Chuyện về cậu bé nghiện game online quên ăn, quên ngủ

GD&TĐ - Mới 10 tuổi nhưng cậu bé đã nghiện game online đến mức quên ăn, quên ngủ. Cháu bỏ nhà đến cửa hàng game, sau gần 2 ngày không ăn và một đêm không ngủ, khi được người khác cho 10.000 đồng, cậu bé lại tiếp tục lao ra hàng game online mà không hề nhớ đến cái bụng lép kẹp của mình.

Chuyện về cậu bé nghiện game online quên ăn, quên ngủ
 Trẻ nghiện game còn nguy hiểm hơn nghiện ma túy. Ảnh minh họa

Trẻ nghiện game còn nguy hiểm hơn nghiện ma túy. Ảnh minh họa

Bỏ ăn, quên ngủ vì game online

Chị Thanh Lam ở Hoàng Mai, Hà Nội kể rằng, con trai chị năm nay học lớp 8 tại một trường THCS của quận Thanh Xuân. Nội dung câu chuyện chị kể không phải về đứa con của mình mà là bạn của cháu. Cháu Nguyễn Trần Quang (tên của cháu đã được thay đổi) là bạn học hồi tiểu học của con trai chị Lam.

Hồi con chị Lam học tiểu học, cháu Quang thỉnh thoảng qua nhà chị Lam chơi với con trai chị. Vì thấy hai đứa cũng không thân thiết, ít khi đến nhà nhau chơi, vả lại cháu Quang cũng hiền lành, dễ thương, ngoan ngoãn lễ phép nên chị Lam cũng không có ý tìm hiểu thêm gì về cháu. Lên cấp 2, con trai chị Lam và cháu Quang không còn học cùng trường với nhau nữa.

Bẵng đi gần một năm học, bỗng nhiên một buổi sáng Chủ nhật, cháu Quang đến nhà chị Lam chơi. Hôm đó chị Lam bận với đứa con nhỏ nên chỉ hỏi han cháu Quang dăm ba điều rồi đi làm công việc của mình.

Con trai lớn của chị Lam cũng chơi với nhóm bạn trong xóm một lúc thì về nhà mở ti vi xem. Và một điều chị Lam thấy lạ là cháu Quang cũng ngồi ở ghế sô pha để xem ti vi cùng con trai chị nhưng cháu cứ ngủ gà ngủ gật như một con nghiện. Lúc này chị Lam mới để ý thì thấy mặt cháu Quang hốc hác, mắt thâm quầng như người mất ngủ.

Nghi cháu Quang có chuyện gì đó như bố mẹ đánh đập mắng chửi khiến cháu bỏ nhà đi nên chị Lam gặng hỏi. Cháu Quang vẫn một mực là không có chuyện gì. Chị hỏi cháu ăn sáng chưa thì cháu Quang bảo là chưa, ngủ dậy là đến nhà chị luôn. Chị Lam liền đưa cho Quang 10.000 đồng bảo ra đầu ngõ mua hộ chị một gói mì tôm về đây chị nấu mì cho ăn.

Cháu Quang cầm tiền đi ngay nhưng mãi sau không thấy quay trở lại. Thấy cháu Quang không trở về nhà mình, chị Lam ân hận trách mình đã không giữ cháu ở lại rồi tìm cách liên lạc với bố mẹ cháu. Nỗi hoài nghi và lo lắng càng lớn nên chị Lam quyết định đi tìm nhà Quang. Cũng may là con trai chị đã từng đến nhà cháu Quang một lần hồi học tiểu học nên loanh quanh một lúc thì mẹ con chị Lam cũng tìm đến được nhà Quang.

Lúc mẹ con chị Lam đến nhà Quang thì thấy cả nhà cháu đang dáo dác lo lắng. Dường như cả nhà Quang đều có mặt ở nhà. Mẹ Quang thì mắt đang đỏ hoe vì khóc tìm con. Hóa ra cháu Quang ra khỏi nhà từ sáng thứ Bảy và đi qua đêm không về. Ngồi hỏi chuyện một lúc thì chị Lam mới biết cháu Quang mê điện tử. Lúc này kết nối lại chuyện cháu Quang đến nhà mình ngồi ngủ gà gật cho đến khi cầm 10.000 đồng chị bảo đi mua mì rồi đi luôn, chị Lam mới hiểu ra vấn đề.

Cháu Quang đã nghiện game đến mức quên ăn, quên ngủ. Sau gần hai ngày không ăn và một đêm không ngủ, khi được cho 10.000 đồng, cháu Quang đã lao ra hàng game online để chơi tiếp. Chị Lam đã cùng bố mẹ Quang đi đến những cửa hàng điện tử gần nhà chị Lam và cuối cùng đã tìm thấy cháu. Chị Lam thở phào nhẹ nhõm khi “trao trả” được Quang cho gia đình. Chị cũng cho mẹ Quang số điện thoại để khi nào cần liên lạc thì cứ gọi cho chị. Nhưng từ hôm đó đến nay đã sau hai năm, bố mẹ Quang cũng không gọi điện cho chị Lam. Chị Lam cũng không thấy cháu Quang đến nhà chơi.

Cho đến mãi Chủ nhật tuần vừa qua, cháu Quang lại xuất hiện ở nhà chị. Vì gần đến bữa trưa nên chị Lam mời cháu Quang ở lại ăn trưa. Ăn xong chị Lam hỏi số điện thoại của bố mẹ Quang nhưng cháu nói là không nhớ số. Chị bảo chồng chị sẽ chở cháu Quang về nhà, vì đã đến giờ nghỉ trưa của gia đình.

Chị Lam không muốn con trai chị tiếp tục giao lưu bất đắc dĩ với một người bạn nghiện game như vậv. Được biết, bố mẹ Quang đã làm đủ cách, đã từng đưa Quang đến chùa, đã từng đến các trung tâm tư vấn tâm lý nhưng cậu bé vẫn không bỏ được thói quen mê game online. Và biện pháp cuối cùng sau bao nhiêu năm bế tắc với con, bố mẹ Quang đã phải quyết định sắp tới gửi con vào trường giáo dưỡng.

Nghiện game online còn nguy hiểm hơn cả nghiện ma túy

Trẻ nghiện game online không phải bây giờ mới có mà nó đã xuất hiện từ cách đây cả chục năm. Chắc hẳn nhiều người vẫn còn nhớ vụ người bố lột truồng con lôi ra ngoài đường vừa đánh vừa để cho thiên hạ chứng kiến vì tội… nghiện game online gây xôn xao dư luận cách đây nhiều năm. Từ đó đến nay, các bậc cha mẹ không còn “ngây thơ” trong cách phạt con nhưng nỗi gian truân khi có con nghiện game online dường như vẫn còn vẹn nguyên. 

Chuyện của cháu Quang chỉ là một trong rất nhiều trường hợp trẻ nghiện game online mà bố mẹ đã làm đủ cách nhưng không thể giúp con cai nghiện nổi. Trong một bài giảng pháp, sư cô Thích nữ Tâm Tâm từng đề cập đến vấn đề trẻ nghiện game online trong câu chuyện đề dẫn của sư cô. Theo sư cô thì sự nguy hại của game online hết sức kinh khủng, thậm chí còn nguy hiểm hơn cả nghiện ma túy. Lý do là bởi trong điều trị cai nghiện ma túy hay nghiện rượu thì người ta còn kết hợp sử dụng cả thuốc, còn nghiện game online thì không có bất cứ một loại thuốc nào có thể chữa trị nổi.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Diệu Hoa, Tổng đài tư vấn tâm lý tình cảm 1088 (Hà Nội) cũng cho biết, hiện nay nỗi lo lắng phổ biến nhất ở các bậc cha mẹ về con em của mình đó là tình trạng trẻ mê và nghiện các thiết bị công nghệ như ti vi, điện thoại, trò chơi điện tử… Không ít phụ huynh vô cùng khổ sở, thậm chí trở nên tuyệt vọng vì không có cách nào tách con họ rời xa các thiết bị đó.

Tuy nhiên một thực tế đáng báo động là, mặc dù việc nghiện game online nguy hiểm như thế nhưng dường như các bậc phụ huynh không ý thức hết nên đã không bằng mọi cách để tách con trẻ ra khỏi các thiết bị điện tử có phục vụ các trò chơi game online. Nhiều gia đình đã vô tình cho trẻ sớm làm quen với máy tính, smartphone, máy tính bảng từ rất sớm để cho con ăn, dỗ con khóc, thậm chí với lý do để con học hỏi nhiều hơn, thông minh hơn. Họ không hay biết rằng, mình đang vô tình tiếp tay cho con một thứ “ma túy”, khiến cho trẻ nghiện các thiết bị này từ lúc nào không hay biết.

Theo Giadinh.net.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.