Tăng sức hút bài dạy truyện - ký với văn học sử

GD&TĐ - Mặc dù tri thức văn học sử có vai trò rất quan trọng trong hoạt động đọc - hiểu truyện, ký Việt Nam hiện đại; tuy nhiên, việc vận tri thức văn học sử vào dạy đọc - hiểu bộ phận văn học này ở trường THPT còn gặp rất nhiều khó khăn.

Tăng sức hút bài dạy truyện - ký với văn học sử

Văn học sử chưa thực sự được chú trọng

Đưa ra nhận định trên, ThS Lê Thị Dung Lê -Trường THCS Hoa Sơn, Anh Sơn, Nghệ An cho rằng, trong nội bộ môn Ngữ văn, văn học sử là một trong những nội dung HS ít hứng thú nhất.

Bởi đây là những tri thức mang tính khái quát cao, cung cấp dung lượng thông tin lớn gắn với nhiều thành phần kiến thức liên ngành và liên môn. Chính vì vậy, thường khô khan và khó tiếp thu hơn so với các bộ phận tri thức khác.

 ThS Lê Thị Dung Lê

Nhiều giáo viên khi dạy đọc - hiểu các văn bản văn học có xu hướng coi trọng tri thức thể loại mà xem nhẹ tri thức văn học sử. Cách nghĩ này xuất phát từ nhận thức thiển cận, phiến diện, một chiều của người dạy về quan điểm xây dựng chương trình sách giáo khoa Ngữ văn mới hiện nay có sự ưu tiên hơn cho tri thức thể loại.

Do đó, họ cho rằng phải dạy đọc - hiểu theo thể loại mới đúng với yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học văn còn vận dụng tri thức văn học sử vào sẽ bị cho là dạy theo phương pháp cũ.

Chính vì thế giáo viên thường bỏ qua các bài khái quát, các phần mục tìm hiểu tác giả, tác phẩm, hoặc nhắc đến một cách qua loa, sơ sài, không liên hệ với phần văn bản và cũng không phục vụ cho việc đọc - hiểu văn bản.

Một nguyên nhân khác, theo ThS Lê Thị Dung Lê, chính người dạy cũng chưa thấy hết được mối quan hệ gắn bó chặt chẽ, tác động lẫn nhau giữa tri thức văn học sử với tri thức đọc - hiểu truyện, kí hiện đại.

Chưa xác định đúng vai trò của tri thức văn học sử trong dạy đọc - hiểu truyện, kí hiện đại nên giáo viên thường có xu hướng tách rời văn bản ra khỏi sợi dây liên hệ với yếu tố bên ngoài tác phẩm như: tác giả, hoàn cảnh sáng tác, bối cảnh xã hội...; chỉ chú trọng đi sâu tìm hiểu nội dung, hình thức bên trong văn bản.

Bên cạnh đó, sức ép của thời gian so với dung lượng kiến thức quá lớn mà giáo viên phải thực hiện trong giờ đọc - hiểu cũng là một trở ngại không nhỏ đối với việc vận dụng tri thức văn học sử.

Bên cạnh đó, so với các môn học khác trong nhà trường, đồ dùng dạy học của môn Ngữ văn rất ít ỏi và không phong phú.

Thường chỉ một vài bức tranh minh họa tác phẩm, tranh chân dung một số tác giả lớn như Nguyễn Du, Nam Cao, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh,...

Mặt khác, tài liệu tham khảo môn Ngữ văn trong nhà trường rất hạn hẹp, hầu hết chỉ trang bị cho người dạy SGK và sách giáo viên, thiếu các tài liệu nghiên cứu, hướng dẫn về phương pháp cần thiết. Do vậy đã hạn chế tầm nhận thức và phương pháp dạy học của giáo viên trong giảng dạy.

Dạy truyện ký hiệu quả với văn học sử

Đề xuất phương pháp, cách thức vận dụng tri thức văn học sử trong dạy đọc - hiểu truyện, kí Việt Nam hiện đại ở trường THPT, ThS Lê Thị Dung Lê cho rằng, việc đầu tiên phải xác định tri thức văn học sử như một loại tri thức công cụ nhằm dạy đọc - hiểu truyện, kí Việt Nam hiện đại hiệu quả

Vận dụng tri thức văn học sử là một hình thức tích hợp rất cần thiết trong dạy đọc hiểu truyện, kí Việt Nam hiện đại ở trường THPT.

Bởi tri thức văn học sử trong không chỉ được thể hiện tập trung trong các kiểu bài tổng quan, khái quát, ôn tập văn học sử hoặc những bài giới thiệu về các tác giả, tác phẩm tiêu biểu mà còn hiện hữu trong các văn bản thông qua những kí hiệu, hình tượng, ngôn từ nghệ thuật.

Với tư cách là một tri thức công cụ, tri thức văn học sử không thay thế hoặc lấn át tri thức đọc - hiểu mà sẽ kết hợp với những tri thức công cụ khác như lí luận văn học, ngôn ngữ học, lịch sử, văn hóa,... sẽ đóng vai trò trợ giúp, định hướng cho học sinh khám phá giá trị bên trong của tác phẩm Việt Nam hiện đại ở trường THPT.

Đồng thời, phải chú ý vấn đề dung lượng kiến thức, thời điểm... để vận dụng hiệu quả tri thức văn học sử trong dạy đọc - hiểu truyện, kí Việt Nam hiện đại

Về dung lượng kiến thức: Giáo viên cần phải có sự cân nhắc, lựa chọn kĩ càng. Đó phải là những tri thức có liên quan đến tác giả và tác phẩm, những yếu tố trực tiếp hoặc gián tiếp có sự ảnh hưởng, tác động hoặc chi phối đến quá trình hình thành, nội dung, chủ đề của tác phẩm.

Ví dụ như tiểu sử, phong cách nghệ thuật của nhà văn, hoàn cảnh ra đời tác phẩm, bối cảnh lịch sử, xã hội,... sao cho phù hợp với nội dung bài học và thời lượng của giờ dạy.

Thời điểm vận dụng: Hệ thống được dung lượng tri thức văn học sử sẽ vận dụng trong dạy đọc - hiểu truyện, kí hiện đại thì phải đi đôi với việc xác định thời điểm để vận dụng tri thức đó.

Muốn xác định được thời điểm thích hợp cũng phải căn cứ vào tác phẩm. Mỗi tác phẩm có một hoàn cảnh sáng tác khác nhau, nội dung tư tưởng, cách thể hiện khác nhau nên thời điểm vận dụng tri thức văn học sử cũng khác nhau.

Qua thực tiễn giảng dạy và quá trình nghiên cứu, ThS Lê Thị Dung Lê đưa ra một số thời điểm thuận lợi cho việc vận dụng tri thức văn học sử trong dạy đọc - hiểu truyện, kí Việt Nam hiện đại, đó là:

Thời điểm diễn ra hoạt động hướng dẫn chuẩn bị bài ở nhà; thời điểm học phần Tiểu dẫn;

Thời điểm giáo viên định hướng cho học sinh phát hiện những giá trị nghệ thuật đặc sắc của tác phẩm dựa trên các chi tiết, tình huống tiêu biểu; thời điểm tổng kết nghệ thuật và nội dung văn bản.

ThS Lê Thị Dung Lê lưu ý: Về cơ bản những thời điểm này chỉ mang tính định hướng. Giáo viên phải căn cứ vào từng nội dung, mục đích của hoạt động đọc - hiểu văn bản để lựa chọn thời điểm tích hợp tri thưc văn học sử sao cho hợp lí.

Kết nối, liên thông tri thức

Theo ThS Lê Thị Dung Lê, với tinh thần tích hợp, chương trình Ngữ văn THPT được xây dựng như một chỉnh thể văn hóa mở.

Điều đó không chỉ đòi hỏi ở người dạy khả năng kết nối, liên thông tri thức và kĩ năng của cả ba phần Văn học - Tiếng Việt - Làm văn trong từng phần, từng vấn đề, từng nội dung bài học cụ thể, mà còn phải huy động những kiến thức có liên quan của các bộ môn khoa học khác như Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân, các môn nghệ thuật... vào mỗi đơn vị bài học.

Điều này vừa nhằm cung cấp, mở rộng và khắc sâu kiến thức vừa hình thành và chú trọng rèn luyện cho học sinh năng lực tư duy, óc sáng tạo, kĩ năng thực hành nghe, nói, đọc, viết và khả năng thích ứng và giải quyết các tình huống có thực trong cuộc sống.

ThS Lê Thị Dung Lê cũng lưu ý đến việc kết hợp linh hoạt nhiều phương pháp, biện pháp khi vận dụng tri thức văn học sử vào dạy đọc - hiểu truyện, kí Việt Nam hiện đại

Có rất nhiều phương pháp, biện pháp vận dụng tri thức văn học sử trong dạy đọc - hiểu truyện, kí Việt Nam hiện đại, mỗi phương pháp đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng.

Điều quan trọng là giáo viên phải biết kết hợp linh hoạt các phương pháp đó vào bài dạy của mình một cách có hiệu quả.

Có thể kể ra đây một số phương pháp như: phương pháp thuyết trình, phương pháp gợi mở (hay còn gọi là phương pháp vấn đáp, phương pháp đàm thoại), phương pháp nêu vấn đề, phương pháp sử dụng phương tiện dạy học hiện đại như máy chiếu, băng đĩa...

“Trên thực tế không có một hoạt động dạy học nào chỉ sử dụng duy nhất một phương pháp, mà luôn có sự kết hợp giữa các phương pháp lại với nhau trong một chỉnh thể tác phẩm.

Vận dụng tri thức văn học sử vào dạy đọc - hiểu truyện, kí hiện đại cũng là một hoạt động dạy học như vậy” - ThS Lê Thị Dung Lê cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ