Tạo dấu ấn cho những bộ phim
Điểm chung của những ca khúc nhạc phim được công chúng yêu thích là chứa đựng nhiều cảm xúc qua giai điệu pop ballad nhẹ nhàng. Viết nhạc cho phim cũng có những cái khó riêng, tuy đề tài chủ đề của ca khúc được gợi mở từ nội dung bộ phim, nhưng làm sao để một bài hát có thể xuyên suốt từ đầu đến cuối câu chuyện là điều không phải dễ.
Vậy nên, dù là ca khúc được đặt hàng, nhưng nhạc sĩ viết nhạc phim vẫn phải gặp áp lực lớn khi sáng tác. Đó là một ca khúc phải chạm được vào cảm xúc của người nghe. Ca khúc Chờ người nơi ấy của nhạc sĩ Huy Tuấn viết cho phim Mỹ nhân kế do ca sĩ Uyên Linh thể hiện hay Yêu mình anh (Thu Minh thể hiện) là ca khúc chủ đề của phim Mùa hè lạnh đã mang lại hiệu ứng tích cực cho phim.
Không những thế tại thời điểm này hai ca khúc nói trên đã trở thành ca khúc nổi tiếng trên thị trường âm nhạc. Thành công của những ca khúc này cho thấy nhạc phim là một thị phần đáng được đầu tư khi nó đang tìm cách đi riêng mà không phụ thuộc vào phim.
Tuổi Thanh xuân là một trong những bộ phim có sự xuất hiện tới 5 ca khúc âm nhạc. Và những ca khúc này đều giúp khán giả sống trọn vẹn với những cảm xúc mãnh liệt nhất. Ở mỗi một thời điểm những bài hát vang lên phù hợp với từng chặng đời của nhân vật.
Nếu như ca khúc Phút giây ban đầu mang đậm chất hồn nhiên vui tươi như tâm hồn của Linh lúc đầu, thì giai điệu ca khúc Cứ thế lại mang màu sắc đượm buồn. Ca khúc như nói lên nỗi lòng của nhân vật Junsu khi Linh lặng lẽ chia tay anh để trở về Việt Nam: “Cứ thế quay quắt như khờ dại, anh tự hỏi ta sẽ ra sao ngày sau. Cứ thế lay lắt tháng ngày còn lại, như thể anh đã yêu em bằng tất cả hơi thở sau cuối. Cứ thế chân anh như ngây dại, lạc trong khoảng không của ngày xa xưa”…
Cùng những tình tiết trắc trở trong phim thì ca từ, âm điệu bài hát mang đến những da diết làm lay động trái tim của khán giả. Rõ ràng thành công của bộ phim không thể thiếu được sự cộng hưởng của giá trị âm nhạc mà ca khúc mang đến.
Chuyển tải thông điệp qua những nốt nhạc
Nhạc sĩ Vũ Quốc Bình là một trong những nhạc sĩ khá đắt sô với nhạc phim truyền hình hiện nay. Tính đến giờ anh đã sáng tác nhạc phim cho hơn 40 bộ phim truyền hình và có nhiều ca khúc trong phim cũng được yêu thích. Nhạc sĩ cho biết: Khởi đầu anh chỉ tập trung sáng tác, chọn ca sĩ phù hợp hát các ca khúc của mình. Tuy nhiên, sau khi cộng tác với các đạo diễn phim truyền hình, dường như những sản phẩm âm nhạc của anh có duyên với khán giả hơn.
Theo nhạc sĩ Quốc Bình, khi sáng tác nhạc cho phim, người nhạc sĩ buộc phải vay mượn cảm xúc của người khác. Tức là cảm xúc đó không đến từ trái tim mình mà là của câu chuyện phim. Vì vậy, người nhạc sĩ phải xem bộ phim rất kỹ để từ đó mô tả thật tinh tế câu chuyện qua nhạc điệu. Khi làm nhạc cho bộ phim Hồn lụa (sắp được ra mắt) của đạo diễn Lê Văn Thảo, nhạc sĩ đã yêu cầu đạo diễn cho xem kịch bản phim, xem lúc quay trên phim trường, và phần dựng phim. Tính chung anh mất khoảng ba tháng để định hình ý nghĩa của bài hát, sau đó, là phần sáng tác giai điệu.
Có thể thấy, những ca khúc được viết cho các bộ phim đều dựa trên những nội dung câu chuyện có sẵn. Vì vậy vai trò của các nhạc sĩ là làm sao cảm nhận được nội dung phim để có những giai điệu hay nhất, phù hợp với câu chuyện trong đó. Tất nhiên, bằng sự tinh tế, các nhạc sĩ sẽ chuyển tải một cách cảm xúc nhất thông điệp của câu chuyện phim.
Với ưu thế chất liệu đời sống trong phim, nhạc sĩ viết nhạc phim rất dễ có được những ca khúc hay. Nhưng để có được những ca khúc nhạc phim thành công, người sáng tác cũng phải có bí quyết riêng. Bởi nếu chỉ dựa vào nội dung phim, ca khúc nhạc phim khó mang tính khái quát cao, ca khúc sẽ khó có đời sống độc lập nếu tách khỏi phim.