Tăng cường quản lý giáo viên nước ngoài

GD&TĐ - Nhu cầu về sử dụng giáo viên nước ngoài ở các trường học và ở các trung tâm trên địa bàn tỉnh Nghệ An ngày càng lớn. Tuy nhiên, để lựa chọn được giáo viên chuẩn là bài toán khó. Bên cạnh đó, ngành Giáo dục và các cơ quan liên quan vẫn có chủ trương, quy định cụ thể, rõ ràng về việc sử dụng giáo viên nước ngoài và các chương trình giảng dạy, tạo hành lang pháp lý cho các đơn vị cơ sở.

Thầy Samuel Kiirya (Uganda) dạy Tiếng Anh cho các em lớp 1 Trường PT Phượng Hoàng (TP Vinh)
Thầy Samuel Kiirya (Uganda) dạy Tiếng Anh cho các em lớp 1 Trường PT Phượng Hoàng (TP Vinh)

Đưa giáo viên nước ngoài vào trường học

Hai năm qua, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh, tỉnh Nghệ An) triển khai mời giáo viên người nước ngoài tham gia dạy Tiếng Anh cho HS tại 16/28 lớp ở khối 10 và khối 11. Đây là những lớp có nhiều HS theo các khối A1 hoặc khối D. Cô Nguyễn Thị Mai - GV bộ môn Tiếng Anh, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng - chia sẻ: Học với giáo viên nước ngoài giúp khả năng nghe nói của các em được nâng lên, tự tin hơn trong giao tiếp. Trong các tiết học có giáo viên nước ngoài đứng lớp, giáo viên bộ môn Tiếng Anh của trường cũng tham gia cùng, vừa để phối hợp xây dựng nội dung bài học cho HS, vừa có thêm cơ hội thực hành khả năng phát âm.

Được biết, tiết học ngoại ngữ do giáo viên nước ngoài dạy nằm trong chương trình tiết tự chọn theo quy định của Bộ GD&ĐT, được xem là một biện pháp giúp HS nâng cao trình độ ngoại ngữ. Tuy vậy, thầy Cao Thanh Bảo - Hiệu trưởng nhà trường cho hay, việc tuyển dụng giáo viên không hề dễ.

Năm đầu tiên (2015 - 2016), trường liên kết với ĐH Công nghiệp Vinh mời giáo viên nước ngoài về dạy, nhưng giáo viên không đủ nên chỉ dạy được 1 học kỳ. Sau đó, trường liên kết với một trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn. Yêu cầu đối với giáo viên nước ngoài là phải có trình độ chuẩn, đầy đủ các thủ tục pháp lý. Giáo viên nước ngoài dạy học tại trường phải thực hiện theo chương trình do tổ Ngoại ngữ của trường thống nhất. Đến nay, sau 2 năm thực hiện đã đem đến hiệu quả nhất định.

Giai đoạn này, Bộ GD&ĐT cũng đang triển khai Đề án dạy học Ngoại ngữ quốc gia 2020. Tuy nhiên, tại Nghệ An tiến độ và hiệu quả vẫn đang gặp nhiều hạn chế, trong đó có nguyên nhân lớn về chất lượng và số lượng giáo viên. Để góp phần giải quyết vấn đề này, những năm gần đây, nhiều trường học cũng đã thí điểm đưa giáo viên nước ngoài vào giảng dạy. Trường Tiểu học Trung Đô là một trong những trường dạy học thí điểm theo Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020. Cô Nguyễn Thị Liên - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường được hỗ trợ xây dựng phòng Lab và giáo viên bản ngữ, nhưng số lượng ít nên hiện đang liên kết với một số trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn để mời thêm giáo viên nước ngoài về dạy cho HS.

Khâu quản lý, giám sát còn thiếu và yếu

Liên quan đến việc đưa giáo viên nước ngoài vào giảng dạy trong các trường học, ngoài yêu cầu về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức… còn cần đến các thủ tục pháp lý khác. Tuy nhiên, thực tế, cơ chế quản lý của Sở GD&ĐT vẫn còn chưa cụ thể, rõ ràng để hướng dẫn các trường thực hiện theo một “hành lang” hợp pháp.

Thầy Cao Thanh Bảo - Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng - nói: Đưa giáo viên nước ngoài vào kết hợp giảng dạy là nguyện vọng của phụ huynh, HS và phù hợp với yêu cầu thực tế nên nhà trường chủ động triển khai. Nhà trường cũng đã xin ý kiến của Sở nhưng hiện tại vẫn chưa có chủ trương và đang phải “chờ”.

Trên thực tế, khi đưa giáo viên nước ngoài về giảng dạy, các nhà trường ký hợp đồng với trung tâm, còn chất lượng giáo viên, các quy trình, thủ tục pháp lý đều “trông cậy” vào các trung tâm lo liệu. Trong khi, bản thân giáo viên ngoại ngữ làm việc ở các trung tâm ngoại ngữ cũng đang không ổn định với hợp đồng được ký kết từ 6 tháng đến 2 năm.

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh, tính đến hết tháng 4/2017, toàn tỉnh có 50 lao động nước ngoài giảng dạy tại các trung tâm, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có 16 người chỉ ký hợp đồng lao động giao kết dưới 1 năm, 34 người ký hợp đồng lao động từ 1 - 2 năm. Bên cạnh đó, giáo viên người bản ngữ đến từ các nước nói tiếng Anh như Anh, Mỹ, Úc chỉ chiếm khoảng 50%. Số còn lại phần nhiều đến từ các nước như Philippines, Uganda, Nam Phi… Còn theo thống kê của Sở GD&ĐT chỉ có 34 giáo viên nước ngoài đang giảng dạy tại 13 trung tâm đóng trên địa bàn thành phố Vinh, Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn.

Sự “khập khiễng” về số lượng này cho thấy có kẽ hở trong quản lý giáo viên người nước ngoài trên địa bàn. Về phía ngành lao động, mặc dù là đơn vị cấp phép và quản lý lao động nước ngoài và hàng năm phải có chức năng kiểm tra, giám sát nhưng việc kiểm tra cũng chỉ dừng lại ở việc chấn chỉnh chứ chưa có xử phạt - ông Nguyễn Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH - cho biết. Còn ông Nguyễn Huy Cao, Phó phòng Giáo dục chuyên nghiệp - GDTX, Sở GD&ĐT, cũng thừa nhận: Việc thanh kiểm tra các hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ hiện nay chưa được triển khai thường xuyên. Quá trình hoạt động, nhiều trung tâm chưa kịp thời báo cáo về số lượng đội ngũ nên khó giám sát.

Chính vì vậy mà có hiện tượng một số trung tâm “lách luật”, tuyển dụng giáo viên không đủ chuẩn, sang Việt Nam theo visa du lịch chứ không phải visa lao động và ký hợp đồng ngắn hạn.

Giám đốc Trung tâm Anh ngữ Asem Việt Nam - ông Trần Vĩnh Quý - cũng cho hay: Trước đây, khi mới hoạt động do hiểu biết còn hạn chế nên trung tâm đã từng bị “thổi còi” vì sử dụng lao động là người nước ngoài không đầy đủ giấy phép. Sau này, chúng tôi rút kinh nghiệm và chặt chẽ hơn trong khâu tuyển dụng. Hiện trung tâm cũng chỉ tuyển dụng giáo viên bản ngữ, chứ không phải giáo viên nước ngoài nói tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2.

Ông Quý cũng bày tỏ mong muốn: “Ngành Giáo dục và các đơn vị liên quan cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý giáo viên nước ngoài. Đặc biệt, cần yêu cầu các trung tâm công khai mọi thông tin về giáo viên như bằng cấp, chứng chỉ, quốc tịch tránh tình trạng “mập mờ” như hiện nay. Qua đó, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các trung tâm, đảm bảo chất lượng giảng dạy, cũng như tạo sự yên tâm, tin tưởng cho HS, phụ huynh”.

Tại cuộc họp đóng góp ý kiến về Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 giai đoạn 2017 - 2020, mới đây, bà Nguyễn Thị Kim Chi - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An - cũng khuyến khích các trường phối hợp với giáo viên nước ngoài để dạy ngoại ngữ cho HS; nhưng quá trình triển khai phải có chỉ đạo của Sở GD&ĐT và phải đúng quy trình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ