Theo kịch bản của các chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, tăng trưởng GDP năm 2024 của nước ta có thể đạt mức 6,13% theo kịch bản 1 và theo kịch bản 2 là 6,48%.
Xuất khẩu cả năm dự báo tăng 4,02% với kịch bản 1 và 5,19% với kịch bản 2. Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 5,64 tỷ USD và 6,26 tỷ USD. Lạm phát bình quân dự báo lần lượt ở mức 3,94% và 3,72%.
Như vậy, dự báo tăng trưởng GDP trong cả hai kịch bản đều nằm ở “khoảng giữa” và khá sát với mục tiêu mà Quốc hội đã đề ra là từ 6 - 6,5%. Tiền đề để đưa ra các kịch bản này là những “dữ liệu” của năm 2023.
Dù tăng trưởng GDP không đạt theo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ là 6,5%, nhưng đây là kết quả tích cực và thuộc nhóm các nền kinh tế có mức tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp. Cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng nội địa duy trì mức tăng khá. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng tích cực và tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế.
Khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 3,02% so với năm trước, đóng góp 1 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Các hoạt động thương mại, du lịch duy trì đà tăng trưởng cao, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ...
Thực tế, việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2024 gồm cả thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức. Khó khăn nội tại đó là các động lực truyền thống còn yếu, động lực mới chưa rõ ràng; còn nhiều rào cản, nút thắt về thể chế. Các yếu tố tác động bên ngoài là kinh tế thế giới được dự báo sẽ vẫn còn nhiều khó khăn. Các yếu tố bất định về chính trị, địa chính trị cũng sẽ tạo nhiều thách thức tới điều hành kinh tế...
Do đó, để đạt được mục tiêu đã đề ra, nhiều ý kiến cho rằng, cần duy trì và làm sâu sắc hơn chất lượng cải cách thể chế. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ đã được ban hành trong năm 2023 cần được triển khai mạnh mẽ và hiệu quả hơn.
Các động lực về đầu tư bao gồm cả đầu tư tư nhân, FDI, đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước, tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu cần tiếp tục được thúc đẩy. Những vấn đề tồn đọng, bất cập kéo dài phải được tập trung tháo gỡ, tạo chuyển biến tích cực hơn…
Yếu tố quan trọng nữa là phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, cơ cấu lại nền kinh tế. Tạo điều kiện để thúc đẩy đà phục hồi của các động lực tăng trưởng truyền thống, đồng thời phát huy tốt hơn các động lực tăng trưởng mới. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thể chế kinh tế, nhất là thể chế cho các động lực tăng trưởng mới.
Quyết liệt hơn nữa trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nhất là những vấn đề liên quan đến thực thi công vụ cần tạo đột phá, nếu không sẽ tiếp tục là “điểm nghẽn” ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng.
Cần nhấn mạnh rằng, khi quyết định mục tiêu tăng trưởng GDP của năm 2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lý giải, chỉ tiêu tăng trưởng này được xây dựng trên cơ sở phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế. Đồng thời đã tính đến những yếu tố thuận lợi, khó khăn của năm 2024 và bám sát định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm.
Cho nên, để có thể đạt được kết quả cao nhất, điều quan trọng là phải xác định rõ các động lực thúc đẩy tăng trưởng; các điểm nghẽn về thể chế để có biện pháp tháo gỡ. Đặc biệt, cần tính toán, hài hòa mục tiêu ngắn và dài hạn, đồng thời có chiến lược, chính sách dài hơi để tăng trưởng bền vững và chất lượng.