Một Chương trình, nhiều SGK: Hiệu quả nhờ hành lang pháp lý tốt

GD&TĐ - Dự thảo Luật GD (sửa đổi) đề xuất quy định: Mỗi môn học có một hoặc một số SGK; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn SGK. Đề xuất này nhận được sự đồng tình cao của nhiều đại biểu Quốc hội.

Ảnh minh họa/ Internet
Ảnh minh họa/ Internet

Xây dựng theo một chương trình thống nhất

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Đinh Thị Bình (đoàn Phú Thọ) cho rằng, việc thực hiện một chương trình thống nhất và mỗi môn học có một hoặc nhiều bộ SGK là chủ trương cần thực hiện trong thời gian tới. Lý do cần thực hiện đã được phân tích kỹ trong Báo cáo thẩm tra, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH). Quy định này nhằm bảo đảm tránh độc quyền SGK và cũng là để các cơ sở GD, người dạy, người học lựa chọn SGK tốt nhất phục vụ cho công tác dạy - học.

Tuy nhiên, theo đại biểu, vấn đề còn lại là thực hiện ở các địa phương. Cần có cơ chế lựa chọn SGK để bảo đảm việc thực hiện đồng bộ, thống nhất cho các năm học. Nếu không thực hiện tốt vấn đề này, có thể dẫn đến thực trạng SGK không thống nhất qua các năm học ngay trong chính địa phương, chẳng hạn như: Năm này sử dụng bộ sách này, năm sau lại là bộ khác. Như vậy sẽ gây khó khăn cho thầy – trò và lãng phí trong việc sử dụng SGK.

Ngoài ra, theo đại biểu, Quy định về hội đồng thẩm định SGK là chế định để bảo đảm cho việc sử dụng sách một cách tốt nhất, cần nhấn mạnh rằng, Chương trình là pháp lệnh. “Cá nhân tôi cho rằng, khi đã có chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, tức là chúng ta có hành lang pháp lý tốt thì chủ trương mỗi môn học có một hoặc một số SGK sẽ được các địa phương, nhà trường thực hiện có hiệu quả, bảo đảm đúng mục tiêu đề ra”, đại biểu Đinh Thị Bình trao đổi.

Bản thân cũng là một GV đang trực tiếp đứng lớp, đại biểu Bình tin tưởng, với quy định này sẽ tác động tích cực đến đội ngũ thầy, cô giáo. Theo đó GV sẽ phải năng động hơn, sáng tạo hơn trong quá trình dạy học. “Bản thân tôi và các đồng nghiệp đã và đang nỗ lực trau dồi kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ bằng cách chủ động tìm học các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực sư phạm. Một mặt để tiếp cận với những đổi mới của GD và cũng là để bắt nhịp với Chương trình, SGK mới” – đại biểu Đinh Thị Bình chia sẻ.

Đại biểu Lê Tuấn Tứ
 Đại biểu Lê Tuấn Tứ

Đồng tình với đề xuất của dự thảo Luật GD (sửa đổi), đại biểu Lê Tuấn Tứ (đoàn Khánh Hòa) nêu quan điểm: Đây là chủ trương tốt, phù hợp với xu thế phát triển. Cần phải hiểu đúng ý nghĩa của công tác này, dù đơn vị, tổ chức cá nhân nào viết SGK thì vẫn phải bám theo Chương trình GDPT. Bởi Chương trình GDPT là thống nhất toàn quốc và là pháp lệnh. Chương trình này sẽ được tổ chức thực hiện linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và cơ sở GD.

“Với quy định này, GV sẽ linh hoạt trong việc sử dụng tài liệu để giảng dạy. Chẳng hạn: 5 + 5 = 10 nhưng có cách diễn đạt khác: 6 + 4 = 10. Ý tôi muốn nói, mỗi tác giả viết sách sẽ có cách diễn đạt khác nhau và mỗi GV sẽ có những phương tiện hoặc cách giảng dạy khác nhau nhưng bản chất vấn đề phải giống nhau, nó giống như kết quả của phép cộng trên là 10. Vì thế, chương trình thì chỉ có một còn SGK tùy thuộc vào thực tiễn GD. Mong Quốc hội sẽ thông qua đề xuất này”, đại biểu Lê Tuấn Tứ nói.

Đại biểu Đinh Thị Bình
  • Đại biểu Đinh Thị Bình

Phát huy sự chủ động của GV

Nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc nắm vững ý nghĩa của Chương trình và SGK, đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai (đoàn Trà Vinh) cho hay: Chúng ta cần hiểu đúng vấn đề là, chương trình chỉ có một và chương trình là pháp lệnh được thống nhất trong cả nước, còn SGK là phương tiện truyền tải nội dung chương trình. Với quy định như trong dự thảo Luật sẽ phát huy sự chủ động của GV.

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Trần Kim Yến (đoàn TPHCM) bày tỏ đồng tình khi phát biểu thảo luận tại hội trường. Theo đại biểu đề xuất, vấn đề ở đây là cần có quy định về sách tham khảo để tránh bị lạm dụng.

Trước đó, cũng có ý kiến đề nghị xây dựng một chương trình, một bộ SGK dùng chung cho cả nước. Tuy nhiên, vấn đề này UBTVQH cho rằng, hiện nay quy định về chương trình, SGK GDPT trong Dự thảo Luật đã cụ thể hóa tinh thần các nghị quyết của Đảng và Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK GDPT. Theo đó, việc giảng dạy và học tập phổ thông chuyển từ GD thiên về truyền thụ kiến thức sang GD phát triển phẩm chất và năng lực, phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.

Với quan điểm này, trên nền tảng một chương trình GDPT thống nhất trong cả nước do Bộ GD&ĐT ban hành; SGK là tài liệu học tập, cụ thể hóa chương trình, giúp GV và HS sáng tạo trong phương pháp dạy và học, nhằm tiếp thu tốt nhất kiến thức của chương trình GDPT. Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội, hiện nay Bộ GD&ĐT đã công bố chương trình GDPT thống nhất trong cả nước và đang soạn thảo ban hành bộ SGK theo chương trình này và sẽ hoàn thành sau năm 2022.

Đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai
Đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai

Vì vậy, UBTVQH đề nghị được giữ quy định một chương trình thống nhất, mỗi môn học có một hoặc một số SGK như trong Dự thảo Luật. Để rõ ràng, mạch lạc hơn về vai trò của chương trình GDPT và SGK, nội dung này đã được quy định thành hai điều riêng biệt: Điều 31 quy định về chương trình GDPT, Điều 32 quy định về SGK.

Theo các quy định này, chương trình là pháp lệnh, thống nhất trong toàn quốc; SGK là công cụ giảng dạy, triển khai chương trình GDPT. Để bảo đảm chất lượng của chương trình và SGK GDPT, Dự thảo Luật quy định rõ vai trò, trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, UBND các địa phương, Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình, SGK và Hội đồng thẩm định tài liệu GD cấp tỉnh. Đồng thời Luật cũng quy định quy trình chọn SGK tại địa phương do UBND tỉnh quyết định theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.