Tăng khả năng chịu mặn cho cây vú sữa

GD&TĐ - TS Nguyễn Thị Ngọc Trúc - Viện Cây ăn quả miền Nam cho biết, Tiền Giang có diện tích cây ăn trái lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long, trên 86 nghìn ha.

Vườn vú sữa phục hồi tốt sau khi được cải tạo bằng chế phẩm AMF.
Vườn vú sữa phục hồi tốt sau khi được cải tạo bằng chế phẩm AMF.

Chế phẩm vi sinh vật từ một số dòng nấm nội cộng sinh do nhóm tác giả Viện Cây ăn quả miền Nam chọn tạo có khả năng giúp các vườn vú sữa bị thoái hóa do hạn mặn phục hồi.

Sử dụng nấm nội cộng sinh

TS Nguyễn Thị Ngọc Trúc - Viện Cây ăn quả miền Nam cho biết, Tiền Giang có diện tích cây ăn trái lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long, trên 86 nghìn ha. Tuy nhiên, những năm gần đây, do cây già cỗi, việc áp dụng nhiều biện pháp thâm canh tăng năng suất nhưng thiếu bền vững và sâu bệnh gây hại nhiều đã làm diện tích cây trồng này ngày càng thu hẹp dần.

Mặt khác, tình hình xâm nhập mặn gay gắt cũng ảnh hưởng lớn đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây - có đến khoảng 35 nghìn ha cây ăn trái của tỉnh chịu ảnh hưởng trực tiếp của hạn, mặn.

Trong các loại cây ăn trái ở Tiền Giang, vú sữa Lò Rèn được ưa chuộng nhất. Loại trái cây đặc sản này đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim”.

Nhằm cải thiện vườn vú sữa và phát triển nông nghiệp bền vững, Viện Cây ăn quả miền Nam đã triển khai Đề tài “Phân lập, tuyển chọn và thử nghiệm chế phẩm vi sinh vật từ một số dòng nấm nội cộng sinh – AMF, nhằm tăng khả năng chống chịu hạn mặn cho cây vú sữa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang”.

Sau hơn ba năm phân lập mẫu đất và rễ vú sữa tại tỉnh Tiền Giang, nhóm đã xác định được 15 loài chủng nấm nội cộng sinh với khả năng xâm nhiễm vào bên trong rễ cây từ 40 - 75%.

Ba loài AMF có khả năng xâm nhiễm cao nhất, lần lượt là VS5, VS10 và VS 7. Từ những dòng AMF này, nhóm phát triển chế phẩm vi sinh, thử nghiệm trên vườn cây vú sữa ở xã Đông Hòa, Châu Thành.

Giúp rễ cây dài hơn để tìm nước

TS Nguyễn Thị Ngọc Trúc cho biết, trước khi sử dụng chế phẩm, nhóm loại bỏ các cành không hiệu quả, giúp giảm bớt gánh nặng cho bộ rễ cây. Bổ sung chế phẩm nấm nội cộng sinh, với liều lượng 0,5 kg/gốc, thời gian bón lặp lại 6 tháng/lần. Kết quả, AMF bám vào bộ rễ, làm rễ ra dài tới khoảng 2m, từ đó giúp cây tìm được nước, dinh dưỡng để chống chịu với hạn, mặn và vườn phục hồi tốt sau 12 tháng.

Cụ thể, nhóm nghiên cứu thực hiện triển khai thí điểm tại 2 vườn vú sữa trên địa bàn huyện Châu Thành. Bà Huỳnh Ngọc Vàng (xã Đông Hòa, huyện Châu Thành) cho biết, thời điểm hạn, mặn năm 2020, vườn vú sữa hơn 4 công của gia đình bị ảnh hưởng rất nặng, cây suy kiệt.

Lúc đó, gia đình đã tính đến việc đốn bỏ, nhưng nhờ sử dụng chế phẩm vi sinh từ nấm nội cộng sinh AMF, cây phục hồi và phát triển rất tốt. Năm nay, gia đình bà phun rất ít thuốc bảo vệ thực vật, nhưng cây phát triển rất tốt, cho trái đạt và đẹp. Hiện, vườn vú sữa phục hồi gần như 100%, cây phát triển tốt và cho trái đẹp.

TS Lê Quang Khôi - Phó Giám đốc Sở KH&CN Tiền Giang cho biết, trong điều kiện biến đổi khí hậu và hạn, mặn xảy ra ngày càng gay gắt, Sở đã đầu tư nghiên cứu triển khai mô hình điểm về ứng dụng các tiến bộ công nghệ sinh học để phục hồi cây vú sữa Lò Rèn.

Các mô hình được triển khai thông qua việc ứng dụng các chế phẩm vi sinh có ích, phân hữu cơ vi sinh để cải tạo hệ sinh thái môi trường đất. Điều này nhằm hỗ trợ phục hồi bộ rễ của cây vú sữa Lò Rèn. Mô hình này là cơ sở khoa học, minh chứng cho việc ứng dụng hiệu quả các thành tựu KH&CN vào canh tác cây vú sữa Lò Rèn bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái và tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

Dù cho kết quả tốt song mô hình này được thực hiện ở quy mô tương đối nhỏ cần phải được phổ biến và nhân rộng trong thời gian tới. Tới đây, sau khi được Hội đồng khoa học nghiệm thu, đánh giá tính hiệu quả và an toàn, Sở KH&CN sẽ phối hợp với Viện Cây ăn quả miền Nam, ngành Nông nghiệp, nông dân, chính quyền địa phương tập huấn, chuyển giao nhân rộng mô hình này.

AMF là một hình thức cộng sinh, giữa nấm có lợi sống trong đất và rễ của thực vật bậc cao, đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của thực vật cũng như hệ sinh thái. AMF mang lại nhiều lợi ích quan trọng trong nông nghiệp và môi trường, như tăng năng suất và chất lượng cây trồng, bảo vệ môi trường, tăng cường sự đa dạng sinh học…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.