Tăng cường tư vấn và định hướng chọn tổ hợp trong trường phổ thông

GD&TĐ - Các trường THPT trên cả nước bắt đầu làm thủ tục nhập học cho học sinh, đồng thời tổ chức họp phụ huynh để tư vấn, giải đáp thắc mắc về quá trình chọn tổ hợp trong Chương trình GDPT 2018.

Học sinh Trường THPT Hữu Lũng.
Học sinh Trường THPT Hữu Lũng.

Tìm hiểu kỹ tổ hợp

Chương trình mới cho phép các trường xây dựng tổ hợp môn học từ ba nhóm môn và chuyên đề để vừa đáp ứng nhu cầu người học, bảo đảm phù hợp với điều kiện đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của trường. Theo đó, học sinh được lựa chọn môn học phù hợp với năng lực, sở thích và định hướng nghề nghiệp của mình.

Vừa đậu vào lớp 10, hai mẹ con chị Trần Thị Hiểu (Lộc Bình, Lạng Sơn) cùng cân nhắc việc lựa chọn tổ môn học để đăng ký. Chị Hiểu chia sẻ: “Khi con học lớp 9, tại buổi họp phụ huynh, tôi đã được các thầy cô tư vấn, trao đổi về Chương trình GDPT 2018. Qua nghiên cứu, tôi đã hình dung được việc lựa chọn tổ hợp. Con có thế mạnh về môn Ngữ văn và Địa lý do đó tôi và con quyết định chọn tổ hợp Khoa học xã hội”.

“Chương trình GDPT 2018 có một số môn mới tạo cơ hội cho học sinh theo khối nghệ thuật có cơ hội lựa chọn. Chương trình mới định hướng tốt hơn so với chương trình hiện hành, do vậy các cháu sẽ đỡ vất vả, đặc biệt là học sinh vùng nông thôn”, chị Vân nói.

Còn chị Nguyễn Thị Vân (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết: Khi chưa nghiên cứu rõ sẽ có chút bối rối trong quá trình định hướng cho con. Tuy nhiên, tìm hiểu kỹ sẽ thấy lựa chọn tổ hợp từ đầu cấp rất thuận tiện cho học sinh. Theo đó, trẻ được học chuyên sâu từ đầu cấp nên hình thành được năng lực của bản thân. Đến lớp 12, học sinh biết được năng lực mình đến đâu để chọn trường, chọn ngành phù hợp.

Sau khi làm thủ tục nhập học, Nguyễn Minh Anh (quận Long Biên, Hà Nội) được các thầy cô gợi ý các tổ hợp có thể lựa chọn là Khoa học xã hội hoặc Khoa học tự nhiên. Còn các phân môn trong nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật hiện nhà trường chưa có đội ngũ giáo viên để giảng dạy nên chưa triển khai.

Sau khi cân nhắc và chọn tổ hợp Khoa học xã hội, Minh Anh chia sẻ: Em chọn tổ hợp truyền thống vì trường có đầy đủ đội ngũ giáo viên, tài liệu. Đồng thời, ngoài chương trình học, nhà trường tổ chức thêm nhiều hoạt động ngoại khóa để học sinh có thêm nhiều kỹ năng mềm.

Học sinh Trường THPT Hữu Lũng tham gia hoạt động văn nghệ ngoại khóa.

Học sinh Trường THPT Hữu Lũng tham gia hoạt động văn nghệ ngoại khóa.

Tăng cường tư vấn

Theo chia sẻ của thầy Hồ Đức Cường – Hiệu trưởng Trường THPT Phúc Trạch (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh), sau khi có danh sách trúng tuyển, nhà trường sẽ tổ chức họp phụ huynh cho học sinh khối 10. “Tại buổi họp, chúng tôi sẽ tư vấn, phân tích cho phụ huynh, học sinh hiểu về các tổ hợp trong Chương trình GDPT 2018”.

Theo thầy Cường, quá trình lựa chọn tổ hợp ngoài cố vấn của thầy cô, cần sự đồng hành của phụ huynh để tránh học sinh chọn nhầm hoặc chạy theo số đông mà không cân nhắc đến năng lực của mình. “Chương trình GDPT 2018 phân rõ các tổ hợp. Theo đó, 5 môn bắt buộc và tổ hợp học sinh lựa chọn ngoài kiến thức cơ bản, các em sẽ được học chương trình nâng cao phục vụ cho quá trình thi, xét tuyển trường đại học, cao đẳng. Do đó, buổi tư vấn trước khi đăng ký nhóm môn rất quan trọng”, thầy Cường thông tin.

Để học sinh không bị bỡ ngỡ trong quá trình lựa chọn tổ hợp, từ năm học 2021 - 2022, Trường THPT Hữu Lũng (tỉnh Lạng Sơn) đã cử giáo viên đến các trường THCS tư vấn tuyển sinh. Đồng thời phổ biến về Chương trình GDPT 2018 để học sinh có thể hình dung được chương trình lớp 10 năm nay các em học ra sao.

Thầy Nguyễn Thái Dương – Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Ngày 10/7, nhà trường đã mời phụ huynh, học sinh trúng tuyển lớp 10 đến họp. Tại đây, nhà trường phát tài liệu về Chương trình GDPT 2018 cho phụ huynh, học sinh nghiên cứu.

“Sau khi nghiên cứu, phụ huynh, học sinh đưa ra những thắc mắc và nhà trường đã giải đáp, hướng dẫn cách lựa chọn tổ hợp nên căn cứ vào những yếu tố nào. Lắng nghe nhu cầu, nguyện vọng của học sinh và căn cứ vào thực trạng cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chúng tôi xây dựng chương trình, thời khóa biểu cho năm học mới”, thầy Dương chia sẻ.

Đối với hai phân môn Âm nhạc, Mỹ thuật, năm nay Trường THPT Hữu Lũng chưa triển khai giảng dạy. Lý giải điều này, thầy Dương cho biết: “Hiện nhà trường chưa có đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, với học sinh có nhu cầu học, nhà trường sẽ hỗ trợ trong khả năng cho phép để các em có thể theo đuổi môn học thế mạnh của mình”.

Thầy Nguyễn Thái Dương – Hiệu trưởng Trường THPT Hữu Lũng cho biết: “Đối với môn Nghệ thuật, nhà trường đang đề xuất xây dựng các phòng chuyên dụng. Những thiết bị phục vụ dạy âm nhạc, mỹ thuật đã được sở GD&ĐT duyệt và lên kế hoạch mua. Nếu năm học 2023 - 2024 đầy đủ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên chúng tôi sẽ triển khai dạy hai phân môn này”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.