Tăng số lượng nữ cán bộ quản lý giáo dục các cấp

GD&TĐ - Đó là một trong những yêu cầu được đặt ra trong hướng dẫn chương trình công tác Vì sự tiến bộ phụ nữ năm 2014 ngành Giáo dục.

Tăng số lượng nữ cán bộ quản lý giáo dục các cấp

Khuyến khích nữ nhà giáo học tập nâng cao trình độ

Nhấn mạnh mục tiêu tăng số lượng nữ cán bộ quản lý giáo dục các cấp, ngành Giáo dục đồng thời quan tâm đến việc phát hiện, giới thiệu những nữ nhà giáo, cán bộ quản lý có triển vọng đưa vào quy hoạch; quan tâm giới thiệu các nữ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục ưu tú tham gia quy hoạch cấp ủy, đại biểu quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp ở địa phương nhiệm kỳ 2016 - 2020.

Bên cạnh đó, vận động nữ nhà giáo học tập nâng cao trình độ, đặc biệt là tin học và ngoại ngữ; hưởng ứng các phong trào thi đua, các cuộc vận động của Bộ và công đoàn ngành, của Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; lồng ghép vào các hoạt động chuyên môn để thu hút nữ nhà giáo và lao động tham gia vào mọi lĩnh vực đời sống giáo dục hiện nay.

Đối với địa phương còn nhiều phụ nữ mù chữ độ tuổi 15 đến 35, còn nhiều trẻ em gái chưa được đến trường hoặc bỏ học, quan tâm xây dựng kế hoạch vận động đưa trẻ em gái đến trường, có kế hoạch xóa mù chữ cho phụ nữ ở độ tuổi từ 15 đến 35 để đạt tỷ lệ 90% trở lên số phụ nữ trong độ tuổi nói trên biết chữ vào năm 2015.

Phấn đấu 80% HSSV nữ được giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam

Hướng dẫn chương trình công tác Vì sự tiến bộ phụ nữ năm 2014 ngành Giáo dục nêu rõ yêu cầu các địa phương và đơn vị xây dựng và thực hiện kế hoạch triển khai Tiểu Đề án 2 “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong trường học giai đoạn 2010 - 2015” năm 2014.

Phấn đấu đến cuối năm 2014 có có 80% trở lên học sinh, sinh viên nữ trong trường học được tuyên truyền, giáo dục về các phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phù hợp với lứa tuổi, bậc học, cấp học, vùng miền và điều kiện kinh tế xã hội của địa phương.

Có 85% cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, cán bộ làm công tác vì sự tiến bộ phụ nữ, giáo viên nữ thuộc các địa phương và của các cơ sở giáo dục trực thuộc, được tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng trong công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước nói chung và trong trường học phù hợp với bậc học, cấp học, khu vực và điều kiện kinh tế xã hội của địa phương.

Hình thức tuyên truyền, giáo dục cũng được lưu ý lựa chọn phù hợp, đảm bảo cho các đối tượng được tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, từ đó phấn đấu, rèn luyện theo 4 phẩm chất, đạo đức tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam “Tự tin - tự trọng -trung hậu - đảm đang”.

Đẩy mạnh công tác truyền thông, kiểm tra

Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Giáo dục trong nhiệm vụ công tác năm 2014 cũng chú trọng đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.

Đồng thời yêu cầu kiện toàn nhân sự Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ khi có sự thay đổi. Tiếp tục đổi mới hình thức hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, đơn vị…

Lưu ý, thực hiện đầy đủ công tác bình chọn, xét các giải thưởng lớn của phụ nữ, kịp thời đề nghị xét, tặng kỷ niệm chương vì sự phát triển phụ nữ và thực hiện đầy đủ, kịp thời công tác thi đua khen thưởng.

Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các sở GD&ĐT, các cơ sở đào tạo cần xây dựng kế hoạch kiểm tra và tổ chức các đoàn kiểm tra hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ ở các đơn vị trực thuộc và cấp dưới.

Nội dung kiểm tra tập trung vào một số vấn đề: Tổ chức và hoạt động của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ; công tác cán bộ nữ và việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ nữ để đạt chỉ tiêu theo quy định; kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Tiểu Đề án 2 của đơn vị.

Bộ GD&ĐT cho biết sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Kế hoạch bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ, lồng ghép với thực hiện Tiểu Đề án 2.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ