Bất kể khách hàng yêu cầu như thế nào, các nghệ nhân kiêm nhà sản xuất áo quan cũng đáp ứng.
Áo quan ứng với người
Ghana là quốc gia Tây Phi có diện tích 238.535 km2 và dân số khoảng 30 triệu người. Họ nổi tiếng khắp thế giới bởi một khía cạnh văn hóa độc lạ nhất: Quan tài mang phong cách cá nhân. Thay vì những kiểu mẫu cố định, các xưởng đóng áo quan ở đây tiếp nhận mọi yêu cầu của khách hàng. Bất kể là quan tài hình tàu thủy, tòa nhà, ô tô, máy bay, chiếc giày, con vật, chai nước... các thợ đóng quách ở đây đều đáp ứng được.
Giới “nghệ thuật quan tài” Ghana gọi “tác phẩm” của họ là Quan tài Trong mơ (Coffin Fantasy). Người Ghana quan niệm, chết không phải là hết, mà chỉ rời thế giới bên này sang thế giới bên kia. Họ cũng tin rằng, ở thế giới bên kia, người chết vẫn tiếp tục công việc đang làm trước khi tạ thế.
Trong tiếng Ghana, quan tài được gọi bằng cụm từ “abebuu adekai”, với nghĩa “áo quan ứng với người”. Chiếc quan tài là đại diện của người đã khuất. Nó biểu đạt công việc, ước mơ của người an nghỉ bên trong. Giả sử người đã mất là nhà văn, quan tài tương ứng sẽ mang hình cái bút hoặc cuốn sách. Còn nếu họ là ngư dân hoặc thợ mộc, chiếc quan tài tương ứng sẽ là con cá hoặc
cái rìu...
Ngoài ra, quan tài Ghana còn đại diện cho địa vị và gia tộc của người đã khuất. Mỗi dòng họ Ghana có một con vật đại diện riêng, ví dụ như gà trống, sư tử... Và chỉ có trưởng tộc qua đời mới được an táng trong quan tài mang hình dạng con vật đại diện.
Văn hóa tang lễ mới
Theo ghi nhận của lịch sử Ghana, văn hóa tang lễ “áo quan ứng với người” bắt đầu vào thập niên 1950. Ban đầu, chỉ các nhân vật có địa vị cao nhất trong xã hội là được an táng trong quan tài. Thế nhưng chỉ sau một thập niên, áo quan đã trở thành một phần không thể thiếu.
Tổ nghề của nghệ thuật áo quan ở Ghana là nhà điêu khắc Seth Kane Kwei (1922 - 1992). Vào thập niên 1940, Kwei thuyết phục thành công một gia tộc có người đứng đầu vừa tạ thế sử dụng chiếc “quan tài trong mơ” đầu tay của mình. Đó là áo quan được thiết kế theo hình dạng chiếc kiệu, chạm khắc lộng lẫy.
Giữa thập niên 1950, bà của Kwei qua đời. Sinh thời, bà rất thích máy bay. Nhà của bà chỉ ở cách Sân bay Quốc tế Kotoka, Accra, Ghana mới khai trương có vài km. Tuy nhiên, đến tận khi nhắm mắt, lão niên này vẫn chưa một lần được lên máy bay. Thương bà, Kwei đóng quan tài hình phi cơ. Anh tâm niệm với chiếc áo quan này, bà sẽ thoải mái bay khắp thế giới bên kia.
Rất nhanh, ý tưởng độc đáo của Kwei lan xa. Kể từ thập niên 1960, đời sống kinh tế của cư dân Ghana ngày càng trở nên khá giả. Đối tượng đặt “quan tài trong mơ” mở rộng, yêu cầu cũng đa dạng hơn. Năm 1980, Kwei khánh thành xưởng mộc đóng áo quan đầu tiên ở Ghana, Kane Kwei.
Thu nhập cao
Hiện tại, người thừa kế và điều hành Kane Kwei là Joseph Ashong (1947), cháu trai của Kwei. “Hồi 15 tuổi, tôi được mẹ đưa tới chỗ chú học việc”, Ashong nhớ lại. “Vào năm 1974, tôi được chú cho ‘tốt nghiệp’ và ‘khởi nghề’ luôn từ đó. Tính đến nay, tôi đã có gần 50 năm trong nghề rồi”.
Trước năm 2015, trung bình mỗi năm, xưởng của Ashong sản xuất khoảng 300 chiếc quan tài. Họ xuất khẩu 20%, bán trong nước 80%. Tất cả các quan tài đều được thiết kế và đóng theo yêu cầu cá nhân của từng khách hàng. Tất nhiên, giá thành của mỗi chiếc cũng khác.
“Đối với các quan tài bán trong nước, giá thành dao động trong khoảng 500 – 1.000 USD/chiếc (tương đương 12 - 24 triệu đồng)”, Ashong nói.
So với thu nhập bình quân trên đầu người của Ghana (hiện tại là 2.200 USD/người/năm, tương đương 51 triệu đồng), số tiền này tương đối cao. Tuy nhiên, văn hóa Ghana rấtxem trọng việc tiễn đưa người chết. Các gia đình thường chi từ 3.000 - 20.000 USD/tang lễ (tương đương 70 triệu - 4,6 tỷ đồng), nên không ngại trả thêm số tiền đặt quan tài như ý này.
Đối với quan tài xuất khẩu, giá thành dao động từ 5.000 - 15.000 USD/chiếc (tương đương 116 triệu - 3,5 tỷ đồng). Sự chênh lệch này là do yêu cầu vật liệu chất lượng cao, ví dụ như loại gỗ, và phí vận chuyển.
Sau năm 2015, lượng khách hàng của Ashong có chiều hướng giảm. Nguyên nhân là do tỷ lệ tử vong ở Ghana thay đổi, từ 9/1.000 người/năm vào năm 2015 xuống còn 7/1.000 người/năm vào năm 2017. Dù vậy, Ashong vẫn tiêu thụ được 4 - 8 quan tài/tháng và ổn định thu nhập.
“Đây là một công việc kinh doanh rất có lãi”, ông thừa nhận. Ngoài xưởng của Ashong, Ghana hiện đang có từ 8 - 10 xưởng khác. “Đây chưa phải là con số lớn, nhưng tôi tin ngành nghề phục vụ này sẽ tiếp tục duy trì vì quy luật nhân sinh”, Ashong nói thêm. Ông cũng tự hào đã đào tạo hơn 100
nghệ nhân.
Có điều, “xin đừng thấy chúng tôi kinh doanh quan tài mà cho rằng, chúng tôi vui mừng khi thấy người chết”, Ashong bộc bạch. “Ai cũng đau lòng trước tin tang mà thôi. Chúng tôi dồn hết tâm huyết vào từng chiếc quan tài, với tâm niệm gửi đến người đã khuất lời từ biệt chân thành nhất. Và chúng tôi cũng mong rằng, chiếc áo quan sẽ mangtới cho họ những điều tốt đẹp nhất, bởi vì cuộc sống vẫn tiếp tục ở thế giới bên kia”.