Tăng cường hợp tác chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho thanh thiếu niên khuyết tật

GD&TĐ - Người khuyết tật cần được bảo đảm các quyền học tập bình đẳng, chất lượng - phù hợp với đặc điểm, khả năng và tăng cơ hội đóng góp cho cộng đồng...

TS Đỗ Tường Hiệp - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk ký kết thoả thuận.
TS Đỗ Tường Hiệp - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk ký kết thoả thuận.

Sáng 22/3, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Trung tâm nghiên cứu phát triển hoà nhập (RCI) đã ký kết thoả thuận hợp tác về Dự án “Tăng cường kiến thức và thực hành chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho thanh thiếu niên khuyết tật”. Chương trình được thực hiện theo hình thức trực tuyến từ đầu cầu Sở GD&ĐT (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) với đầu cầu Trung tâm RCI (TP Hà Nội).

Bà Nguyễn Thanh Thuỷ - Giám đốc Trung tâm RCI phát biểu tại đầu cầu (TP Hà Nội);
Bà Nguyễn Thanh Thuỷ - Giám đốc Trung tâm RCI phát biểu tại đầu cầu (TP Hà Nội);

Đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk có TS Đỗ Tường Hiệp - Phó Giám đốc Sở; TS Lê Thị Thảo – Trưởng phòng GDTrH-GDTX; đại diện lãnh đạo, chuyên viên phòng GDTrH-GDTX Sở GD&ĐT. Về phía RCI có bà Nguyễn Thanh Thuỷ - Giám đốc Trung tâm; đại diện lãnh đạo, cán bộ của Trung tâm.

Theo đó, mục tiêu của dự án, tập huấn về sức khoẻ sinh sản (SKSS) cho các thanh thiếu niên khuyết tật để biết cách đảm bảo an toàn cho bản thân; tập huấn cho cha mẹ, người chăm sóc thanh thiếu niên khuyết tật, giáo viên, cán bộ y tế kiến thức, kỹ năng về SKSS; nhằm hỗ trợ các thanh thiếu niên khuyết tật trong quá trình tiếp cận dịch vụ y tế và đưa ra được các quyết định liên quan đến SKSS vị thành niên.

Các đại biểu dự lễ ký kết tại đầu cầu Sở GD&ĐT Đắk Lắk.
Các đại biểu dự lễ ký kết tại đầu cầu Sở GD&ĐT Đắk Lắk.

Phát biểu tại buổi ký kết thoả thuận hợp tác, TS Đỗ Tường Hiệp nhấn mạnh, người khuyết tật cần phải được bảo vệ những quyền lợi hợp pháp như chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng, học văn hoá, học nghề, việc làm, trợ giúp pháp lý, tiếp cận các công trình công cộng…

“Giáo dục hoà nhập là một trong những nội dung quan trọng, được ngành giáo dục coi là “giáo dục đặc biệt”. Người khuyết tật được phát triển khả năng của bản thân, được hoà nhập và tăng cơ hội đóng góp cho cộng đồng. Đảm bảo các quyền học tập bình đẳng, chất lượng và phù hợp với đặc điểm, khả năng của người khuyết tật… Việc thoả thuận hợp tác thực hiện Dự án thể hiện tính nhân ái và nhân văn sâu sắc mà những người làm giáo dục hướng tới. Từ đây, mang lại cho người khuyết tật một cuộc sống an toàn hơn, tốt đẹp hơn”, ông Hiệp nói.

Theo kết quả thoả thuận hợp tác, quy mô dự kiến của Dự án sẽ có khoảng 600 thanh thiếu niên khuyết tật ở độ tuổi từ 12-25 của tỉnh Đắk Lắk được thụ hưởng trong thời gian từ tháng 3/2022 đến tháng 3/2024. Có 4 địa phương sẽ triển khai, gồm các huyện: Buôn Đôn, Krông Pắc, Krông Ana và TP Buôn Ma Thuột.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ