Tăng cường trách nhiệm với giáo dục hòa nhập

GD&TĐ - Phát triển giáo dục hòa nhập (GDHN) trên cơ sở tổ chức thật tốt chương trình GD can thiệp sớm, xây dựng các đơn vị chuyên biệt theo hướng hình thành các Trung tâm nguồn cho địa phương. Đó là một trong những việc làm thiết thực, có ý nghĩa giành cho trẻ khuyết tật (TKT), hiện thực hóa những chính sách của Nhà nước nhằm thúc đẩy quá trình GDHN tại các cơ sở.

Tăng cường trách nhiệm với giáo dục hòa nhập

Bồi dưỡng kiến thức cho GV dạy hòa nhập

Mặc dù các văn bản về chính sách hòa nhập đã được ban hành và triển khai rộng rãi, nhưng trên thực tế nhiều trường phổ thông vẫn ngần ngại khi tiếp nhận học sinh khuyết tật (HSKT), nhất là HS khiếm thị.

Nhiều trường hòa nhập chưa có phòng hỗ trợ hòa nhập theo yêu cầu, nên các trang thiết bị học tập đặc thù của HSKT chưa được cung cấp và sử dụng đầy đủ đúng mục đích. Bên cạnh đó, hầu hết các giáo viên phổ thông chưa được đào tạo về GD đặc biệt trong trường sư phạm, vì vậy có những lỗ hổng kiến thức và kỹ năng trong lĩnh vực này.

ThS Hà Thành Vân, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (TPHCM), chia sẻ: TKT được học trong các trường chuyên biệt, nhưng nhiều em thường nhận được sự GD dưới khả năng của mình, do phải học chung một nhóm lớp không cùng khả năng và trình độ.

Bên cạnh đó, những HS này thường không có cơ hội tiếp xúc thường xuyên với cộng đồng, kể cả với bạn bè cùng trang lứa. Điều này sẽ dẫn đến việc tạo thêm rào cản giữa người khuyết tật (NKT) đối với cộng đồng.

Đây chính là điểm bất cập của GD chuyên biệt, khi mà NKT không có nhiều cơ hội để phát triển GD toàn diện, từ đó có thể trở thành những thành viên có ích cho xã hội sau này, dù rất nhiều TKT vẫn thực sự có khả năng học tập tốt.

Để giảm bớt những rào cản và bất cập nói trên, theo ThS Hà Thành Vân, Trường Phổ thông Đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu đã chủ động triển khai một số giải pháp có tính khả thi. Chẳng hạn trước mỗi năm học mới, nhà trường thường tổ chức các khóa bồi dưỡng chuyên môn ngắn hạn cho các giáo viên mới với việc dạy hòa nhập cho HS khiếm thị, thông qua các nội dung như:

Kiến thức chung về giải phẫu mắt, những vấn đề liên quan tới tâm lý trẻ khuyết tật; Những vấn đề liên quan đến chương trình giảng dạy đặc biệt, về thao tác, hướng dẫn các thiết bị và phương tiện giao tiếp dành cho trẻ khuyết tật; Kiến thức cơ bản về đọc viết chữ nổi Braile; Việc điều chỉnh và phát triển chương trình giảng dạy, phương pháp đánh giá…

Bên cạnh đó, nhà trường đã cử các giáo viên tới các trường hòa nhập để hỗ trợ cho giáo viên và HS học hòa nhập. Các giáo viên này chính là cầu nối giữa trường học và gia đình, để hỗ trợ HS, cha mẹ HS và giáo viên chủ nhiệm.

Đặc biệt đối với các em HS, các giáo viên trường chuyên biệt có trách nhiệm thảo luận với trường hòa nhập, để các em có thời gian phù hợp đến Trường Phổ thông Đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu học các môn chuyên biệt cho các HS khiếm thị tại trường hòa nhập. Tại các trường hòa nhập không có các giáo viên chuyên biệt để dạy các môn này, nên HS cần được học trước khi tham gia học hòa nhập hoặc tự học tập ở chương trình song song với GDHN.

Tạo điều kiện thuận lợi cho HS

Trước những yêu cầu đặt ra là làm thế nào để có thể tạo mọi điều kiện cho TKT được học tập và phát huy được hết năng lực của bản thân, nhiều cơ sở GD đã có những giải pháp tích cực trong công tác GD đặc biệt.

Chia sẻ về vấn đề này, ThS Cù Thị Lan Thọ - Khoa Tâm lý GD, Trường ĐH Hùng Vương (Phú Thọ) – đưa ra ý kiến: “Để nâng cao hiệu quả trong GDHN, đối với cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện, cần phải đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo đối với NKT nói chung và với TKT nói riêng. Công tác GDHN là con đường đào tạo nguồn nhân lực mới cho xã hội. Thông qua GDHN để trẻ lĩnh hội tri thức, kỹ năng, thái độ nghiêm túc, lựa chọn một nghề nghiệp phù hợp với khả năng, từ đó tự lao động kiếm sống cho bản thân và gia đình.

Song song với đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về NKT nói chung, TKT nói riêng; đặc biệt cần thể hiện rõ GDHN cho TKT là nghĩa vụ và trách nhiệm của toàn xã hội".

Cũng theo ThS Cù Thị Lan Thọ, đối với các sở GD&ĐT và các phòng GD&ĐT, cần tăng cường công tác quản lý và tổ chức tốt GDHN. Tích cực kiểm tra, đánh giá và rút kinh nghiệm về công tác giáo dục hòa nhập.

Thường xuyên mở các lớp tập huấn và bồi dưỡng giáo viên dạy GDHN. Đối với các trường tiểu học, thường xuyên khảo sát và đánh giá thực trạng số TKT chuẩn bị bước vào bậc Tiểu học. Tuyên truyền cho phụ huynh HS về lợi ích của GDHN đối với TKT. Xây dựng kế hoạch GD chi tiết đối với từng HSKT trong các lớp hòa nhập. Các cơ sở GD cần xây dựng các nhóm học tập trong lớp học, nhằm giúp TKT giảm bớt những khó khăn trong quá trình học tập.

Mọi công tác GD sẽ khó đạt được kết quả tốt, nếu thiếu đi vai trò của gia đình, đặc biệt là vấn đề GDHN cho TKT. Từ góc nhìn này, giảng viên Tâm lý GD Cù Thị Lan Thọ cho rằng để giúp cho con mình có thể hòa nhập tốt, cha mẹ sẽ phải đóng vai trò là giáo viên thực sự trong nhà. Bố mẹ phải chấp nhận thực tế ở trẻ để có giải pháp đúng đắn hỗ trợ con. Với rất nhiều nội dung, thậm chí đòi hỏi cha mẹ hoặc người thân trong nhà phải học hỏi, tìm hiểu trước ở các chuyên gia hoặc các giáo viên dạy hòa nhập, sau đó về cùng học, cùng thực nghiệm để hướng dẫn trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.