Theo đó, kể từ 1/1/2018, giá dịch vụ trông giữ xe tại các quận nội thành Hà Nội đã tăng vọt. Theo quy định, mức tăng đối với xe máy, vé ngày là 5.000 đồng/xe, vé tối là 8.000 đồng/xe, phí gửi xe cả ngày và đêm là 13.000 đồng.
Còn với ô tô, phí đỗ 2 tiếng đầu là 50.000 đồng/xe, sang tiếng thứ 3, 4 là 35.000 đồng/xe/giờ, bắt đầu từ tiếng thứ 5 trở đi là 45.000 đồng/xe/giờ, phí gửi cả ngày là 300.000 đồng/xe.
Trên thực tế, hiếm có địa điểm trông xe nào ở Hà Nội thực hiện theo mức giá quy định này, một điều quen thuộc diễn ra từ lâu nay.
Vào thời điểm hiện tại, một số tuyến phố trung tâm như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Đinh Tiên Hoàng... hầu hết các điểm trông giữ xe máy đều lấy giá 10.000 đồng/xe; với ô tô giá trông giữ xe dưới 9 chỗ trung bình ở mức 60.000 đồng/xe cho 2 giờ đầu.
Đó là trông giữ theo giờ. Còn với những người phải gửi xe theo tháng thì cũng căng thẳng không kém. Theo chúng tôi ghi nhận được, hầu hết các điểm trông xe đã điều chỉnh phí lên gấp đôi; chẳng hạn mức trung bình trước đây là 1.500.000 đồng/xe thì nay đã lên 3.000.000 đồng/xe, một mức quá cao so với mặt bằng thu nhập của người dân, trong khi không phải cứ ai đi ô tô cũng là có điều kiện.
Nói về sự điều chỉnh giá trông giữ xe vừa qua, cơ quan chức năng cho biết mục đích để hạn chế phương tiện cá nhân, đặc biệt là khu vực lõi đô thị nhằm “để điều tiết nguồn thu từ giá trông giữ về ngân sách thành phố, tránh tình trạng người trông giữ trục lợi từ chính sách nên cần thiết phải tăng phí sử dụng hè, đường.
Thế nhưng trên thực tế không ai vì giá trông xe tăng lên mà phải bỏ phương tiện, mà nếu không sử dụng xe cá nhân thì đi bằng gì?
Chưa kể cơ quan chức năng cũng nhấn mạnh tăng giá trông giữ phương tiện không ảnh hưởng đến người dân, vì trên thực tế người dân đang phải trả cho các đơn vị, cá nhân trông giữ xe cao gấp 1,5 - 2 lần so với quy định của thành phố.
Tuy nhiên thực tế hầu hết các điểm trông giữ xe ở Hà Nội hiện nay luôn cao hơn mức giá quy định ít nhất gấp 2 - 3 lần. Việc trông giữ xe ô tô cũng luôn ở mức cao hơn so với quy định.
Vậy thì ai mới là đối tượng hưởng lợi từ việc tăng phí này? Rõ ràng không phải chính quyền thành phố với mục tiêu tăng phí để giảm thiểu ùn tắc giao thông. Còn đối tượng chịu thiệt thì rõ ràng là rơi vào người dân, nhất là đối với những người có thu nhập thấp.
Ngay từ khi đề xuất tăng phí sử dụng lòng lề đường tại Hà Nội được đưa ra, đã có những ý kiến trái chiều và hầu hết đều đề nghị nghiên cứu thêm, nhưng như chúng ta thấy, từ đề xuất đến thực thi quá nhanh, không có lộ trình cụ thể, trong khi các phương tiện công cộng phục vụ người dân thì vừa thiếu, vừa yếu khiến người dân rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.
Liệu các quyết định đó có vì người dân hay không thì ai cũng nhìn thấy trên thực tế và câu hỏi về vấn đề này xin được gửi tới những người có trách nhiệm của thành phố.