Tăng sức hút với giáo dục thường xuyên

GD&TĐ - Dù “không chọn đầu vào nhưng cùng chuẩn đầu ra với giáo dục phổ thông”, giáo dục thường xuyên (GDTX) trong năm học vừa qua đã thể hiện sức hút với quy mô tăng.

Trung tâm GDTX đóng vai trò quan trọng trong công tác giáo dục cho mọi người. Ảnh minh họa
Trung tâm GDTX đóng vai trò quan trọng trong công tác giáo dục cho mọi người. Ảnh minh họa

Chất lượng GDTX được bảo đảm trong năm học nhiều thách thức bởi Covid-19. Điều này được các đại biểu đưa ra tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2020 - 2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 với GDTX ngày 19/8.

Học viên tăng tại nhiều địa phương

Ông Hoàng Đức Minh, Vụ trưởng Vụ GDTX (Bộ GD&ĐT), cho biết: Năm học 2020 - 2021 có tổng số 18.239 cơ sở GDTX (tăng 782 cơ sở). Trong đó, trung tâm GDTX, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) là 625 (giảm 56 trung tâm); trung tâm ngoại ngữ - tin học là 6.188 (tăng 606 trung tâm); trung tâm học tập cộng đồng là 10.555, đạt tỷ lệ 99,53% xã/ phường/ thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng (giảm 2 trung tâm); trung tâm giáo dục kỹ năng sống là 871 (tăng 240 trung tâm).

Số phòng học của các trung tâm GDTX, trung tâm GDNN - GDTX trên cả nước là 11.920 phòng (tăng 3.321 phòng học so với năm học 2019 - 2020). Cơ bản đến nay, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị của các trung tâm GDTX, trung tâm GDNN - GDTX bảo đảm cho việc giảng dạy các chương trình GDTX.

Các trung tâm đã chủ động làm tốt công tác tư vấn hướng nghiệp và tuyển sinh về việc học chương trình GDTX cấp THPT kết hợp với học nghề tại các địa phương, góp phần thực hiện tốt việc phân luồng học sinh sau THCS và đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho các địa phương. Qua đó, huy động được 314.357 học viên tham gia học chương trình GDTX cấp THCS và cấp THPT; tăng 53.649 học viên so với năm học 2019 - 2020.

Chia sẻ kết quả triển khai nhiệm vụ GDTX năm học 2020 - 2021 của tỉnh Vĩnh Long, ông Trịnh Văn Ngoãn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho hay: Toàn tỉnh có 176 cơ sở GDTX, trong năm học 2020 - 2021 đã tổ chức giảng dạy cho 318.278 người học chiếm khoảng 31% dân số của tỉnh. Riêng 8 trung tâm GDNN - GDTX trên địa bàn thu hút 3.655 học viên học văn hóa, tăng 888 học viên. Tỉ lệ bỏ học là 5,72% (giảm 5,44%); kết quả 2 mặt giáo dục được ổn định ở mức cao. Riêng tỉ lệ tốt nghiệp THPT hệ GDTX đạt 91,29% tăng 1,84% so với năm trước.

Là địa phương có số cơ sở GDTX đứng thứ 3 cả nước, chỉ sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Dĩnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cũng đưa thông tin nhu cầu vào học tại các trung tâm GDTX trong tương lai là rất lớn, vì địa phương có chủ trương sẽ giảm tỉ lệ tốt nghiệp THCS vào học THPT.

Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang chia sẻ tín hiệu đáng mừng khi các trung tâm nói chung, trong đó có trung tâm GDTX của tỉnh đang thu hút được nhiều học viên tham gia. “Chất lượng GDTX tăng dần qua từng năm. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2021 tại An Giang đạt 95,27%. Kết quả này là minh chứng cho thấy, chất lượng GDTX ngày càng được củng cố, nâng cao; từ đó thu hút người học tham gia học hệ GDTX” - ông Trần Tuấn Khanh cho biết.

Thực hành và hướng nghiệp nghề giúp các trung tâm GDTX thu hút được người học.
Thực hành và hướng nghiệp nghề giúp các trung tâm GDTX thu hút được người học.

Đáp ứng yêu cầu mới với mô hình mới

Trong tình hình dịch Covid-19, với những khó khăn hiện tại của GDTX, ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, cho rằng, muốn xây dựng hệ thống GDTX mạnh, cần học tập các nước tiên tiến trong việc sử dụng thế mạnh của nền tảng mạng kỹ thuật số để học tập suốt đời. Nên đưa các tiêu chí để xây dựng một trường ảo, có thể dạy các chương trình GDTX, sau đó kiểm tra đánh giá, chấp nhận học sinh ở bất cứ đâu cũng có thể học theo chương trình đã được đưa trên mạng.

Sở GD&ĐT Vĩnh Long thì đề xuất Bộ GD&ĐT cho phép triển khai thực hiện mô hình dạy “lớp GDTX trong trường phổ thông”. Xuất phát từ tình hình thực tế, sở đã lựa chọn và giao cho một số trường phổ thông mở lớp GDTX; mô hình này được kiểm nghiệm thực tiễn tại Vĩnh Long từ năm học 2013 - 2014 đến nay.

Khẳng định của ông Trịnh Văn Ngoãn, hiệu quả mô hình là rất rõ nét. Theo đó, học sinh bỏ học sau tốt nghiệp THCS giảm mạnh; ngược lại, số học viên học hệ GDTX tăng nhanh; chất lượng GDTX ngày một tiệm cận với chất lượng giáo dục phổ thông; tỉ lệ tốt nghiệp THPT hệ GDTX đều cao hơn mặt bằng chung cả nước và tăng hằng năm; tỉ lệ bỏ học hệ GDXT giảm hằng năm góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo hệ GDTX.

“Trước khi áp dụng mô hình này, nhiều học sinh không trúng tuyển lớp 10 đã bỏ học do ở quá xa các trung tâm GDTX làm ảnh hưởng đến chất lượng dân trí và năng suất lao động của Vĩnh Long nói riêng và cả nước nói chung. Chưa kể đến việc các trung tâm không thể đáp ứng nhu cầu học tập của học viên.

Có thể nói, việc mở lớp thường xuyên tại trường phổ thông vừa đáp ứng được nguyện vọng của người học, tạo điều kiện để người học học mọi lúc, mọi nơi theo tinh thần Chỉ thị 10, vừa góp phần tạo môi trường học tập nâng cao dân trí, nâng cao năng suất lao động lại không làm phát sinh thêm biên chế và giảm áp lực vô cùng lớn cho các trung tâm GDTX, GDNN - GDTX của các tỉnh, thành” - ông Trịnh Văn Ngoãn chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.