Dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, ông Nguyễn Thanh Dương Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, ông Nguyễn Anh Ninh – Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai cùng lãnh đạo các Sở GD&ĐT trong cả nước thuộc diện Đề án triển khai.
Báo cáo tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Hiếu – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non - nêu bật những kết quả: Sau hơn hai năm tích cực thực hiện Đề án tăng cường tiếng Việt (TCTV) cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số DTTS (theo Quyết định số 1008/QĐ-TTg ngày 02/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ) đối với giáo dục mầm non đã có nhiều kết quả tích cực:
Các địa phương đã linh hoạt, sáng tạo trong triển khai tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non. Giáo viên chú trọng xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Việt, chú trọng cho trẻ tập nói tiếng Việt trong hoạt động phát triển ngôn ngữ và lồng ghép tích hợp, mọi lúc mọi nơi; chỉ đạo lựa chọn nội dung phù hợp với đặc điểm vùng miền, tâm sinh lý lứa tuổi và dân tộc của trẻ;
Các đại biểu tham dự hội nghị |
Làm tốt công tác tuyên truyền, nhất là phối hợp với cha mẹ để xây dựng môi trường tiếng Việt tại gia đình. Nhiều địa phương đã phát động phong trào sưu tầm, sáng tác thơ, truyện, trò chơi, bài hát…của các dân tộc địa phương và tuyển chọn thành cuốn tuyển tập để giáo viên lựa chọn và đưa vào các hoạt động giáo dục trẻ; Tổ chức cho trẻ làm quen với việc đọc, viết tiếng Việt dưới nhiều hình thức… Từ đó, kĩ năng nghe hiểu tiếng Việt, khả năng giao tiếp của trẻ được nâng lên rõ rệt.
Theo số liệu báo cáo của các địa phương, đến thời điểm tháng 8/2018, có 99,2% trong số hơn 839 nghìn trẻ DTTS đến trường được TCTV, 98,1% trẻ DTTS được học 2 buổi/ngày (tăng 2,4% so với năm 2015).
Tổng số GVMN dạy trẻ em người DTTS là 73.278 giáo viên, 84% GV trong số này được bồi dưỡng tiếng mẹ đẻ của trẻ để giảng dạy. 86% GV được tập huấn PPDH. Một số địa phương có biên soạn bổ sung tài liệu phù hợp với vùng miền, văn hóa cộng đồng dân tộc nơi trẻ sinh sống để TCTV cho trẻ.
Nhiều địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền, XHH về TCTV cho trẻ, tăng cường đầu tư mua sắm thiết bị dạy học, hoàn thiện môi trường giáo dục TCTV cho trẻ…
Phát biểu đề dẫn, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đề nghị hội nghị đánh giá những kết quả đã đạt được, những hạn chế, khó khăn và những nguyên nhân trong thực hiện Đề án thời gian qua;
Tập trung thảo luận các vấn đề: về công tác chỉ đạo thực hiện Đề án tại các địa phương; Việc tăng cường học liệu, trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi; xây dựng môi trường tiếng Việt cho trẻ người DTTS; công tác XHH nhằm huy động các nguồn lực đội ngũ dạy TCTV cho trẻ người DTTS; Chia sẻ kinh nghiệm, tài liệu và các biện pháp khai thác nguồn lực, môi trường, văn hóa bản địa… ở địa phương để TCTV cho trẻ…
Hội nghị đã nghe nhiều ý kiến tham luận của những đơn vị trường học, phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT có những cách làm hay trong triển khai Đề án và những đề xuất kiến nghị tháo gỡ những khó khăn hiện nay trong triển khai thực hiện.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đánh giá cao các địa phương đã thực hiện Đề án đạt nhiều nội dung, mục tiêu Đề án đặt ra.
Thứ trưởng đề nghị, trong thời gian tới, các địa phương rà soát và điều chỉnh lại kế hoạch thực hiện cho sát với những nội dung, mục tiêu Đề án đặt ra và phù hợp với điều kiện thực tế địa phương; Tiếp tục tổ chức các hoạt động giáo dục, chuyên đề giáo dục dạy TCTV cho trẻ hiệu quả. Đảm bảo 2 yếu tố giáo viên và cơ sở vật chất để xây dựng môi trường TCTV, tiếp tục huy động sự tham gia vào cuộc của cộng đồng cùng tham gia xây dựng môi trường để trẻ được sống và tắm mình trong môi trường tiếng Việt; đẩy mạnh XHH để huy động nguồn lực thực thắng lợi các mục tiêu của hiện Đề án.