Gia tăng sức ép lên môi trường
Với 833 đô thị cùng sự gia tăng nhanh chóng của dân số đô thị, chủ yếu do di dân, đang làm phát sinh lượng lớn chất thải rắn đô thị, trong khi hệ thống hạ tầng liên quan đến thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn không theo kịp với tốc độ đô thị hóa. Bên cạnh đó, các hoạt động kinh tế, nhất là công nghiệp, thương mại, dịch vụ cũng đang là nguồn phát sinh chất thải lớn, trong đó, có chất thải rắn sinh hoạt.
Việt Nam hiện có khoảng 500.000 doanh nghiệp công nghiệp, khoảng 283 khu công nghiệp tập trung, hơn 1.700 cụm công nghiệp và 18 khu kinh tế đang hoạt động. Dự báo tổng khối lượng chất thải rắn phát sinh ở các khu vực này đến năm 2020 khoảng 57.000 tấn/ngày, trong đó, có chất thải rắn sinh hoạt.
Lĩnh vực dịch vụ, trong đó, có giao thông, y tế và du lịch cũng có những đóng góp lớn vào tổng lượng thải, với tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt cao. Chỉ tính riêng lĩnh vực y tế, hiện có khoảng 13.500 cơ sở đang hoạt động, trong đó, có 1.263 bệnh viện các tuyến, trên 1.000 cơ sở viện, trung tâm y tế dự phòng và các cơ sở tư nhân khác.
Theo ước tính của các chuyên gia, đến năm 2020, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh là 59.000 tấn/ngày, tăng 1,7 - 4 lần so với hiện tại. Đến năm 2025, con số này được ước tính đạt 91 triệu tấn/năm, tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt tăng từ 10 - 16% người/ngày mỗi năm.
Lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ngày càng lớn, tính chất ngày càng phức tạp, tạo áp lực lớn đến môi trường. Trong khi đó, sức chịu tải của môi trường có “ngưỡng” nhất định. Môi trường bị tổn thương, vượt quá khả năng tự phục hồi, tất yếu gây nên bất ổn trong đời sống xã hội.
Cần quản lý tổng hợp chất thải rắn
Các chuyên gia cho rằng, cần tăng cường năng lực cho hoạt động quản lý, xử lý chất thải rắn nói chung và chất thải rắn sinh hoạt nói riêng mới đủ sức giải quyết các vấn đề môi trường do chất thải rắn sinh hoạt hiện nay đang đặt ra cấp thiết. Bởi nhìn nhận một cách trực diện, khách quan, việc quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn về bảo vệ môi trường.
Cụ thể, các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt còn chưa rõ ràng, chưa tập trung, tản mạn ở nhiều văn bản hướng dẫn khác nhau, khiến các tổ chức, cá nhân gặp nhiều khó khăn khi muốn tham gia vào lĩnh vực xử lý CTR.
Nhiều nhà đầu tư muốn đầu tư vào lĩnh vực quản lý chất thải rắn sinh hoạt , tuy vậy, do các quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt còn nhiều bất cập từ tổ chức quản lý cấp Nhà nước, từ Trung ương đến địa phương đến các cơ chế, chính sách cho các hoạt động này, nên chưa đủ hấp dẫn để thu hút đầu tư vào phát triển công nghiệp môi trường.
Trước thực tế đó, đòi hỏi sự cần thiết có vai trò đòn bẩy và tập trung nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội để đẩy mạnh việc quản lý, xử lý chất thải rắn trong thời gian tới.
Theo khuyến nghị từ phía các nhà hoạch định chính sách môi trường, giải pháp cho việc đẩy mạnh quản lý chất thải rắn sinh hoạt chính là việc “quản lý tổng hợp”.
Theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), việc quản lý tổng hợp chất thải bao gồm ít nhất 3 loại phối kết hợp, đó là phối kết hợp các chiến lược quản lý chất thải; phối kết hợp các khía cạnh kinh tế, xã hội, luật pháp, thể chế, môi trường và công nghệ trong quản lý chất thải; phối kết hợp ý kiến ưu tiên và năng lực cung cấp dịch vụ của các bên liên quan.
Phối kết hợp các chiến lược quản lý chất thải bao gồm các giải pháp mang tính chiến lược như: Phòng ngừa, giảm thiểu, giảm lượng chất thải phát sinh; tái sử dụng, tái chế chất thải, xử lý chất thải có thu hồi năng lượng, cuối cùng là bê tông hóa hoặc chôn lấp.
Để thực hiện được việc phối kết hợp đó, cần tăng cường năng lực quản lý tổng hợp CTR từ cấp Trung ương đến địa phương; trong đó, các đơn vị liên quan cần kết hợp chặt chẽ để hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt; hoàn thiện tổ chức, bộ máy, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu quản lý chất thải rắn sinh hoạt.
Tăng cường cơ sở vật chất trang thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Tăng cường nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt , xây dựng và triển khai có hiệu quả công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn…
Thực hiện đồng bộ các biện pháp này, việc quản lý tổng hợp chất thải rắn sinh hoạt mới thực sự thúc đẩy lĩnh vực xử lý chất thải, góp phần khai thác tài nguyên chất thải và tạo ra ngày càng nhiều các giá trị gia tăng mới từ chất thải theo hướng phát triển bền vững.