Để tránh lãng phí trong việc sử dụng sách giáo khoa, cử tri đề nghị Bộ GD&ĐT có các giải pháp phù hợp và có tính khả thi hơn (Câu 35).
Bộ GD&ĐT cho biết: Nhằm khắc phục thực trạng sách giáo khoa chỉ dùng được một lần, ngày 24/9/2018, Bộ GD&ĐT đã ban hành Chỉ thị số 3798/CT-BGDĐT chỉ đạo các sở GD&ĐT hướng dẫn các cơ sở giáo dục tại địa phương về việc sử dụng, bảo quản tốt sách giáo khoa, tránh lãng phí cho gia đình học sinh, xã hội; yêu cầu giáo viên áp dụng phương pháp dạy học tích cực và hướng dẫn học sinh không viết vào sách giáo khoa trong quá trình thực hiện các hoạt động học.
Khi thực hiện hoạt động học, giáo viên cần hướng dẫn học sinh ghi phương án trả lời/lựa chọn vào vở để giải thích, trình bày, thảo luận. Học sinh cũng không cần phải chép lại đầu bài vào vở ghi.
Cùng với sự hướng dẫn sử dụng của giáo viên, cần sự phối hợp cha mẹ học sinh và ý thức giữ gìn của học sinh. Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn việc sử dụng sách giáo khoa sao cho đúng cách, phát huy được tính tự chủ, sáng tạo của học sinh để cha mẹ học sinh phối hợp thực hiện.
Bộ GD&ĐT yêu cầu các nhà trường phát động phong trào giữ gìn sách giáo khoa, quyên góp xây dựng thư viện để học sinh dùng chung (mượn miễn phí) hoặc hỗ trợ học sinh các vùng khó khăn; khuyến khích các nhà xuất bản tăng cường tổ chức quyên góp sách giáo khoa đã qua sử dụng để phục vụ đối tượng có nhu cầu.
Tiếp thu ý kiến của cử tri, khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo việc biên soạn sách giáo khoa mới sao cho vừa đảm bảo những yêu cầu về đổi mới phương pháp dạy học vừa hạn chế việc học sinh viết, vẽ vào sách giáo khoa.