Tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học

GD&TĐ - Thời gian qua, xã hội rất đau xót trước một số sự việc đáng buồn xảy ra trong trường học như phụ huynh bắt cô giáo quỳ, học sinh đâm thầy giáo bị thương, cô giáo lên lớp 3 tháng không giảng bài, giáo viên phạt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng… khiến cho nhiều người lo lắng về cách hành xử không thân thiện, thậm chí thiếu văn hóa trong môi trường giáo dục. Vấn đề đặt ra là cần những giải pháp chấn chỉnh hữu hiệu…

Vẻ rạng ngời của học sinh Hà Nội
Vẻ rạng ngời của học sinh Hà Nội

Cần thiết phải có quy tắc ứng xử trong trường học

Một số sự việc xảy ra gần đây thể hiện văn hóa ứng xử trong nhà trường có vấn đề. Mặc dù đó chỉ là trường hợp cá biệt nhưng với xu hướng tăng lên cần những giải pháp chấn chỉnh mang tính lâu dài và bền vững. Trước tình hình này, Bộ GD&ĐT đã nghiên cứu và đề xuất bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học phổ thông và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Quy tắc ứng xử trong trường học là hết sức cần thiết, nhất là ở giai đoạn hiện nay, mọi công việc, hành động đều cần được quy chuẩn rành mạch để có căn cứ thực hiện, cũng như xử lý nếu xảy ra những ứng xử lệch chuẩn.

Đề án tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nêu rõ mục tiêu là nhằm tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên để phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa, xây dựng văn hóa trường học lành mạnh, thân thiện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Đề án bổ sung, hoàn thiện nội dung giáo dục văn hóa ứng xử cho trẻ em, học sinh, học viên, sinh viên trong các cơ sở giáo dục; thể hiện được giá trị cốt lõi trong văn hóa ứng xử phù hợp với từng cấp học, trình độ đào tạo, vùng miền.

Bên cạnh đó, đề án cũng đặt ra yêu cầu về tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong xây dựng văn hóa ứng xử. Theo đó, nhà trường chịu trách nhiệm xây dựng văn hóa nhà trường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, lành mạnh và phòng, chống bạo lực học đường hiệu quả.

Về phía gia đình, các phụ huynh có trách nhiệm giáo dục văn hóa ứng xử, mẫu mực trong văn hóa ứng xử tại gia đình và cộng đồng. Phối hợp với nhà trường cập nhật, trao đổi thông tin, tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học; tham gia tích cực trong các buổi họp, gặp gỡ trao đổi, xử lý các tình huống có liên quan. Tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, nêu gương cho người học trong ứng xử văn hóa.

Về việc triển khai xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong trường học ở Hà Nội, ông Phạm Xuân Tiến cho biết, hiện nay hầu hết các trường đều có nội quy và bộ quy tắc dựa trên khung quy tắc ứng xử của thành phố ban hành.

Với Bộ quy tắc ứng xử do Bộ GD&ĐT xây dựng, Hà Nội sẽ sớm tiến hành tích hợp, bổ sung với quy tắc hiện hành của Hà Nội để có quy chuẩn chung cho các trường thực hiện; tránh tình trạng có quá nhiều quy tắc, quy định, nội quy nhưng lại không đi vào thực tế.

Để bộ quy tắc đi vào thực tế

Nhận định về Bộ quy tắc ứng xử trong trường học, PGS.TS Trần Thành Nam - Trường Đại học Giáo dục - ĐHQGHN cho biết: Tôi thấy đề án này ra đời đúng thời điểm để giải quyết những tồn tại xã hội mà không thể chậm hơn được nữa.

Đề án này được Bộ GD&ĐT xây dựng khá công phu, toàn diện với những giải pháp cụ thể, thể hiện sự phối hợp chặt chẽ và rộng khắp của các lực lượng xã hội. Nó cũng thể hiện quyết tâm của toàn ngành trong việc thúc đẩy văn hóa ứng xử chuyên nghiệp, phi bạo lực ở trong các cơ sở giáo dục, hạn chế bạo lực học đường, tạo dựng nên môi trường an toàn thân thiện và bình đẳng.

Nhiều người cho rằng, có một số chỉ tiêu trong đề án là quá cao hoặc không khả thi. Nhưng việc khả thi hay không phụ thuộc vào sự đồng thuận của toàn xã hội và sự quyết tâm của các ngành. Thay vì chúng ta dành thời gian nghi ngờ, lo lắng về những điều không làm được thì hãy bắt tay vào để làm. Cộng đồng cần đồng thuận và bắt tay vào thực hiện.

Những người lãnh đạo trong ngành thì cần những chính sách cụ thể và có số liệu để dần thay đổi niềm tin của nhân dân về công việc này, cho thấy rằng chúng ta đang làm tốt và sẽ thành công. Đồng thời cũng cần kiên trì với chủ trương đổi mới này mặc dù có thể có một số ý kiến đi ngược lại hoặc không tin tưởng lắm.

Ví dụ, nhiều ý kiến cho rằng, mục tiêu trong 2 năm từ 2018 - 2020, Tất cả 100% trường học xây dựng và thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong trường học theo quy định quy tắc ứng xử do Bộ GD&ĐT ban hành, phù hợp với điều kiện và đặc trưng vùng miền của mỗi nhà trường là quy định khó khả thi.

Tuy nhiên, việc của các trường không phải là xây dựng mới hoàn toàn trong 2 năm. Bộ GD&ĐT đã đưa ra bộ quy tắc khung, đã đối sánh các văn bản pháp lí, xác định khung lí thuyết, tham vấn chuyên gia, lấy ý kiến chung làm cơ sở để các cơ sở giáo dục tham khảo.

Trên cơ sở bộ quy tắc khung đấy các cơ sở GD có thể kế thừa để xây dựng, đưa thêm những nội dung về quy tắc ứng xử văn hóa của đơn vị phù hợp với đặc trưng vùng miền vào. Tuy nhiên, chúng ta phải chấp nhận thực tế là bộ quy tắc xây dựng nên thì dễ, nhưng để đi vào cuộc sống trong 2 năm thì cũng sẽ phải cập nhật, phải thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế.

Ngày 3/10/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1299/QĐ -TTg phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025”. Theo đó, 100% trường học phải xây dựng bộ Quy tắc Văn hóa ứng xử.

Mục tiêu của Đề án là tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học nhằm tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên để phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa; xây dựng văn hóa trường học lành mạnh, thân thiện; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; góp phần xây dựng con người Việt Nam: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.

Theo đó, Bộ Quy tắc ứng xử này được áp dụng ngay từ năm 2018 - 2020, 100% trường học xây dựng và thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong trường học theo quy định quy tắc ứng xử do Bộ GD&ĐT ban hành, phù hợp với điều kiện và đặc trưng vùng miền của mỗi nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.