Tăng học phí: Cần thể hiện trách nhiệm với xã hội và người học

GD&TĐ - Theo GS.TS Hoàng Văn Cường – đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội, đất nước đang cần kiểm soát lạm phát nên các trường, địa phương tạm thời ổn định mức học phí và chưa nên tăng trong năm học tới.

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Chia sẻ với người học

- Nhiều địa phương và cơ sở giáo dục đại học thông báo tăng học phí trong năm học 2022 – 2023. Ông nhìn nhận việc này như thế nào?

- Trước hết, cần hiểu tường minh rằng, học phí có 2 nhóm: Thứ nhất là học phí của các trường nằm trong quy định của Nhà nước. Các trường này sẽ phải thu theo khung, mức trần học phí. Theo đó, Nhà nước sẽ trực tiếp chỉ đạo việc này. Ví dụ: Học phí của trường phổ thông, các địa phương sẽ quyết định. Với những đại học chưa tự chủ thì các bộ, ngành – cơ quan chủ quản sẽ có vai trò chỉ đạo về học phí.

Với trường được tự chủ, luật đã quy định, giao cho những trường này, đặc biệt là trường có chương trình đào tạo đã được kiểm định, học phí không cần tuân theo khung của Nhà nước quy định. Theo đó, các trường có quyền tự xác định mức học phí theo quy định hiện hành.

Thực tế cho thấy, trước đây học phí chỉ là một phần của chi phí đào tạo vì Nhà nước cấp bổ sung các chi phí khác. Nhưng nay, với những trường đã tự chủ, Nhà nước sẽ không cấp ngân sách để phục vụ cho chi phí thường xuyên. Như vậy, học phí trở thành phần thu để đủ bù chi, giúp các trường trang trải chi phí đào tạo. Chính vì áp lực đó nên các cơ sở giáo dục đào tạo có động thái tăng học phí, nhằm đảm bảo bù đắp chi phí. Đây là xu thế tất yếu và cũng nằm trong quy định của pháp luật, vì thế, các cơ sở đào tạo được phép tăng học phí.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, dưới tác động của dịch bệnh Covid-19, người dân vẫn bị ảnh hưởng nặng nề nên nguồn thu nhập chưa hoàn toàn ổn định. Hơn nữa, chúng ta đang trong giai đoạn kiểm soát lạm phát nên khuyến cáo với những cơ sở giáo dục đào tạo, đặc biệt là trường tự chủ là chưa nên tăng học phí ở thời điểm này. Nếu có tăng chỉ điều chỉnh ở mức vừa phải. Qua đó, nhằm thể hiện trách nhiệm với xã hội, người học và cũng là có trách nhiệm cùng với Nhà nước trong kiềm chế lạm phát.

- Nói như vậy, việc tăng học phí thuộc quyền của các trường?

- Như tôi đã trình bày, với những trường đủ điều kiện đạt kiểm định chất lượng được quyền xây dựng các mức học phí trên cơ sở có định mức kỹ thuật. Còn những trường chưa đạt chuẩn vẫn phải theo khung của Nhà nước.

Thực tế nhiều năm qua, có một số trường không tăng học phí. Ví dụ, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, dù đã được tự chủ và hoàn toàn được quyền xây dựng mức học phí theo định mức kỹ thuật. Nhưng 3 năm qua, trường này không tăng học phí và năm nay tiếp tục tuyên bố không tăng.

Tất nhiên, đó là do chính sách của mỗi cơ sở đào tạo và trách nhiệm của từng trường đối với xã hội, người học. Còn về phía Nhà nước thì chỉ có tính chất khuyến cáo hoặc đề nghị chứ không bắt buộc các trường không được tăng học phí hoặc chỉ được thu học phí ở mức này, mức kia…

GS.TS.ĐBQH Hoàng Văn Cường.
GS.TS.ĐBQH Hoàng Văn Cường.

Tạo điều kiện học tập cho mọi học sinh, sinh viên

- Theo ông, việc tăng học phí có giúp các trường phát triển?

- Trước đây, học phí chỉ là một phần chi phí. Với các trường tự chủ, Nhà nước không cung cấp ngân sách, học phí sẽ là khoản bù đắp cho chi phí của nhà trường. Cho nên, việc tăng học phí là xu hướng tất yếu, giúp các trường duy trì và phát triển.

Nhưng trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, các trường nên tính phương án khác để bù đắp thiếu hụt đó: Lấy khoản tích lũy để bù vào những phần thâm hụt. Sinh viên bị nhiễm Covid-19, cán bộ, giảng viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nên cần có khoản trợ cấp cho họ… Và các khoản chi phí này được lấy từ nguồn tích lũy.

- Nhiều người cho rằng, tăng học phí vào thời điểm này có thể trở thành gánh nặng cho người dân. Quan điểm của ông như thế nào?

- Trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19 thì mọi người cần chia sẻ với nhau. Nhưng nếu nói, học phí là gánh nặng cho người dân thì cũng không hẳn; bởi thực tế từ trước đến nay chúng ta thấy, học phí chưa bù đắp hết những chi phí. Xu hướng tất yếu là thực hiện theo nguyên tắc giá. Tức là tính đúng, tính đủ, bảo đảm thu phải đủ bù chi, nhất là khi Nhà nước không cấp các nguồn kinh phí thường xuyên.

- Ông có đề xuất giải pháp gì để mọi học sinh, sinh viên đều được tiếp cận với chất lượng giáo dục, đào tạo tốt?

- Theo tôi, chiến lược lâu dài là cần hỗ trợ cho học sinh, sinh viên, nhất là với những em có hoàn cảnh khó khăn, năng lực học tập tốt. Theo đó, cần có nhiều biện pháp hỗ trợ để các em được tiếp cận với điều kiện học tập tốt, kể cả những chương trình chất lượng cao, với mức chi phí lớn.

Có hai phương án hỗ trợ: Nhà nước không cấp ngân sách cho các cơ sở đào tạo. Nhưng phần kinh phí này được cho vào các quỹ hỗ trợ cho học sinh, sinh viên. Đó có thể là quỹ học bổng để đặt hàng cho những trường đào tạo sinh viên thuộc đối tượng chính sách xã hội, học sinh, sinh viên nghèo, có năng lực tốt. Những em thuộc diện này cần được Nhà nước cấp học bổng để học tập (nguồn ngân sách Nhà nước không cấp cho các trường sẽ trở thành nguồn học bổng cho người học). Như vậy, Nhà nước đầu tư đúng đối tượng và không đầu tư tràn lan.

Tiếp đó, bản thân các trường tự chủ cũng phải có chính sách đối với những học sinh có năng lực, học sinh học giỏi, có điều kiện khó khăn. Thường thì các trường sẽ trích một phần từ nguồn thu học phí để thành lập quỹ học bổng, khuyến khích học tập để hỗ trợ sinh viên thuộc diện này.

Tôi cho rằng, nếu làm tốt cả hai giải pháp trên, chúng ta sẽ không phải e ngại: Tăng học phí thì những sinh viên giỏi, hoàn cảnh khó khăn không theo được những chương trình đào tạo tốt.

- Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.