Theo báo cáo vừa được đăng tải trên tạp chí y tế BMJ, khả năng mắc chứng Alzheimer hoặc các hình thức thoái hóa thần kinh khác của những người đã cai rượu trong một thời gian rất dài cao hơn 50% so với những người bình thường. Tất nhiên, nguy cơ mắc bệnh của những người nghiện rượu còn cao hơn nữa bởi nhiều lí do khác nhau.
Khác với nghiên cứu trước đó, nghiên cứu này không tìm thấy mối liên quan giữa việc kiêng cữ và tuổi thọ ngắn khi so sánh với những người uống rượu ở mức độ bình thường.
Kết quả của nghiên cứu được đưa ra dựa trên việc xem xét hồ sơ y tế thay vì các bài thử nghiệm lâm sàng mang nặng tính khoa học nhằm đánh giá các loại thuốc mới và số trường hợp được kiểm tra cũng tương đối nhỏ.
Tuy nhiên, Phó Giáo sư Sevil Yasar đến từ ĐH Dược John Hopkins, người không tham gia nghiên cứu trao đổi rằng kết quả thu nhận được quá rõ ràng và chính phủ nên cân nhắc tài trợ cho các cuộc thử nghiệm đánh giá về “khả năng giảm thiểu nguy cơ bị mất trí nhớ vào việc uống rượu thường xuyên ở liều lượng thấp”.
Nghiên cứu cũng đồng thời cảnh báo rằng các phát hiện này “không khuyến khích những người kiêng rượu tập uống rượu bởi những tác động tiêu cực của rượu tới sức khỏe mà ai cũng đã biết như tử vong, rối loạn thần kinh, xơ gan và ung thư”.
Trên thế giới có khoảng 7% những người trên độ tuổi 65 bị mất trí. Tỉ lệ này tăng lên tới trên 40% đối với những người từ 85 tuổi trở lên. Số người mắc các chứng bệnh này dự kiến sẽ tăng lên gấp 3 lần trong năm 2050.
Nghiên cứu dẫn đầu bởi Severine Sabia từ Viện Nghiên cứu Y học và Sức khỏe Pháp cũng phát hiện rằng giữa những người tiêu thụ đồ uống có cồn ở mức thông thường, mức tiêu thụ rượu vang có tương quan với tỉ lệ mất trí thấp nhiều hơn so với bia và rượu nặng (rượu chưng cất nồng độ cao như whiskey, gin, vodka...).
Mức độ tiêu thụ rượu từ thấp tới trung bình được quy định vào khoảng từ 1 đến 14 ly/cốc mỗi tuần cho độ tuổi trung niên, tương đương với liều lượng tối đa được khuyến cáo cho cả phụ nữ lẫn đàn ông ở Anh.
Sabia và nhóm nghiên cứu kết luận: “Một số nguy cơ mắc chứng mất trí cao trong những người kiêng rượu được giải thích qua tỉ lệ mắc bệnh tim mạch cao hơn”, các bệnh như đột quỵ, bệnh mạch vành và tiểu đường.
Trong trường hợp rượu vang, các nghiên cứu trước đây đã gợi ý rằng hợp chất polyphenolic có trong rượu có thể giúp bảo vệ mạch máu và mạng lưới thần kinh, tuy nhiên phát hiện này vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi.
Những phát hiện đều được dựa trên hồ sơ y tế lấy từ 1 phần của nghiên cứu Whitehall 2 về sức khỏe lâu dài, với hồ sơ của hơn 9.000 công chức Anh quốc trong độ tuổi từ 35 tới 55 vào năm 1985.
Mức độ tiêu thụ rượu của các đối tượng nghiên cứu được theo dõi chặt chẽ trong vòng 2 thập kỷ và hồ sơ tại bệnh viện cũng bao gồm kết quả kiểm tra về các dấu hiệu của bệnh tim và bệnh liên quan tới tiêu thụ chất có cồn.
Tổng cộng có khoảng gần 400 trường hợp bắt đầu bị mất trí ở độ tuổi trung bình là 76.
Nghiên cứu cũng xác nhận việc tiêu thụ rượu trên mức trung bình liên quan mật thiết tới nguy cơ mất trí cao, với nguy cơ tăng thêm 17% đối với số lượng 7 chén vượt mức trung bình trong 1 tuần.
Nghiện rượu mãn tính đã luôn được xác định rõ ràng là 1 trong những yếu tố nguy cơ chính dẫn đến các chứng mất trí, đặc biệt là khiến cho bệnh khởi phát sớm.