Tăng cường Tiếng Việt cho trẻ vùng dân tộc thiểu số

Sử dụng tiếng mẹ đẻ, tận dụng nguyên liệu trong tự nhiên,... là cách làm sáng tạo của nhiều trường Mầm non để tăng cường Tiếng Việt cho trẻ.

Tăng cường Tiếng Việt cho trẻ vùng dân tộc thiểu số

Dùng tiếng mẹ đẻ tăng cường Tiếng Việt

Năm học 2022-2023, Trường Mầm non Tam Văn, huyện miền núi Lang Chánh (Thanh Hóa), có tổng số hơn 200 trẻ. Trong đó, trẻ Mẫu giáo gần 140 em, còn lại là nhà trẻ.

Theo cô Hoàng Thị Hằng - Hiệu trưởng nhà trường, đặc thù của Trường Mầm non Tam Văn là ngôi trường thuộc huyện miền núi, tỷ lệ con em là đồng bào người dân tộc Thái chiếm hơn 93%. Vì vậy, công tác tăng cường Tiếng Việt cho trẻ luôn được Ban giám hiệu nhà trường đặc biệt chú trọng.

“Ngoài tăng cường Tiếng Việt cho trẻ trong các hoạt động trên lớp thì tất cả các đồ chơi, đồ dùng cho trẻ trong và ngoài lớp học đều được các cô giáo gắn biểu tượng Tiếng Việt theo tên, tương ứng với đồ dùng, đồ chơi đó. Từ đó giúp trẻ sớm làm quen với Tiếng Việt”, cô Hằng nói.

Đặc biệt, với 50% là giáo viên người bản địa, vì vậy nhà trường đã sử dụng ngay tiếng mẹ đẻ để tăng cường Tiếng Việt cho trẻ.

"Phần lớn khi trẻ ở nhà với ông bà đều giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ. Vì vậy, trẻ đến trường đều rất bỡ ngỡ với Tiếng Việt. Thậm chí có những bé xen lẫn Tiếng Việt với tiếng mẹ đẻ. Do đó, trong giờ học và các hoạt động của trẻ, các cô giáo thường sử dụng tiếng mẹ đẻ để giúp trẻ hiểu ý nghĩa rồi từ đó diễn giải sang Tiếng Việt. Cách làm này đã mang lại hiệu quả rõ rệt”, cô Hằng cho hay.

Tăng cường Tiếng Việt cho trẻ vùng dân tộc thiểu số ảnh 1

Các bé Trường Mầm non Tam Văn (Lang Chánh) học Tiếng Việt qua các đồ dùng, đồ vật trong lớp.

Ngoài sử dụng tiếng mẹ đẻ, giáo viên Trường Mầm non Tam Văn cũng phối kết hợp với phụ huynh trong việc tăng cường Tiếng Việt cho trẻ. Trong đó, chú trọng cho trẻ giao tiếp bằng Tiếng Việt nhiều hơn khi ở nhà.

“Nhà trường cũng phối kết hợp với phụ huynh tận dụng các nguồn nguyên học liệu sẵn có tại địa phương như cây tre, vỏ hộp, bìa giấy,... để làm đồ chơi, đồ dùng cho trẻ. Trên mỗi đồ vật, các cô sẽ gắn tên Tiếng Việt để trẻ vừa được chơi vừa được học. Qua đó, giúp trẻ dễ dàng nhận biết và ghi nhớ đồ vật bằng Tiếng Việt lâu hơn”, cô Hằng chia sẻ.

Chị Hà Thị Môn (phụ huynh của em Lương Hà Anh Tuấn, Trường Mầm non Tam Văn) chia sẻ: "Việc tăng cường Tiếng Việt cho trẻ hiện nay cũng không còn gặp khó khăn như trước. Bởi, trẻ không chỉ được trau dồi Tiếng Việt trên lớp mà ở nhà, chúng tôi cũng cho trẻ giao tiếp bằng Tiếng Việt nhiều hơn.

Bên cạnh đó, việc các cô giáo sáng tạo ra các đồ dùng, đồ vật từ nguyên liệu trong tự nhiên. Thông qua những đồ vật thân thuộc của người dân tộc, trẻ vừa tăng cường Tiếng Việt vừa hiểu biết hơn về bản sắc văn hóa địa phương".

Tận dụng nguồn nguyên liệu trong tự nhiên

Đối với Trường Mầm non Điền Trung (huyện Bá Thước, Thanh Hóa), năm học này, các cô giáo đã sáng tạo thêm nhiều cách làm để tăng cường Tiếng Việt cho trẻ.

Để không gian lớp học thêm nổi bật, các cô tận dụng những viên đá cuội trong tự nhiên để sáng tạo thành đồ chơi, đồ dùng dạy học. Cô Nguyễn Thị Vinh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, giáo viên thường tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, cùng nhau ra khe suối cách trường 6 - 7km để nhặt đá.

Theo cô Vinh, đá cuội sau khi được nhặt về sẽ được các cô rửa sạch, phơi khô rồi lên ý tưởng theo các chủ đề khác nhau, chẳng hạn như chủ đề về động vật, thực vật, danh lam thắng cảnh địa phương,... Đặc biệt, trên mỗi viên đá các cô giáo sẽ lồng ghép các chữ cái Tiếng Việt và con số từ 1 đến 10 để dạy học cho trẻ.

“Với ý tưởng sáng tạo này, chúng tôi có thể khai thác rất nhiều hoạt động để kích thích hứng thú học tập cho trẻ. Trên mỗi bức tranh về thực vật, động vật... đều gắn các chữ cái và những con số giúp trẻ có thể quan sát, khám phá khoa học. Bên cạnh đó, còn có thể tăng cường tiếng Việt cho trẻ vừa giúp các bé sáng tạo ra câu chuyện của riêng mình”, cô Vinh thông tin.

Tăng cường Tiếng Việt cho trẻ vùng dân tộc thiểu số ảnh 2

Những viên đá cuội được "thổi hồn" thành những con vật xinh xắn. Trên mỗi viên đá, các cô giáo Trường Mầm non Điền Trung còn lồng ghép chữ cái để tăng cường Tiếng Việt cho trẻ.

Ngoài “thổi hồn” cho những viên đá, các cô giáo Trường Mầm non Điền Trung còn tận dụng các phế phẩm như vỏ chai, vỏ hến, lõi ngô hay miếng xốp bọc trái cây để sáng tạo nên đồ chơi cho trẻ. Thông qua đó, giúp tăng cường Tiếng Việt cho trẻ.

Chẳng hạn, vỏ của bắp ngô được các cô trang trí thành bức tranh hoa dâm bụt rực rỡ. Trong khi, vỏ hến lại được biến hóa thành những đóa hoa đào tươi thắm. Miếng xốp bọc trái cây cũng được tạo hình thành những quả cam xinh xắn,... Tất cả được hoàn thiện bởi đôi bàn tay khéo léo của những “họa sĩ” bất đắc dĩ nhưng yêu nghề, thương trẻ.

“Không chỉ tận dụng nguồn nguyên học liệu trong tự nhiên, chúng tôi cũng tận dụng mọi lúc mọi nơi thông qua các hoạt động trên lớp để tăng cường Tiếng Việt cho trẻ.

Đồng thời, ứng dụng phương pháp dạy học STEM hay phương pháp 5E để giáo dục, tăng cường Tiếng Việt cho các con. Vì vậy, trẻ vô cùng hứng thú khi học và cũng dễ dàng ghi nhớ chữ cái hơn”, cô Vinh nói.

“Về cơ bản, các trường Mầm non trên địa bàn huyện đều thực hiện khá tốt Đề án tăng cường Tiếng Việt cho trẻ. Trên cơ sở chỉ đạo của Phòng GD&ĐT, các trường cũng có nhiều sáng tạo trong cách làm nhằm tăng cường Tiếng Việt cho trẻ vùng dân tộc thiểu số. Điều này thể hiện sự tận tâm, tâm huyết của các thầy, cô đối với trẻ. Dự kiến sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức hội nghị đánh giá việc thực hiện đề án này”, ông Nguyễn Cơ Thạch - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bá Thước.

Theo giaoducthoidai.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.