Thu thuế tài sản đối với nhà ở: Lợi bất cập hại

GD&TĐ - Hiện Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đối với Luật Thuế tài sản, trong đó nội dung được người dân quan tâm là quy định đánh thuế đối với nhà ở trên 700 triệu đồng. Có nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến dự án luật này, tuy nhiên đa số là phản đối.

Nhiều chuyên gia cho rằng việc đánh thuế nhà ở theo dự định của Bộ Tài chính sẽ dẫn đến tình trạng thuế chồng thuế. Ảnh: theo Baomoi.com
Nhiều chuyên gia cho rằng việc đánh thuế nhà ở theo dự định của Bộ Tài chính sẽ dẫn đến tình trạng thuế chồng thuế. Ảnh: theo Baomoi.com

Lý do người dân và cả các chuyên gia lo ngại là nếu đánh thuế tài sảnthuế chồng lên thuế, tăng thuế đồng nghĩa với kìm hãm, cản trở sản xuất kinh doanh, không khuyến khích người dân mở rộng làm ăn, khởi nghiệp...

Trong khi đó, những người ủng hộ sắc thuế này lại cho rằng thuế tài sản sẽ tạo ra sự công bằng và hợp lý cho phát triển sản xuất kinh doanh, tạo giá trị, xóa bỏ tình trạng những người có khối nhà đất lớn là chi phối nền kinh tế.

Theo quan điểm cá nhân, việc áp thuế tài sản trong giai đoạn hiện nay là không hợp lý, lợi bất cập hại. Điều bất cập là bởi các lý do sau:

Trước hết, nếu áp dụng sắc thuế này sẽ gây ra tình trạng thuế chồng thuế, thuế phí sẽ nặng nề thêm cho người dân. Hiện nay, người dân mua nhà, mua đất đã phải chịu nhiều loại thuế, phí khác nhau như thuế quyền sử dụng đất, lệ phí trước bạ, phí công chứng, phí cấp giấy chứng nhận...

Ngoài ra, khi người dân xây dựng nhà ở họ đã phải gián tiếp đóng thuế VAT đối với việc mua vật liệu xây dựng, sản phẩm hàng hóa liên quan... Do đó, việc tiếp tục đánh thuế tài sản với nhà ở sẽ là thuế chồng lên thuế, bởi căn nhà ở đã được đóng đủ các loại thuế như đã nêu.

Thứ hai, nếu lấy lý do hạn chế đầu cơ, tránh việc một người có nhiều nhà ở để áp dụng loại thuế này cũng chưa hợp lý. Bởi hiện nay, việc xác định một người có nhiều nhà ở là rất khó khăn, thậm chí là không thể, trừ một số trường hợp cán bộ thuộc diện phải kê khai tài sản.

Do đó, khi chưa xây dựng xong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cấp số định danh cá nhân thì chưa nên áp dụng thuế đối với loại tài sản này.

Thứ ba, theo thời giá hiện nay nhà ở có trị giá 700 triệu đồng là khá phổ biến. Vì vậy, khi áp thuế thì sẽ ảnh hưởng đến đa số người dân, nhất là người nghèo ở khu vực đô thị. Như thế, dù chưa phát huy hiệu quả của chính sách thuế này thì nó đã gây khó khăn cho người nghèo.

Thứ tư, việc xác định giá trị nhà ở để tính thuế sẽ tiến hành như thế nào? Ai có thẩm quyền định giá nhà ở thuộc sở hữu của cá nhân, công dân?

Trong trường hợp áp giá nhà nước quy định thì chỉ tính được giá trị quyền sử dụng đất, còn tài sản là nhà ở, công trình trên đất sẽ rất khó định giá chính xác và chắc chắn sẽ khó thống nhất giữa cá nhân và cơ quan chức năng về giá trị nhà ở.

Khi đó ai có thẩm quyền đứng ra phân giải, phán xét và lại phải có bộ máy, nhân lực làm việc này. Như vậy khác nào làm phình to bộ máy, tăng biên chế!

Từ những lý do trên, người dân mong đợi Quốc hội chưa nên thông qua và áp dụng Luật Thuế tài sản trong giai đoạn hiện nay. Có thể xem xét triển khai vào thời gian phù hợp như khi đã xây dựng được dữ liệu quốc gia về dân cư, sửa đổi Luật đất đai theo hướng giảm thuế quyền sử dụng đất, đồng thời có sự quy định thống nhất các đạo luật khác...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiểu lầm là một trong những nguyên nhân chính hủy hoại hôn nhân. (Ảnh: ITN).

'Kẻ thù giấu mặt' phá hoại hôn nhân

GD&TĐ - Hôn nhân, sự kết hợp giữa tình yêu và sự cam kết thường phải đối mặt với những thách thức có thể làm suy yếu sự ổn định của nó.