Tăng lương sớm để đáp ứng yêu cầu cấp bách, đảm bảo an sinh xã hội

GD&TĐ - Chuyên gia cho rằng, cần điều chỉnh tăng lương từ ngày 1/1/2023 để đáp ứng được những yêu cầu cấp bách trong thời điểm hiện nay.

Chuyên gia mong muốn tăng lương sớm để đáp ứng được những yêu cầu cấp bách trong thời điểm hiện nay. Ảnh minh họa
Chuyên gia mong muốn tăng lương sớm để đáp ứng được những yêu cầu cấp bách trong thời điểm hiện nay. Ảnh minh họa

Chưa xây dựng được mức sàn an sinh xã hội tối thiểu

Liên quan đến an sinh xã hội, ông Lâm Văn Đoan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cho rằng, đến thời điểm này cần xem xét đổi mới, cải cách hệ thống chính sách trong giai đoạn mới. Điều này tương đồng với các giai đoạn phát triển của đất nước vào năm 2025 - 2030 và tầm nhìn năm 2045, hài hòa với các chuẩn mực quốc tế. Hay nói cách khác là có thể so sánh được với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Theo ông Đoan, chính sách an sinh xã hội còn chưa được thiết kế thật sự hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc bảo đảm quyền của người dân. Đồng thời, chưa xây dựng được mức sàn an sinh xã hội tối thiểu chung, dựa trên mức sống tối thiểu, gắn với thu nhập tối thiểu và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản. Như vậy, phải tính tới khả năng của ngân sách Nhà nước, chỉ số giá tiêu dùng và khả năng tham gia của người dân thuộc các nhóm xã hội có mức sống khác nhau.

Ông Trần Chí Cường, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách thành phố Đà Nẵng, cho rằng, đầu tư công được xem là đòn bẩy, là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy vậy, tỷ lệ giải ngân vẫn đạt thấp và vấn đề này đã được đề cập nhiều qua các năm.

Ông Trần Chí Cường đề nghị cần có sự quan tâm, xem xét, có chính sách tạo điều kiện cho các địa phương có thời gian tích lũy để phục hồi. Đồng thời, đảm bảo nguồn lực cho phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và phát triển thực sự đủ mạnh. Nhất là các địa phương phải chịu tác động lớn của đại dịch và ảnh hưởng, thiệt hại do thiên tai, thời tiết cực đoan và biến đổi khí hậu chưa hoàn toàn phục hồi.

Ông Cường cho biết, chỉ tiêu kinh tế - xã hội duy nhất không đạt được là tốc độ tăng năng suất lao động xã hội. Theo đó, năng suất lao động xã hội có thể xem là yếu tố chủ chốt để đánh giá chất lượng của một mô hình kinh tế.

Việc cải thiện năng suất lao động tuy được đặt vào trọng tâm của các chính sách dài hạn, kế hoạch 5 năm nhưng cũng cần có những quyết sách trong kế hoạch hàng năm.

Vấn đề cải thiện năng suất lao động là trọng tâm, cốt lõi của việc nâng cấp trình độ sản xuất quốc gia. Đồng thời, đạt được các mục tiêu về phát triển chiều sâu cũng như thoát bẫy thu nhập trung bình, nâng cao năng lực nội tại và sức chống chịu của nền kinh tế.

Bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người lao động

Theo ông Đoan, cần quan tâm, xem xét điều chỉnh mức chuẩn ưu đãi người có công để bảo đảm cao hơn chuẩn nghèo thành thị. Qua rà soát cho thấy gần 15 năm qua, từ năm 2008 đến 2022 có khoảng 11 lần điều chỉnh trợ cấp người có công gắn với điều chỉnh lương cơ sở. Bao giờ mức chuẩn này cũng cao hơn mức lương cơ sở và cao hơn chuẩn nghèo ở thành thị.

Ông Đoan cũng thông tin, hiện nay, Chính phủ đang dự kiến mức điều chỉnh này chỉ tăng 20,8% so với mức trợ cấp hiện hành. Như vậy, dự kiến mức chuẩn mới sẽ là hơn 1.900.000 đồng/tháng/ người, thấp hơn khoảng 38.000 đồng/người/tháng, thấp hơn mức chuẩn nghèo ở thành thị là 2 triệu đồng/người/tháng.

“Tuy số tiền giảm cho người có công không lớn nhưng tôi cho rằng vấn đề không phải ở mức tiền trợ cấp mà quan trọng hơn là bảo đảm tính nhất quán trong điều chỉnh mức chuẩn chính sách này trong tương quan giữa các thời kỳ khác nhau. Bởi vì chính sách người có công cách mạng luôn là một chính sách ưu tiên cao nhất của Đảng, Nhà nước ta trong các chính sách xã hội. Bảo đảm mức trợ cấp, ưu đãi người có công với cách mạng là mức trợ cấp cao nhất. Phấn đấu đạt mục tiêu 100% người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình ở cộng đồng nơi cư trú như Pháp lệnh ưu đãi người có công đã quy định”, ông Đoan nói.

Theo ước tính sơ bộ, nếu điều chỉnh mức trợ cấp người có công tăng lên hơn 2.050.000 đồng/người/tháng. Tức là cao hơn 50.000 đồng/người/tháng so với mức chuẩn nghèo thành thị vào thời điểm thực hiện từ ngày 1/7/2023 thì ước tính sẽ tăng thêm khoảng 730 tỷ đồng so với mức của Chính phủ đang dự kiến.

“Đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh mức trợ cấp này tăng 20,8% so với mức chuẩn hiện hành và thời gian thực hiện cũng bắt đầu từ mùng 1/7/2023 để đảm bảo tương quan đồng bộ giữa các chính sách an sinh xã hội. Tổ chức Lao động quốc tế cũng khuyến nghị Việt Nam cần quan tâm xác định mức trợ cấp bảo trợ xã hội thỏa đáng để bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người lao động và gia đình của họ. Đặc biệt quan tâm tới bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho các nhóm yếu thế để không ai bị bỏ lại phía sau, làm cho mọi người dân được hưởng lợi từ những thành quả phát triển kinh tế - xã hội”, ông Đoan nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.