Ổn định kinh tế vĩ mô là điều kiện tiên quyết để tăng trưởng bền vững

Ổn định kinh tế vĩ mô là điều kiện tiên quyết để tăng trưởng bền vững

(GD&TĐ)-Chiều nay 21/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày trước Quốc hội Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2007-2011 của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

dgf
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng

Nhìn lại nhiệm kỳ hoạt động của Chính phủ (2007-2011), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: trong bối cảnh đầy khó khăn thách thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, sự nỗ lực phấn đấu của hệ thống chính trị và nhân dân cả nước, công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng nhưng cũng còn nhiều hạn chế yếu kém cả về kết quả thực hiện và trong quản lý điều hành. Về những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua, theo Thủ tướng  Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng:

Về công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật: Chính phủ đã trình QH , UB thường vụ QH ban hành 87 Luật, pháp lệnh; Chính phủ đã ban hành 567 nghị định và nhiều văn bản quy phạm pháp luật.

Về phát triển kinh tế: Hiện doanh nghiệp cả nước đã tăng hơn 2 lần, số vốn đăng ký tăng gần 6 lần và có khoảng 4000 hợp tác xã thành lập mới. Đến cuối năm 2010, cả nước có 544 nghìn doanh nghiệp đăng ký hoạt động, vượt mục tiêu đề ra từ đầu nhiệm kỳ là 500 nghìn doanh nghiệp; tổng vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm đạt khoảng 150 tỷ USD, gấp 2,7 lần, tổng vốn thực hiện đạt gần 45 tỷ USD, vượt 77% so với mục tiêu đề ra. Vốn ODA cam kết đạt trên 31 tỷ USD, gấp hơn 1,5 lần, giải ngân được 13,8 tỷ USD, vượt 16% so với mục tiêu đề ra. Ngoài ra, thị trường hàng hóa, dịch vụ đã có bước phát triển mới với sự tham gia ngày càng nhiều của các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế.

Về công tác quản lý điều hành trong nhiệm kỳ qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày khá kỹ những nỗ lực của Chính phủ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô trong điều kiện kinh tế - chính trị thế giới biến động hết sức phức tạp, tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế Việt Nam.

Người đứng đầu Chính phủ cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn xác định ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kìm chế lạm phát là điều kiện tiên quyết để đảm bảo tăng trưởng bền vững.

“Đi kèm theo đó là chính sách tài khóa và điều hành ngân sách Nhà nước tiếp tục được hoàn thiện theo hướng thống nhất, minh bạch và công bằng. Chính sách thuế được điều chỉnh, giảm dần và ổn định thuế suất, mở rộng đối tượng thu, điều chỉnh hợp lý thu nhập, nuôi dưỡng nguồn thu. Vốn ngân sách được đầu tư tập trung cho phát triển hạ tầng, nông nghiệp, nông thôn và các lĩnh vực xã hội khác” Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nói.

Do vậy, theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, mặc dù bị tác động nặng nề của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng với việc thực hiện các giải pháp trên, giai đoạn này, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt mức khá cao, bình quân đạt khoảng 7% GDP, bình quân đầu người đạt 1.168 USD, vượt mục tiêu đề ra.

Đối với những lĩnh vực khác, theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng có bước phát triển quan trọng:

Về giáo dục: đã triển khai đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục theo Nghị quyết của QH; triển khai các Đề án Phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi; xây mới 106 nghìn phòng học, nâng tỷ lệ kiên cố hóa lớp học từ 51% lên 71%; xây mới 25 nghìn nhà công vụ cho giáo viên;…

Về y tế: khoảng 900 bệnh viện đã và đang được triển khai đầu tư theo Đề án của Chính phủ; đã tăng cường 9000 bác sỹ tuyến trên hỗ trợ tuyến dưới; 95% số xã có trạm y tế, 80% có bác sỹ, 95% có nữ hộ sinh và 90% thôn bản có nhân viên y tế.

Về công tác dạy nghề: Trong 5 năm, đã tuyển mới dạy nghề cho 7,8 triệu người; quy mô dạy nghề tăng 43,2% so với 5 năm trước; góp phần giải quyết trên 8 triệu việc làm…

Về xóa đói, giảm nghèo: Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 18,1% năm 2006 xuống còn 9,45% năm 2010, riêng 62 huyện nghèo giảm từ trên 50% xuống còn 38%, hoàn thành mục tiêu đề ra…

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng quan tâm và đề ra nhiều giải pháp thực hiện các chính sách an sinh xã hội khác như tiền lương, phát triển hệ thống bảo hiểm, hỗ trợ nhân dân bị thiên tai, bão lũ…

“Việc đảm bảo an sinh xã hội và phúc lợi cho nhân dân là một tiến bộ nổi bật trong nhiệm kỳ, không chỉ thể hiện trong từng kết quả cụ thể mà trở thành quan điểm xuyên suốt, gắn chặt chẽ với kế hoạch phát triển, được triển khai đồng bộ với nhiều chính sách và nguồn lực”, người đứng đầu chính phủ nói.

Về lĩnh vực văn hóa, theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo để phát triển văn hóa, tiếp tục xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đập đà bản sắc dân tộc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của nhân dân, cụ thể: Hiện đã có 1.200 di tích văn hóa được tu bổ, bảo tồn; có thêm 4 di tích được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới; đã tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa quan trọng, trong đó có Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội;…

“Kết quả phát triển kinh tế - xã hội của cả nhiệm kỳ qua đã góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Năm 2010, thu nhập của dân cư tăng 35% so với năm 2006 ( đã loại trừ yếu tố giá)” Thủ tướng Nguyến Tân Dũng nói.

Trong báo cáo của mình, Thủ tướng Nguyễn Tẫn Dũng cũng đã nêu khá toàn diện những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và đấu tranh phòng chống tham nhũng; chủ động hợp tác và hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; công tác quốc phòng, an ninh, bảo đảm ổn định chính trị và an toàn xã hội…

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý, lãnh đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc xây dựng hệ thống pháp luật và thể chế; trong quản lý điều hành kinh tế vĩ mô và quản lý nhà nước ở một số lĩnh vưc khác; trong lĩnh vực văn hóa, xã hội; trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; …

Từ những đánh giá trên, thay mặt Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ đã nêu các bài học lớn  trong quản lý, điều hành chính phủ cũng như đề xuất một số kiến nghị với Nhà nước và QH: khẩn trương thể chế hóa các chủ trương, đường lối vừa được thông qua tại Đại hội lần thứ XI của Đảng thành các quy định pháp luật; sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đề nghị QH nghiên cứu hoàn thiện các quy định về thực hiện quyền của QH trong quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và ủy quyền cho UB thường vụ QH quyết định một số công việc cần thiết, cấp bách; đề nghị QH giao cho Chính phủ chịu trách nhiệm chủ động điều chỉnh một số chỉ tiêu cụ thể và báo cáo với QH tại kỳ họp gần nhất…

Cũng trong phầm kết của mình, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng bày tỏ sự hy vọng và tin tưởng rằng nhiệm kỳ Chính phủ 2011-2015 sẽ phát huy những tiến bộ và kết quả đạt được, khắc phục nhanh các mặt còn yếu kém, bất cập của Chính phủ nhiệm kỳ qua.

Cũng trong chiều nay, QH đã nghe Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trình bày báo cáo công tác nhiệm kỳ 2007-2011 của Chủ tịch nước; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo công tác nhiệm lỳ 2007-2011 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trần Quốc Vượng trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2007-2011 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Sáng mai (22/3), Ủy viên Ủy ban thường vụ QH, Chủ nhiệm Uỷ ban tư pháp của QH Lê Thị Thu Ba sẽ trình bày Báo cáo của Ủy ban thường vụ QH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự. Sau đó sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự.

Nam Khánh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.