Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết: Trong thời gian thực hiện Quyết định số 37/2013/QĐ-TTg về việc điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường ĐH và CĐ trên toàn quốc, Bộ GD&ĐT đã đề xuất với Chính phủ thành lập và cấp phép hoạt động cho 48 trường ĐH, CĐ (từ 2010 - 2018). Phần lớn các trường này được nâng cấp từ trung cấp lên CĐ và từ CĐ lên ĐH. Từ năm 2015 đến nay, sau khi rà soát lại tình hình thực tế, việc thành lập và nâng cấp các trường đã hạn chế rất nhiều.
Để bảo đảm các điều kiện hoạt động, Bộ GD&ĐT đã tăng cường tổ chức kiểm tra việc thực hiện cam kết thành lập trường của các cơ sở đào tạo. Từ năm 2015 đến năm 2018, Bộ đã kiểm tra được 133 trường/cơ sở giáo dục ĐH theo các quy định về điều kiện cho phép thành lập trường.
Trong quá trình rà soát, kiểm tra, Bộ GD&ĐT đã thấy một số điểm của các quyết định trên không còn phù hợp với thực tiễn nên đã đề xuất với Chính phủ xây dựng Nghị định số 46/2017/NĐ-CP và Nghị định 135/2018/NĐ-CP trong đó đã nâng một số điều kiện về vốn đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục ĐH từ 350 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng và các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên cơ hữu đã yêu cầu cao hơn giai đoạn trước. Tăng cường công tác hậu kiểm đối với tất cả các mặt hoạt động của các cơ sở giáo dục ĐH.
Bộ GD&ĐT đang tập trung hoàn thiện 2 đề án: Đề án Sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm và hình thành một số trường sư phạm trọng điểm giai đoạn 2019 - 2025 và Đề án Sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các trường ĐH công lập, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong quý II và quý III/2019.
Theo đó, chuẩn trường ĐH, chuẩn các cơ sở đào tạo giáo viên sẽ được ban hành để làm căn cứ đánh giá hiện trạng mạng lưới các cơ sở giáo dục ĐH công lập của Việt Nam. Dựa trên kết quả đánh giá, hệ thống sẽ được rà soát, phân loại và sắp xếp lại.
Những cơ sở giáo dục ĐH công lập hoạt động không hiệu quả dự kiến phải thực hiện các giải pháp như sáp nhập hoặc giải thể. Những cơ sở đào tạo có chất lượng, được xã hội thừa nhận sẽ tiếp tục được đầu tư trọng tâm, trọng điểm để phát triển, hội nhập với giáo dục ĐH trong khu vực và trên thế giới.
Đề án cũng sẽ đặt mục tiêu phát triển một hệ thống các cơ sở giáo dục ĐH công lập hoạt động có hiệu quả, có sự phân loại về chất cũng như mục tiêu sứ mạng khác nhau nhưng hỗ trợ nhau trong tổng thể phát triển chung để phục vụ việc đào tạo nhân lực ở từng mức độ khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực đa dạng của thị trường lao động. Tỷ lệ phân loại các cơ sở này sẽ dựa trên kết quả rà soát theo các bộ chuẩn (trường ĐH, cơ sở đào tạo giáo viên) trong toàn hệ thống để đảm bảo phù hợp với nhu cầu phát triển nhân lực của quốc gia ở từng giai đoạn nhất định.