Tăng cường quản lý tài sản hay tận thu?

GD&TĐ - Tại cuộc họp báo chuyên đề vừa diễn ra của Bộ Tài chính về “Đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tài sản”, đại diện Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho rằng, cần có luật thuế tài sản để đảm bảo mở rộng cơ sở thuế, bao quát nguồn thu thuế tài sản, từ đó tăng cường quản lý, Nhà nước đối với tài sản, đồng thời có thêm nguồn lực đầu tư.

Tăng cường  quản lý tài sản hay tận thu?

Đại diện Vụ Chính sách thuế lý giải, ở Việt Nam hiện tại thuế thu hàng năm, trong quá trình sử dụng tài sản chỉ chiếm 0,036% GDP và mới chỉ điều tiết với đất. Do vậy, cần bổ sung thu thuế đối với nhà và các tài sản khác.

Cũng theo Bộ Tài chính, về xác định ngưỡng không chịu thuế đối với nhà có 2 cách, là xác định ngưỡng không chịu thuế theo giá trị hoặc xác định ngưỡng không chịu thuế theo diện tích. Với việc áp dụng ngưỡng không chịu thuế theo diện tích có ưu điểm là đơn giản, dễ thực hiện, thuận lợi trong việc xác định số thuế phải nộp; ổn định, không thay đổi theo thời giá.

Tuy nhiên, việc xác định ngưỡng không chịu thuế theo diện tích có nhược điểm là điều tiết cả đối với người sử dụng nhà có giá trị không lớn, nhà đơn sơ, nhà thiếu kiên cố, nhà tại nông thôn có diện tích vượt ngưỡng không chịu thuế nhưng giá trị thấp; trong khi đó lại không điều tiết đối với nhà giá trị lớn nhưng diện tích nằm trong ngưỡng không chịu thuế.

Là cơ quan soạn thảo, Bộ Tài chính muốn đề xuất áp dụng ngưỡng không chịu thuế theo giá trị nhằm đảm bảo mục tiêu của thuế tài sản, không điều tiết đối với nhà có giá trị dưới ngưỡng không chịu thuế, điều tiết cao đối với nhà có giá trị lớn, đảm bảo công bằng xã hội (chỉ tính thuế đối với nhà có giá trị vượt ngưỡng không chịu thuế).

Việc áp dụng ngưỡng không chịu thuế theo giá trị sẽ phân biệt được các loại nhà khác nhau. Từ đó Bộ Tài chính đề nghị lấy ngưỡng không chịu thuế theo giá trị để đánh thuế tài sản đối với nhà. Theo quy định của pháp luật về xây dựng thị suất vốn đầu tư xây dựng nhà ở bình quân khoảng 7.300.000 đồng/m2. Khi đó, giá trị xây dựng mới của một căn nhà 100m2 bình quân khoảng 730 triệu đồng.

Từ đó, Bộ Tài chính xây dựng phương án thuế suất tài sản đối với nhà thuộc đối tượng chịu thuế theo 2 phương án là lấy ngưỡng không chịu thuế 700 triệu đồng hoặc ngưỡng không chịu thuế 1 tỷ đồng. Sau khi tính toán, Bộ Tài chính đề nghị thực hiện theo phương án thuế suất 0,4% và áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng (đánh với phần vượt quá 700 triệu).

Dẫn ra rất nhiều cứ liệu cũng như bằng chứng về việc hàng loạt quốc gia khác trên thế giới thực hiện thu thuế tài sản (thuế thu hàng năm, trong quá trình sử dụng tài sản) với nhiều tên gọi khác nhau, để khẳng định thu thuế tài sản là cần thiết, Bộ Tài chính cũng không quên nhấn mạnh mục tiêu là nhằm tăng thêm ngân sách quốc gia, bên cạnh mục tiêu tăng cường quản lý tài sản.

Rất nhiều tranh cãi sau những thông tin được công bố này, trong đó nghiêng nhiều về chỉ trích chủ quản đang tìm cách tận thu thay vì tăng cường công tác quản lý. Và rằng, căn nhà trị giá 700 triệu đồng trở lên đã phải đóng thuế, sẽ làm nghèo hóa rất nhiều người dân có thu nhập trung bình ở đô thị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh lớp 12 đăng ký phương thức xét tuyển sớm của Trường Đại học Công Thương TPHCM, tháng 4/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Điểm cao chẳng thể chủ quan

GD&TĐ - Dù đạt điểm cao ở các kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh vẫn cần tập trung tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời đăng ký nguyện vọng hiệu quả nhất.