Sửa do “có lỗi về chính tả”
Theo đó, ngày 7/7, sau hơn hai năm ban hành Quyết định giám đốc thẩm vụ tranh chấp di sản thừa kế, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại TPHCM ban hành Quyết định 03 về việc sửa chữa, bổ sung Quyết định giám đốc thẩm do “có lỗi về chính tả”.
Thế nhưng, ngoài sửa lỗi chính tả về ngày, tháng, năm thì Quyết định 03 còn sửa “Giữ nguyên bản án dân sự phúc thẩm” thành “Giữ nguyên bản án dân sự phúc thẩm… có sửa chữa, bổ sung bằng quyết định sửa chữa, bổ sung Bản án phúc thẩm số 40/QĐPT ngày 7/11/2016 của TAND TP Cần Thơ”. Việc sửa chữa, bổ sung này, khiến quyền và nghĩa vụ các đương sự trong vụ án có sự thay đổi lớn.
Theo hồ sơ vụ án, năm 2015, bà Nguyễn Thị Vinh (ngụ quận Cái Răng, TP Cần Thơ), bà Nguyễn Thị Bê (ngụ tỉnh Vĩnh Long) khởi kiện yêu cầu vợ chồng ông Lê Văn Chương, bà Nguyễn Ngọc Điệp (ngụ quận Cái Răng) và những người có liên quan liên đới chia di sản thừa kế được cho mình.
TAND quận Cái Răng xử sơ thẩm tuyên buộc ông Chương và bà Điệp, ông Lê Phước Đạt (con bà Điệp) “chịu trách nhiệm chia giá trị di sản thừa kế” cho bà Vinh và bà Bê số tiền mỗi người trên 1,3 tỷ đồng.
Do bà Vinh và bà Bê có kháng cáo yêu cầu bà Điệp, ông Chương và ông Đạt phải “liên đới” trả lại giá trị di sản thừa kế được chia như đơn khởi kiện. Đồng thời, phía ông Đạt cũng có kháng cáo nên ngày 28/4/2016 TAND TP Cần Thơ đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm.
Bản án phúc thẩm, TAND TP Cần Thơ tuyên, sửa một phần ản án sơ thẩm là cho ông Đạt ổn định quyền sử dụng trên phần đất đang sử dụng, những phần khác giữ nguyên. Đồng thời tòa phúc thẩm cũng đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với yêu cầu kháng cáo của bà Vinh và Bê do cả hai rút kháng cáo.
Sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực hơn 6 tháng, ngày 7/11/2016, ông Nguyễn Duy Lương (Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa phúc thẩm) bất ngờ thay mặt HĐXX phúc thẩm ban hành Quyết định số 40/QĐPT sửa đổi bổ sung bản án phúc thẩm số 72.
Quyết định số 40/QĐPT này đã bổ sung hai từ “liên đới” vào phần trách nhiệm của vợ chồng bà Điệp cùng ông Đạt. Cụ thể, từ việc họ phải “chịu trách nhiệm” chia giá trị di sản thừa kế cho nguyên đơn, tòa sửa thành “chịu trách nhiệm liên đới”… Sau đó, ông Đạt có đơn đề nghị giám đốc thẩm. Đồng thời, Viện KSND cấp cao tại TPHCM có kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm của TAND TP Cần Thơ.
Ngày 4/3/2019, TAND cấp cao tại TPHCM đã ban hành Quyết định giám đốc thẩm số 43/2019/DS-GĐT đã bác kháng nghị và tuyên giữ nguyên bản án phúc thẩm số 72 của TAND TP Cần Thơ. Tuy nhiên, Quyết định này của TAND cấp cao tại TPHCM không đề cập đến Quyết định 40/QĐPT của TAND TP Cần Thơ.
Sau 3 tháng, Cơ quan Thi hành án (THA) dân sự TP Cần Thơ ra quyết định tiếp tục THA và thông báo đến các đương sự. Đồng thời, thực hiện các bước kiểm kê, đo đạc… tài sản của người bị THA.
Tuy nhiên, Cơ quan THA không chỉ căn cứ vào Bản án số 72, Quyết định giám đốc thẩm số 43/2019/DS-GĐT mà còn kèm thêm cả Quyết định số 40 (không được Quyết định giám đốc thẩm nhắc đến) để ra quyết định THA, tức vẫn buộc “trách nhiệm liên đới chia” giá trị di sản thừa kế đối với ông Lê Phước Đạt.
Một điều bất ngờ, ngày 7/7/2021, sau hơn 28 tháng Quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực, Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao tại TPHCM đã ban hành Quyết định số 03/QĐ-SCBSQĐ về việc sửa chữa, bổ sung Quyết định giám đốc thẩm số 43/2019/DS-GĐT với lý do “có lỗi về chính tả”. Quyết định sửa chữa, bổ sung này do Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Hữu Ba căn cứ vào Điều 268 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, ký ban hành.
Tuy nhiên, với lý do sửa lỗi chính tả về ngày, tháng, năm nhưng Quyết định này TAND cấp cao tại TPHCM còn sửa chữa, bổ sung thêm một số nội dung khác của bản án. Cụ thể, từ “Giữ nguyên Bản án dân sự phúc thẩm số 72/2016DS-PT…” thành “Giữ nguyên Bản án dân sự phúc thẩm số 72/2016DS-PT… có sữa chữa, bổ sung bằng Quyết định sửa chữa, bổ sung Bản án phúc thẩm số 40/QĐPT ngày 7/11/2016 của TAND TP Cần Thơ”.
Sửa đổi, bổ sung có hợp lý?
Bàn về vấn đề này, luật sư Lê Ngọc Luân (Đoàn Luật sư TPHCM) - Hãng luật Gold Key cho rằng, Khoản 1 Điều 268 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định: “Sau khi tuyên án xong thì không được sửa chữa, bổ sung bản án, trừ trường hợp phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai”.
Chiếu theo điều luật này, chỉ cho phép chỉnh sửa về lỗi chính tả hoặc số liệu do đánh máy hoặc tính toán sai con số (nhân, chia, cộng, trừ…). Trong vụ án này cho thấy, sau khi bản án sơ thẩm được tuyên, nguyên đơn kháng cáo yêu cầu Tòa cấp phúc thẩm tuyên vợ chồng bà Điệp cùng ông Đạt “liên đới” chia tài sản thừa kế.
Giả sử Tòa cấp phúc thẩm tuyên chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu vợ chồng bà Điệp hoặc ông Đạt thực hiện trách nhiệm chia thừa kế thì người bị yêu cầu phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.
Tuy nhiên, nguyên đơn đã rút kháng cáo thì tòa cấp phúc thẩm phải đình chỉ “phần kháng cáo của nguyên đơn”, nghĩa là vợ chồng bà Điệp và ông Đạt không phải “liên đới” chia di sản thừa thế cho nguyên đơn.
Tuy nhiên, TAND TP Cần Thơ ban hành quyết định số 40 sửa bản án phúc thẩm yêu cầu vợ chồng bà Điệp cùng ông Đạt “liên đới” là vi phạm pháp luật nghiêm trọng vì trường hợp này không phải là sửa chữa “lỗi chính tả, con số” mà đã thay đổi nội dung vụ án.
“Trường hợp này, TAND cấp cao tại TPHCM phải chấp nhận kháng nghị của Viện KSND để tuyên hủy Quyết định 40 của TAND TP Cần Thơ vì quyết định này rõ ràng trái pháp luật, xâm phạm đến quyền lợi của đương sự” - luật sư Lê Ngọc Luân nhận định.
Trong khi đó, TS Bùi Kim Hiếu - Trưởng khoa Luật Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM (HUFLIT) cho rằng, Điều 268 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 không quy định thời gian tối đa để sửa chữa, bổ sung bản án mà chỉ quy định “Sau khi tuyên án xong” nếu phát hiện lỗi chính tả, số liệu, tính toán sai thì sữa chữa bổ sung.
Do đó, đến 7 tháng sau Thẩm phán Tòa án cấp phúc thẩm mới sửa chữa, bổ sung bản án đã tuyên nhưng việc sửa chữa bổ sung cũng trái quy định Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 do việc bổ sung nội dung làm thay đổi bản chất của vụ án.
Đồng thời, việc TAND cấp cao tại TPHCM mở phiên tòa giám đốc thẩm đã (i) sai sót nghiêm trọng khi không đưa Quyết định số 40 của Tòa án cấp Phúc thẩm ra xem xét tại phiên tòa Giám đốc thẩm. (ii) Đồng thời, khi mở phiên tòa Giám đốc thẩm chưa nhận Quyết định 40 dẫn đến không xem xét quyết định trên.
Khả năng rơi vào điểm (i) nhưng Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao tại TPHCM cũng không xem xét Quyết định số 40 của tòa án cấp phúc thẩm sửa chữa, bổ sung có đúng với quy định của Điều 268 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 hay không? Mà quyết định số 03 chỉ thêm “…có sửa chữa, bổ sung bằng quyết định sửa chữa, bổ sung Bản án phúc thẩm số 40/QĐPT ngày 7/11/2016 của TAND TP Cần Thơ”.
Trong khi đó, Quyết định số 40 đã sai từ cấp phúc thẩm. Nguyên nhân sâu xa của việc sai sót bắt đầu từ Quyết định số 40 ở cấp Phúc thẩm và Quyết định số 03 Giám đốc thẩm là do sai sót của Tòa án cấp phúc thẩm.
“Trong trường hợp này bị đơn có quyền yêu cầu Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định của TAND cấp cao tại TPHCM để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình” - TS Bùi Kim Hiếu nhận định.