Tăng cường nhiều hoạt động giúp trò học tốt môn Lịch sử

GD&TĐ - Để giúp học sinh học tốt môn Lịch sử, thời gian qua, Trường THCS Chu Văn An, TP Huế đã có nhiều hoạt động phát huy việc dạy và học trong nhà trường.

Giúp học sinh THCS học tốt kiến thức môn Lịch sử. (Ảnh: Hoàng Hải)
Giúp học sinh THCS học tốt kiến thức môn Lịch sử. (Ảnh: Hoàng Hải)

Giúp học sinh THCS học tốt kiến thức môn Lịch sử. (Video: Hoàng Hải)

Đa dạng nhiều mô hình học tập

Môn Lịch sử với nhiều sự kiện, dữ liệu thời gian, đòi hỏi khối lượng lớn kiến thức, vì vậy nhiều học sinh có tâm lý lo lắng chọn phương pháp học bài phù hợp để đạt hiệu quả.

Nắm bắt và thấu hiểu được tâm tư của học sinh, Trường THCS Chu Văn An, TP Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã có một số mô hình hoạt động nhằm giúp các em vượt qua được những "rào cản" trong việc học Lịch sử.

Theo chia sẻ của cô Lê Thị Hồng Giang – Hiệu trưởng nhà trường, thời gian qua, trường đã có nhiều hoạt động để phát huy việc dạy - học môn Lịch sử được hiệu quả hơn, đó là việc tổ chức dạy học theo hướng nghiên cứu bài học với những chuyên đề định hướng phát triển năng lực học sinh.

Một tiết học phân môn Lịch sử của học sinh Trường THCS Chu Văn An.

Một tiết học phân môn Lịch sử của học sinh Trường THCS Chu Văn An.

Trong quá trình dạy học, giáo viên sẽ đưa ra các câu hỏi, tình huống để học sinh trao đổi, thảo luận; đồng thời lồng ghép tích hợp kiến thức vào trò chơi như chiếc nón kỳ diệu, trắc nghiệm, hay cộng điểm tốt,... giúp tiết học sôi nổi và quan trọng nhất là các em sẽ dễ nắm bắt và nhớ được kiến thức lâu hơn.

Học sinh hào hứng trong tiết học phân môn Lịch sử.

Học sinh hào hứng trong tiết học phân môn Lịch sử.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng khuyến khích, động viên học sinh tích cực tham gia nghiên cứu khoa học nhằm phát huy khả năng sáng tạo trong việc tìm ra phương pháp học Lịch sử hiệu quả nhất.

Ngoài ra, mô hình tạo thêm sân chơi ngoài giờ học cũng giúp học sinh tiếp cận được dễ dàng kiến thức, đó là việc thành lập và triển khai câu lạc bộ “Em yêu lịch sử”.

Sinh hoạt câu lạc bộ "Em yêu lịch sử" của học sinh.

Sinh hoạt câu lạc bộ "Em yêu lịch sử" của học sinh.

Theo đó, câu lạc bộ sẽ tiến hành hoạt động hàng tháng để các thành viên trao đổi, giao lưu cũng như đưa ra các ý kiến để có thể học tốt môn Lịch sử; đồng thời liên kết với một số đơn vị tổ chức các chuyến tham quan, trải nghiệm thực tế tại các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Từ đó giúp cho học sinh có cái nhìn tổng quan, chân thực và có cơ hội tìm hiểu sâu về những nhân vật, sự kiện lịch sử, tạo môi trường ngoài giờ học, một sân chơi bổ ích cho học sinh.

“Giá trị lớn nhất của giáo dục lịch sử là giúp chúng ta rút ra những bài học kinh nghiệm từ quá khứ và giáo dục cho thế hệ trẻ biết rõ cội nguồn gia đình, dòng họ, quê hương, đất nước, biết quý trọng những giá trị đó để kế thừa và phát huy cho hiện tại và tương lai”, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An chia sẻ.

Tích cực học tập và tham gia nghiên cứu khoa học

Năm học 2023 – 2024, Trường THCS Chu Văn An đã có những động viên, khích lệ tinh thần học tập của học sinh, khuyến khích các em đăng ký tham gia cuộc thi học sinh giỏi các cấp, nhất là môn học Lịch sử.

Trong năm học vừa qua, học sinh của trường đã tham gia đội tuyển học sinh giỏi môn Lịch sử cấp thành phố và đạt được kết quả 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 4 giấy chứng nhận.

Về phương pháp giúp học sinh học hiệu quả môn Lịch sử, nổi bật là việc tham gia nghiên cứu khoa học với đề tài “Cẩm nang giúp nâng cao hiệu quả học tập môn Lịch sử lớp 6 ở Trường THCS Chu Văn An, TP Huế” của 2 em học sinh lớp 9 là Trần Nguyễn Minh Châu và Nguyễn Viết Bảo Khánh thực hiện, dưới sự hỗ trợ, hướng dẫn của cô Nguyễn Thị Thu Nguyên và thầy Trần Duy Tân.

Nhóm 2 học sinh cùng thầy, cô hướng dẫn thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học.

Nhóm 2 học sinh cùng thầy, cô hướng dẫn thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học.

Theo chia sẻ của Minh Châu, đề tài thực hiện nhằm mục đích giúp cho học sinh dễ tiếp cận và yêu thích môn Lịch sử, tránh được sự nhàm chán; đồng thời cũng mong muốn tìm được phương pháp học mới cho học sinh.

Với nội dung nghiên cứu gồm cơ sở lý luận và thực tiễn của việc xây dựng cẩm nang, nhóm học sinh đã đưa ra 4 cẩm nang gồm: Nội dung cơ bản của phân môn Lịch sử lớp 6; Hệ thống câu hỏi trắc nghiệm ôn tập phân môn Lịch sử lớp 6; Tư liệu hỗ trợ việc học tập phân môn Lịch sử 6; Giới thiệu một số ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ cho việc học tập phân môn Lịch sử lớp 6.

Việc nghiên cứu đề tài sẽ góp phần giúp cho học sinh hình thành, phát triển tư duy, đặc biệt là tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào về truyền thống dân tộc, sự đa dạng của lịch sử thế giới và văn hoá nhân loại, khơi dậy ước muốn khám phá thế giới xung quanh, vận dụng những điều đã học vào thực tế.

Với những thành công trong việc nghiên cứu, đề tài đã giải Nhất cuộc thi Khoa học kĩ thuật, giải Nhì cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng. Đặc biệt, đề tài trên cũng đã được chọn tham dự kì thi Khoa học kĩ thuật cấp tỉnh năm 2024.

Cô Nguyễn Thị Thu Nguyên chia sẻ, đề tài được 2 em học sinh lên ý tưởng vào tháng 8/2022 và thực hiện từ tháng 9/2022 đến tháng 10/2023.

Thực trạng hiện nay cho thấy, nhiều em học sinh không thích học Lịch sử do phải học bài học dài, ghi chép quá nhiều và phải nhớ ngày tháng năm, con số cụ thể hay bài giảng của giáo viên thiếu tư liệu, hình ảnh sinh động...

“Quá trình nghiên cứu, chúng tôi cũng đã có những góp ý, hướng dẫn để 2 học sinh có thể hoàn thiện tốt nhất sản phẩm của mình. Đề tài cũng phần nào đáp ứng về yêu cầu đổi mới của Chương trình GDPT 2018 và giúp cho học sinh yêu thích phân môn Lịch sử hơn, giúp các em hình thành năng lực tự học của mình.

Từ đó, các em thấy được rằng, học Lịch sử không quá khó, quá đáng sợ, dần hình thành ở mỗi em niềm yêu thích lịch sử và nâng cao kết quả học tập của mình”, cô Nguyên thông tin.

Việc xây dựng cẩm nang góp phần đáp ứng về yêu cầu của Chương trình GDPT 2018. (Ảnh: Hoàng Hải)

Việc xây dựng cẩm nang góp phần đáp ứng về yêu cầu của Chương trình GDPT 2018. (Ảnh: Hoàng Hải)

“Ôn cố tri tân” (ôn lại cái cũ để hiểu về cái mới) là thông điệp của Trường THCS Chu Văn An để giáo dục học sinh trong thời đại mới trưởng thành, ý thức được cuộc sống và vận mệnh của mình, luôn muốn vươn lên, phấn đấu học tập. Qua đó, các em nhận thức được trách nhiệm của mình đối với xã hội, tổ quốc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ