Tăng cơ hội trúng tuyển khi chọn 'ngành gần'

GD&TĐ - Nhiều thí sinh thích chọn ngành học “hot” nhưng lo không trúng tuyển do điểm chuẩn cao.

Học sinh THPT trải nghiệm tại Chương trình hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh năm 2024 của Phân hiệu Đại học Kinh tế TPHCM tại Vĩnh Long. Ảnh: UEH Vĩnh Long
Học sinh THPT trải nghiệm tại Chương trình hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh năm 2024 của Phân hiệu Đại học Kinh tế TPHCM tại Vĩnh Long. Ảnh: UEH Vĩnh Long

Chuyên gia tuyển sinh khuyên các em có thể lựa chọn ngành gần để tăng khả năng trúng tuyển mà vẫn đảm bảo cơ hội việc làm tương tự.

Băn khoăn giữa “ma trận” ngành học

Từ đầu học kỳ II năm học 2023 - 2024 đến nay, Nguyễn Ngọc Nhi - học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (Đồng Nai) dành nhiều thời gian lên mạng, tra cứu thông tin tuyển sinh của các trường đại học. Với thế mạnh môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và Khoa học xã hội, Nhi dự định thi vào các ngành thuộc lĩnh vực kinh tế, mong muốn trở về quê làm việc tại doanh nghiệp lớn ở địa phương.

Được ba mẹ khuyên chọn các ngành thuộc nhóm tài chính hoặc kinh tế đối ngoại để dễ xin việc, Nhi “nhắm” đến một số ngành như Tài chính – Ngân hàng, Kinh tế quốc tế, Marketing… ở Trường Đại học Ngân hàng TPHCM, Trường Đại học Tài chính – Marketing, Trường Đại học Công Thương TPHCM, Trường Đại học Công nghiệp… Tuy nhiên, sau khi tham khảo phương thức tuyển sinh, điểm chuẩn các năm, nữ sinh hoang mang vì không biết chọn ngành nào.

“Em thấy trường nào cũng có ngành Tài chính - Ngân hàng, nhưng có trường có thêm ngành Công nghệ tài chính. Trường có ngành Kinh doanh quốc tế hoặc là ngành Kinh tế quốc tế. Em không rõ các ngành này giống, khác nhau ra sao, sau này ra trường cơ hội việc làm có như nhau không”, Nhi chia sẻ.

Cùng nỗi băn khoăn như Nhi, Nguyễn Đức Nguyên - học sinh lớp 12 ở TP Thủ Đức (TPHCM) bị rối trước “ma trận” ngành thuộc nhóm Công nghệ thông tin. Nguyên cho biết, qua tìm hiểu, hầu hết trường đại học hiện có ngành Công nghệ thông tin, bên cạnh ngành Khoa học máy tính, Kỹ thuật phần mềm, An toàn thông tin…

Chẳng hạn, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM có 4 ngành và 1 chuyên ngành thuộc nhóm ngành Công nghệ thông tin gồm Công nghệ thông tin, Kỹ thuật phần mềm, Khoa học máy tính, Hệ thống thông tin, Quản lý đô thị thông minh và bền vững.

Trường Đại học Mở TPHCM có ngành Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính và Khoa học dữ liệu. Tại Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH), ngành Công nghệ thông tin có các chuyên ngành Công nghệ phần mềm, Hệ thống thông tin ứng dụng, Mạng máy tính, An toàn mạng, Máy học và ứng dụng; bên cạnh các ngành An toàn thông tin, Khoa học máy tính, Trí tuệ nhân tạo, Khoa học dữ liệu, Hệ thống thông tin quản lý.

“Em muốn làm chuyên sâu về phần mềm nên chọn ngành Kỹ thuật phần mềm sẽ phù hợp nhất, nhưng lại ít trường có ngành này. Trường có thì điểm chuẩn lại cao, trong khi ngành Công nghệ thông tin nhiều trường đào tạo, em dễ dàng chọn trường vừa sức. Nhưng không biết học ngành này rồi khi đi làm phần mềm có tốt không?”, Nguyên cho hay.

Nhiều năm gần đây các trường đại học mở ngành mới, đáp ứng nhu cầu nhân lực “thời 4.0”. Các ngành mới thường pha trộn giữa ngành truyền thống và yếu tố công nghệ, chẳng hạn Kinh tế số, Công nghệ tài chính, Công nghệ nghệ thuật, Digital Marketing (Marketing số)… Điều này tạo ra nhiều lựa chọn cho thí sinh, song cũng khiến họ vất vả khi đưa ra quyết định lựa chọn.

“Em đọc về chương trình học, đào tạo, cơ hội việc làm của nhiều ngành thuộc nhóm kinh doanh thấy na ná nhau, nên không biết chọn thế nào cho phù hợp”, một học sinh lớp 12 ở TPHCM cho biết.

Học sinh THPT tại TPHCM tham gia lớp học trải nghiệm “Trial Class” tại Trường Đại học Ngân hàng TPHCM. Ảnh: HUB

Học sinh THPT tại TPHCM tham gia lớp học trải nghiệm “Trial Class” tại Trường Đại học Ngân hàng TPHCM. Ảnh: HUB

Tăng khả năng trúng tuyển

Theo học các ngành “hot”, sinh viên ra trường thường dễ xin việc, thu nhập cao. Do đó, theo ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương TPHCM, tâm lý muốn theo các ngành “hot” của nhiều thí sinh là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, nhiều em lo ngại không trúng tuyển do điểm chuẩn các ngành “hot” thường cao. Chọn ngành học gần là giải pháp được các chuyên gia đưa ra nhằm giúp thí sinh tăng khả năng trúng tuyển.

ThS Phạm Thái Sơn giải thích, bên cạnh khối lượng kiến thức giáo dục đại cương giống nhau ở hầu hết ngành học; những ngành gần, cùng lĩnh vực có khối lượng kiến thức cơ sở, kiến thức ngành giống nhau 50 - 70%. Chẳng hạn ngành Quản trị kinh doanh và Marketing có khối lượng kiến thức cơ sở khá giống nhau, chỉ khác ở các môn chuyên ngành.

Điều này cũng tương tự với ngành thuộc nhóm Công nghệ thông tin, Tài chính - Ngân hàng, Kinh tế… Cơ hội việc làm ở các ngành cùng lĩnh vực khá tương đồng. “Hiện nay, sinh viên được đăng ký học theo tín chỉ nên có thể bổ sung những môn học ở ngành khác để nâng cao, củng cố kiến thức, kỹ năng. Do đó, khi học các ngành gần, thí sinh có thể học thêm môn chuyên ngành ở ngành mình yêu thích”, ThS Sơn cho biết.

PGS.TS Nguyễn Văn Thụy - Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và Phát triển thương hiệu, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM cho rằng, các ngành học gần không giảm độ “hot” dù thị trường lao động có sự chuyển đổi mạnh mẽ. Chẳng hạn, Công nghệ tài chính - ngành kết hợp tài chính và công nghệ - là ngành “hot” trong bối cảnh chuyển đổi của ngành ngân hàng trên nền tảng công nghệ số.

Tuy nhiên, ngay cả những ngành có từ trước đó, như Tài chính - Ngân hàng, Kế toán - Kiểm toán, Quản trị kinh doanh hay Kinh tế quốc tế... không vì thế mà giảm độ “hot” trong thị trường lao động. Bởi thực tế, nhiều trường đại học có sự đổi mới chương trình đào tạo các ngành này khi tích hợp môn học “số”, giúp người học đủ khả năng giải quyết công việc trong ngân hàng, doanh nghiệp, nền kinh tế số.

PGS.TS Nguyễn Văn Thụy khuyên, việc đầu tiên thí sinh cần xác định là năng lực, sở trường và đam mê cống hiến nghề nghiệp trong tương lai. Sau đó, thí sinh phân tích các ngành học có phù hợp với định hướng sự nghiệp của bản thân cũng như chương trình đào tạo, môn học cốt lõi của ngành mình dự định đăng ký theo học.

Các em nên xem xét kỹ sự khác biệt ở nhóm kiến thức chuyên ngành giữa ngành “hot” và ngành gần để đưa ra lựa chọn đúng, phù hợp năng lực bản thân. Đồng thời, thí sinh nên tìm hiểu về cơ hội nghề nghiệp khi theo học những ngành “hot” hay ngành gần.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Thụy, thí sinh cần có chiến lược đạt mục tiêu lựa chọn ngành, trường học, dựa trên các yếu tố học lực, học phí, đam mê; tránh chạy theo xu hướng đám đông. “Khi định được trường theo học, nếu có điều kiện, hãy dành thời gian đến tham quan cơ sở vật chất, tham khảo ý kiến từ chính sinh viên đang học tại trường để có được cơ sở đưa ra quyết định tốt nhất”, PGS Thụy nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ