Đảm bảo quyền lợi
Đánh giá một cách tổng thể về quy chế tổ chức, hoạt động các trường PTDTNT hiện nay, thầy Trần Đình Hòa, Hiệu trưởng Trường PTDTNT THCS Bố Trạch (Quảng Bình) cho rằng cơ bản vẫn phù hợp với thực tế hoạt động của trường mình.
Tuy nhiên, về chế độ cho nhân viên trường PTDTNT nhìn từ đội ngũ nhân viên của trường mình, thầy Hòa mong muốn có sự điều chỉnh để đảm bảo sự hỗ trợ, động viên nhất định.
“Nhìn từ đội ngũ nhân viên của trường cho thấy họ đang phải kiêm nhiệm nhiều công việc cùng lúc, thậm chí nhiều việc hơn cả giáo viên giáo viên. Ngoại trừ công việc đứng lớp thì những việc liên quan tới trường lớp khác trong nhà trường hầu như đều giao phó cho đội ngũ nhận viên.
Theo đặc thù vùng nơi trường đóng chân, tuần nào các thầy cô cũng phải làm công việc gọi học sinh đi học, đặc biệt với nhiều em không có phương tiện đến trường, bố mẹ không đưa đi thì thầy cô phải làm luôn cả nhiệm vụ đưa đón thay gia đình để đảm bảo duy trì sĩ số trường lớp, học sinh được đi học đầy đủ, không thiếu hụt kiến thức...
Có thể nói, nhân viên Trường PTDTNT THCS Bố Trạch đã và đang là nòng cốt chính trong việc vận động, đưa đón HS đi học, duy trì sĩ số trường lớp trong mọi thời điểm. Hiện tại trường có tổng số 8 nhân viên, ngoài lương theo quy định thì không có thêm chế độ hỗ trợ nào liên quan đến học sinh. Do đó, việc “không tên” thì nhiều nhưng nhân viên vẫn thiệt thòi...”, thầy Hòa trao đổi.
Theo thầy Hòa, nếu nhân viên công tác trong trường PTDTNT không có chế độ 0,3 về quản lý học sinh nội trú thì khá thiệt thòi so với công việc thực tế. Hiện tại hầu hết đội ngũ nhân viên vẫn làm việc tận tình bởi họ coi đây là trách nhiệm, tình cảm với học trò, nhà trường... Song để tăng cường trách nhiệm và có sự gắn bó lâu dài với công việc, nhà trường thì cần có chế độ hỗ trợ cho nhân viên trường nội trú (đặc biệt với các trường có đặc thù công việc vất vả như Trường PTDTNT THCS Bố Trạch).
Về độ chế độ cho học sinh, thầy Phùng Minh Thái, Hiệu trưởng Trường PTDTNT THCS &THPT huyện Bảo Thắng (Lào Cai) trao đổi: Thông tư 109 về chế độ cho học sinh trường nội trú thì bằng 80% mức lương cơ sở. Nhưng hiện nay giá cả thị trường có sự biến chuyển, leo thang nhiều và mức lương cơ sở không tăng. Điều đó, dẫn tới chế độ cho học sinh trong quá trình học tập cũng hạn hẹp.
Từ những khó khăn “bất cập” về chế độ trong quá trình triển khai thực tế, thầy Thái cho rằng chế độ của học sinh trường nội trú cần điều chỉnh bằng mức lương cơ sở. Như vậy sẽ đảm bảo tốt hơn chế độ của học sinh.
Đối với chế độ cho giáo viên làm công tác chủ nhiệm tại trường, thầy Thái cũng khẳng định sự vất vả, thậm chí vất vả hơn nhiều lần so với các trường THPT thông bình thường khác. Giáo viên chủ nhiệm trường nội trú phải đảm bảo cho học sinh từ ăn ngủ, nghỉ… và gần như có trách nhiệm 24/24h.
Tuy nhiên tính định mức số tiết giáo viên chủ nhiệm hiện nay chỉ tương đương1 tiết; công việc vất vả hơn nhưng chế độ của giáo viên chủ nhiệm trường phổ thông khác nhưng chế độ cũng tính tương đương nhau. Theo thầy Thái, giáo viên chủ nhiệm trong trường nội trú cần được hưởng 6 tiết/tuần sẽ hợp lý hơn.
Mở rộng vùng tuyển sinh
Thầy Cao Xuân Lâm, Hiệu trưởng Trường PTDTN THCS&THPT Si Ma Cai (Lào Cai) chia sẻ: Một trong những khó khăn nhất hiện nay của trường là công tác tuyển sinh đầu vào bởi yêu cầu học sinh phải là con em dân tộc thiểu số, con em gia đình các dân tộc định cư lâu dài tại vùng có kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Trong khi đó, theo Quyết định 861 về các xã đặc biệt khó khăn, Quyết định 612 về các thôn đặc biệt khó khăn của Chính phủ nên năm học 2022-2023 nguồn tuyển của Trường PTDTN THCS&THPT Si Ma Cai chỉ còn ở 5 xã và 7 thôn của Thị trấn Si Ma Cai; 3 xã đã đạt nông thôn mới và không có thôn đặc biệt khó khăn. Do đó, đối tượng tuyển sinh của trường giảm khoảng 38%.
Từ thực tế địa phương thầy Lâm cho rằng nên điều chỉnh, mở rộng về tiêu chí vùng tuyển đối với các trường DTNT để đảm bảo nguồn tuyển hàng năm.
Thầy Phùng Minh Thái, Hiệu trưởng Trường PTDTNT THCS &THPT huyện Bảo Thắng cũng chia sẻ thực tế: Huyện Bảo Thắng đã đạt chuẩn nông thôn mới do đó chỉ còn Nông trường thị trấn Phong Hải và 24 thôn đặc biệt khó khăn trong vùng tuyển. Hiện công tác tuyển sinh đặc biệt khó khăn.
Nếu có sự điều chỉnh về quy chế, mở rộng vùng tuyển phù hợp thì chắc chắn sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho con em vùng đồng bào DTTS miền núi tiếp tục được hưởng chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước.
Thầy Đinh Tiến Hoàng, Hiệu trưởng Trường PTDTNT THCS Kỳ Sơn, Nghệ An cùng tâm tư như nhiều Hiệu trưởng các trường PTDTNT khác: Xây dựng nông thôn mới nên nhiều xã đã “thoát” diện đặc biệt khó khăn. Điều đó kéo theo nguồn tuyển hạn hẹp, không đủ.
“Nên chăng mở rộng vùng tuyển, với số phần trăm nhất định nguồn tuyển với vùng thuận lợi bên cạnh vùng tuyển đặc biệt khó khăn. Như vậy vừa đảm bảo số lượng, vừa đảm bảo chất lượng nguồn tuyển ở các trường PTDTNT…” thầy Hoàng đề xuất.
Hiện Trường PTDTNT THCS Kỳ Sơn (Nghệ An) có 360 học sinh. Một số xã đã đáp ứng diện nông thôn mới nên nguồn tuyển giảm đáng kể. Đáng nói học sinh dù thuộc xã nông thôn mới nhưng vẫn khó khăn mà không được tuyển khiến thiệt thòi về quyền lợi học tập.