bắt nạt hay gặp những bất an khi tham gia những sự kiện xã hội một mình mà gia đình chị Thu An ở Nguyễn Quý Đức (Thanh Xuân, Hà Nội) luôn bó hẹp các mối quan hệ của con.
Chính vì vậy, mặc dù đã 15 tuổi nhưng con gái chị luôn ngại ngần khi tiếp xúc với những người xung quanh. Ngoài giờ học ở trường cháu chỉ quanh quẩn trong nhà học bài. Ai cũng khen con gái chị ngoan luôn biết giúp đỡ bố mẹ công việc gia đình.
Tuy nhiên ở trường cô giáo lại nhận xét cháu rất e dè ít giao lưu với các bạn, cháu có xu hướng thích thu mình.
Lúc đầu chị cũng nghĩ con gái mình ở độ tuổi này biết kín đáo, nữ tính nên cũng không lưu tâm lắm. Tuy nhiên, mỗi khi ở trường có hoạt động tập thể vào những ngày cuối tuần cháu cũng chẳng hào hứng nếu có bạn đến rủ đi cùng.
Đây không phải là những trường hợp cá biệt, nhiều cha mẹ trên cộng đồng mạng cũng hay chia sẻ những khúc mắc về vấn đề: Con họ đã bước sang độ tuổi 15, 16 nhưng rất hạn chế trong những hoạt động chung của xã hội.
Những đứa trẻ này thường ngại giao tiếp, hay xấu hổ trước đám đông và thường không dám mạnh dạn khi diễn thuyết hay trình bày một vấn đề nào đó.
Trẻ em ngày nay phải đối mặt với những thách thức lớn hơn so với thế hệ trước. Sự ra đời của kỉ nguyên máy tính đã đặt ra một yêu cầu mới, đó là: Trẻ phải có những kĩ năng điều khiển, sử dụng máy tính, kỹ năng Internet.
Song đừng vì mải mê trang bị những kiến thức, kỹ năng này mà cha mẹ quên mất việc tạo cơ hội cho con trang bị các kỹ năng xã hội khác.
Khuyến khích trẻ tham gia các sinh hoạt cộng đồng
Con người là tổng hòa các mối quan hệ trong xã hội. Vì thế cha mẹ nên tạo cho con thói quen giao tiếp, hòa nhập với môi trường xung quanh.
Tùy theo độ tuổi trưởng thành mà phụ huynh nên tạo điều kiện cho con tham gia các buổi sinh hoạt chung trong cộng đồng. Trước hết cha mẹ hãy khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động tập thể bắt đầu từ chính ngôi trường và bạn bè mà con bạn đang học tập. Bởi đây chính là môi trường thân thiện gần gũi giúp con bạn có thể bộc lộ chính mình mà không e ngại.
Đặc biệt hiện nay có rất nhiều các lớp học hoặc dự án miễn phí hoặc mức ghi danh rất thấp để khuyến khích mọi người cùng tham gia.
Do đó, bạn hãy sớm đưa bé đến những sân chơi hay lớp học dành cho mẹ và bé, nơi mà chắc chắn bé có cơ hội gặp gỡ những bạn cùng trang lứa. Sự phát triển về mặt xã hội cũng bắt đầu từ những năm tháng đầu đời của trẻ.
Bạn hãy tìm những thông tin về các lớp học này trên báo hoặc các trang mạng xã hội tin cậy để có thể biết các lớp học phù hợp với độ tuổi của con mình.
Cha mẹ hãy một lần bỏ qua những lớp học giúp phát triển trí tuệ cho con và thay vào đó là những lớp học giúp con rèn luyện kĩ năng sống, kĩ năng giao tiếp và nên cân bằng chúng với các hoạt động thể thao, những kinh nghiệm tập thể.
Chuyên gia bảo vệ, chăm sóc trẻ em thuộc Bộ LĐ-TB&XH Phan Lan Hương chia sẻ: Các bậc cha mẹ thường sốt sắng can thiệp và giải quyết mọi vấn đề cho con, nhưng xin nhớ rằng trẻ cần cơ hội để học cách tự mình làm việc đó.
Phần lớn những lần mà trẻ ở vào tình huống buộc phải giải quyết, trẻ đều có thể làm được một cách độc lập. Tất nhiên, bạn phải luôn nắm được những diễn biến trong cuộc sống của con, nhưng hãy làm một cách cẩn trọng.
Hãy dành cho con nhiều cơ hội nhất có thể để các con tự giải quyết và xử lý các vấn đề cũng như mạnh dạn gặp gỡ mọi người. Điều này đúng cho tất cả các độ tuổi. Hãy quan sát trẻ khi chơi đùa và chỉ nên can thiệp khi mà mọi việc đã nằm ngoài khả năng kiểm soát.