Chính phủ xem xét ban hành Chỉ thị về quản lý chất thải rắn

GD&TĐ - Hiện nay, chất thải rắn ở đô thị và nông thôn nước ta ngày càng gia tăng về số lượng. Công tác quản lý, thu gom và xử lý còn nhiều bất cập. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì Hội nghị toàn quốc về quản lý chất thải rắn, có sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, là cơ sở quan trọng để Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về quản lý chất thải rắn.

Chính phủ sẽ ban hành Chỉ thị về quản lý chất thải rắn (Ảnh minh họa)
Chính phủ sẽ ban hành Chỉ thị về quản lý chất thải rắn (Ảnh minh họa)

Mục tiêu của Hội nghị toàn quốc về quản lý chất thải rắn này nhằm tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về quản lý chất thải rắn.

Điều tra mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện chất thải rắn ở đô thị hơn 37.000 tấn/ngày, nông thôn hơn hơn 24.000 tấn/ngày. Như vậy, mỗi ngày cả nước có hơn 60.000 tấn chất thải rắn.

Ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho rằng, Tại thành phố, đô thị, tỷ lệ thu gom đạt 85%, nông thôn tầm 40% - 55%.

Thế nhưng, một số nơi ở vùng sâu, vùng xa, tỉ lệ thu gom đạt dưới 10%. Đặc biệt, 71% lượng chất thải rắn sinh hoạt mới dừng ở việc chôn lấp, trong đó có nhiều bãi không hợp vệ sinh, vì thế gây ô nhiễm cho môi trường.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, thông qua Hội nghị sẽ đánh giá tình hình, cơ hội, thách thức và những vấn đề đặt ra đối với công tác quản lý chất thải rắn ở nước ta, trong đó tập trung vào chất thải rắn sinh hoạt; đồng thời, thống nhất nhận thức và hành động về các chủ trương, giải pháp trước mắt và lâu dài trong công tác quản lý.

Phiên Hội nghị toàn thể sẽ do Thủ tướng Chính phủ chủ trì. Đồng thời, bên lề Hội nghị sẽ Triển lãm các mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Ông Võ Tuấn Nhân yêu cầu Hội nghị phải nêu được thực trạng quản lý chất thải rắn, trong đó có chất thải rắn sinh hoạt. Phải nêu rõ nhiệm vụ cụ thể của các bộ, ngành, địa phương.

Khuyến khích ứng dụng các công nghệ xử lý chất thải rắn hiện đại, hạn chế tối đa chôn lấp đồng thời kêu gọi nguồn lực đầu tư từ nguồn xã hội hóa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ