Giải pháp để tăng trưởng xuất khẩu bền vững

GD&TĐ - Hôm nay (8/8), tại Hà Nội, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tổ chức Hội thảo “Nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm - giải pháp tăng trưởng xuất khẩu”. 

Các mặt hàng XK của nước ta vẫn chủ yếu dưới dạng thô nên giá trị chưa cao
Các mặt hàng XK của nước ta vẫn chủ yếu dưới dạng thô nên giá trị chưa cao

Đây là dịp để các nhà quản lý, các chuyên gia đưa ra những ý kiến nhằm tìm giải pháp giúp doanh nghiệp phát huy năng lực sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, kết nối chuỗi cung ứng xuất khẩu (XK) toàn cầu... Từ đó, giảm dần các khâu trung gian, hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường...

Còn đó những khó khăn, thách thức

Năm 2017 là năm đặc biệt thành công của XK, khi lần đầu tiên kim ngạch đạt 214 tỷ USD. Năm nay (2018) được các chuyên gia nhận định sẽ là cơ hội để XK tăng trưởng hơn nữa khi nhiều cam kết hội nhập được triển khai sâu rộng giúp thuế xuất nhập khẩu tiếp tục giảm. Đặc biệt, sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ cùng các cấp bộ, ngành trong việc cắt giảm thủ tục hành chính, kiến tạo môi trường kinh doanh... chắc chắn sẽ tạo nhiều hơn nữa động lực để XK phát triển.

Theo báo cáo của Cục XK (Bộ Công Thương), tính hết tháng 7/2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam tăng gần 13% so với cùng kỳ năm 2017 – ước đạt 264,32 tỷ USD. Đáng chú ý, kim ngạch XK đạt 133,69 tỷ USD, và tiếp tục duy trì tăng trưởng tốt 15,3% so với cùng kỳ năm trước – cao hơn mức tăng trưởng phấn đấu đạt được cho cả năm 2018, bằng 56,5% kế hoạch cả năm...

Dẫu rằng hiện XK đang là điểm sáng của bức tranh kinh tế với sự tăng trưởng ấn tượng, nhưng vẫn còn một số tồn tại khiến hoạt động XK của nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, chủ nghĩa bảo hộ đang xuất hiện trở lại và thể hiện rõ ràng hơn trong những tháng đầu năm 2018. Bên cạnh đó, tuy kim ngạch XK của nước ta cao, nhưng đóng góp lại chủ yếu từ các doanh nghiệp khối đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) – chiếm 70%. Còn các doanh nghiệp nội địa đang đóng góp hết sức hạn chế và mờ nhạt trong bức tranh XK.

Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính là do chúng ta chưa hình thành được các chuỗi giá trị hàng hoá XK, khiến kim ngạch XK không cao. Chẳng hạn, như nhóm hàng nông sản. Tuy Việt Nam luôn là nước có sản lượng nông nghiệp dẫn đầu trong khu vực, nhưng giá trị thu về lại không như mong muốn do khâu chế biến không hiệu quả, các mặt hàng vẫn chỉ dừng lại ở XK dưới dạng thô. Hoặc có một số tuy đã qua sơ chế, nhưng cũng chỉ ở mức thấp, chưa đạt hiệu quả. Được biết, hiện cả nước có khoảng 700 chuỗi giá trị nông sản được chứng nhận là an toàn, nhưng trong số đó chỉ có khoảng 50% hoạt động có hiệu quả.

Rất cần xây dựng thương hiệu

Để có thể hướng tới XK một cách bền vững, hiệu quả và lợi nhuận cao, các chuyên gia cho rằng cần phải xây dựng các chuỗi sản phẩm nhằm góp phần gia tăng giá trị cho hàng hoá XK. Để làm được điều này, cần phải nâng cao giá trị và đặc biệt là xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm XK...

Chẳng hạn như nhóm nông sản, chúng ta cần phải sản xuất theo chuỗi thông qua các hợp đồng tiêu thụ giữa nông dân – hợp tác xã và doanh nghiệp để xây dựng vùng nguyên liệu ổn định. Ngoài ra, cũng cần phát triển các loại giống có năng suất cao, đặc biệt là ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất, vào chuỗi sản phẩm...

Đặc biệt, riêng nhóm công nghiệp chế biến, muốn XK bền vững phải phát triển nhóm này đủ mạnh. Theo đó, cần phải ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ trong các ngành công nghiệp cơ khí, sản xuất linh kiện, da giày, dệt may... để từ đó tăng tỷ lệ nội địa hoá. Bên cạnh khung khổ pháp lý mà Nhà nước đã ban hành, muốn hiệu quả các giải pháp trên rất cần các doanh nghiệp vào cuộc, từ đó XK mới có thể bền vững và đạt hiệu quả như mong đợi...

Để hướng tới XK bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”. Mục tiêu của Đề án là đến năm 2020 nâng cao chất lượng và giá trị các mặt hàng đang có lợi thế XK; tăng bình quân 20% giá trị của các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản so với hiện nay; tổ chức lại sản xuất thông qua chuyển đổi phương thức sản xuất và XK. Với sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, cùng với khung khổ pháp lý, hy vọng XK sẽ tăng trưởng và bền vững hơn trong thời gian tới...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.