Theo thống kê, từ đầu năm 2020 đến ngày 23-8-2020, Hà Nội có 1.422 trường hợp mắc sốt xuất huyết, số ca mắc giảm so với cùng kỳ năm 2019 nhưng đã có trường hợp tử vong. Sở Y tế Hà Nội cũng nhận định, dịch bệnh sẽ có xu hướng gia tăng trong thời gian tới.
Chính vì vậy, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu CDC Hà Nội giám sát chặt chỉ số bọ gậy, muỗi và tình hình bệnh nhân để cảnh báo các đơn vị về nguy cơ dịch bệnh sốt xuất huyết. Mặt khác, hướng dẫn chuyên môn về giám sát và xử lý dịch sốt xuất huyết cho các trung tâm y tế và hỗ trợ các đơn vị này triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và phun hóa chất diện rộng tại các khu vực có nguy cơ theo chỉ định.
Sở Y tế cũng yêu cầu CDC Hà Nội rà soát cơ số phòng, chống dịch của ngành, bảo đảm cung ứng đủ hóa chất, phương tiện phục vụ công tác phòng, chống dịch. Ngoài ra, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc phòng, chống dịch của các đơn vị.
Sở Y tế cũng chỉ đạo trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn về phòng, chống dịch. Tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch cần tổ chức họp tổ dân phố, cụm dân cư để tuyên truyền trực tiếp cho người dân về tình hình dịch tại khu vực đang sinh sống và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống. Cùng với đó, chỉ đạo các xã, phường, thị trấn rà soát, kiện toàn lại thành phần đội xung kích và tổ giám sát phòng, chống dịch sốt xuất huyết; tăng cường đội đáp ứng nhanh phòng, chống dịch; rà soát và có kế hoạch bổ sung đầy đủ nhân lực cũng như trang thiết bị, hóa chất để đáp ứng hiệu quả công tác phòng, chống dịch.
Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh, Sở Y tế yêu cầu cần rà soát, điều chỉnh các quy trình tiếp nhận, sàng lọc, phân loại ca bệnh; đánh giá đúng tình trạng người bệnh để có biện pháp điều trị phù hợp. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tư vấn, hướng dẫn người bệnh và người nhà biết cách chăm sóc, theo dõi diễn biến người bệnh để có thể xử trí kịp thời. Tích cực theo dõi người bệnh, đặc biệt trong các ngày nghỉ, lễ, chuyển tuyến kịp thời những ca bệnh nặng, vượt quá khả năng. Mặt khác, tại mỗi đơn vị, cần đáp ứng đủ nhân lực, thuốc, dịch truyền, trang thiết bị y tế, máu và các chế phẩm của máu..., hạn chế tử vong do dịch bệnh sốt xuất huyết.
Trước đó, như Báo Hànộimới đưa tin, cách đây một tuần, Khoa Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận một thanh niên 17 tuổi bị sốt xuất huyết nhập viện trong tình trạng ngừng tim do sốc khi truyền dịch tại nhà. Với nỗ lực cao nhất, các bác sĩ đã hồi sức tim cho bệnh nhân thành công và tiến hành đặt ECMO (kỹ thuật tim, phổi nhân tạo). Tuy nhiên, do tình trạng quá nặng, bệnh nhân đã tử vong 2 ngày sau đó do suy đa tạng.