Vậy chuyện gì đã xảy ra? Đại tá Nga Sergey Suvorov, chuyên gia về xe tăng đã có kiến giải về vấn đề này.
Chủ Nhật ngày 10/9 là Ngày Xe tăng, một ngày lễ chuyên nghiệp dành riêng cho các chỉ huy và tổ lái thiết giáp hạng nặng của quân đội Nga.
Được thành lập vào năm 1946 sau Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, nơi chứng kiến nhiều trận chiến xe tăng lớn nhất trong lịch sử, ngày lễ này có tầm quan trọng đặc biệt với lực lượng xe tăng cả trong Thế chiến thứ hai và trong chiến tranh hiện đại.
Trong những thập kỷ kể từ đó, chiến tranh xe tăng đã chứng kiến nhiều bước phát triển, bắt đầu từ việc tăng cường lực lượng thiết giáp ồ ạt ở Trung Âu trong Chiến tranh Lạnh, khi các chỉ huy NATO tuyên bố sẽ ngăn chặn những đoàn xe tăng Liên Xô tiến về phía eo biển Manche.
Từ năm 1946, khi Chiến tranh Lạnh bắt đầu và đầu những năm 1990, khi hàng trăm nghìn binh sĩ Liên Xô rút khỏi Đông Âu để đổi lấy những lời hứa thoáng qua từ phương Tây về việc không mở rộng NATO về phía đông, thiết kế xe tăng toàn cầu đã trải qua nhiều giai đoạn. Ít nhất ba thế hệ riêng biệt đã ra đời:
- Thế hệ đầu tiên (1946 đến khoảng 1965) chứng kiến sự ra đời của những chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại đầu tiên như chúng ta biết ngày nay, kết hợp giữa khả năng cơ động, áo giáp nặng hơn và hỏa lực chống tăng mạnh hơn. Ví dụ về xe tăng chiến đấu thế hệ đầu tiên bao gồm T-54 và T-55 của Liên Xô, Centurion của Anh và M48 Patton của Mỹ.
- Thế hệ thứ hai (khoảng năm 1959 đến đầu những năm 1980), xe tăng được trang bị vũ khí chính nặng hơn, bao gồm pháo nòng trơn, các loại giáp phản ứng và composite tiên tiến, bao gồm nhiều lớp vật liệu bao có độ tin cậy cao hơn, động cơ nhiều mã lực hơn và hệ thống liên lạc vô tuyến được cải tiến.
Các nước đã phát triển và sản xuất những chiếc xe tăng này cho đến khoảng đầu những năm 1980, với những ví dụ nổi tiếng nhất từ thời kỳ này bao gồm T-62, T-64 và T-72 của Liên Xô, M60 của Mỹ, Tây Đức với Leopard 1...
Thế hệ thứ hai cũng trở thành kỷ nguyên mà một loạt các quốc gia trước đây không có khả năng chế tạo xe tăng hiện đại bắt đầu giới thiệu các thiết kế sản xuất hạn chế của riêng họ, như Argentina, Brazil, Ấn Độ, Iran, Israel, Nam Phi và Thụy Sĩ.
- Thế hệ thứ ba, bắt đầu vào năm 1976 với sự phát triển của xe tăng T-80 của Liên Xô và động cơ tua bin khí độc đáo, pháo xe tăng 2A46 125 mm với bộ nạp đạn tự động, khả năng bắn nhiều loại đạn như xuyên giáp, chống tăng nổ mạnh (HEAT) và đạn phân mảnh có sức nổ cao, áo giáp tổng hợp và hệ thống bảo vệ chủ động quang điện dẫn đầu.
Kích thước của Leopard 2 lớn hơn đáng kể so với T-72. |
Cách thiết kế các bộ phận xe tăng của Liên Xô/Nga và phương Tây
Các nhà sản xuất vũ khí phương Tây nhanh chóng giới thiệu các thiết kế xe tăng mới tiên tiến như Leopard 2 (1979), M1 Abrams (1980) và Challenger 1. Trong thế hệ thứ ba, các thiết kế xe tăng của Liên Xô và NATO bắt đầu khác nhau hoàn toàn.
Trong khi xe tăng phương Tây có nhiều tính năng liên quan đến kỹ thuật và vũ khí tương đồng với T-80, cộng với các đặc điểm về công nghệ cao như điều khiển hỏa lực được hỗ trợ bằng máy tính và màn hình TV hào nhoáng, kích thước và trọng lượng lớn hơn thì Liên Xô tiếp tục ưu tiên cho những chiếc xe tăng có kích thước nhỏ gọn với gầm thấp hơn.
Ví dụ, trong khi T-80 và người kế nhiệm của nó T-90, có khối lượng tổng thể từ 42,5 đến 46 tấn, cao 2,22 mét, dài 9,6-9,9 mét và rộng 3,4-3,8 mét thì xe tăng của NATO to lớn hơn, với Leopard 2 nặng hơn 62 tấn, cao tới 3 mét và dài gần 10 mét, rộng 3,75 mét.
Cụ thể, tăng Abrams nặng tới 73,5 tấn, cao 2,44 mét, dài 10 mét và rộng 3,66 mét. Chiếc Challenger 1 có trọng lượng lên tới 70 tấn, cao 2,95 mét, dài 11,5 mét và rộng 3,5 mét.
Người kế nhiệm đầu thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, Challenger 2, thậm chí còn lớn hơn, nặng tới 75 tấn và có kích thước tương ứng là 13,5 mét x 4,2 mét x 2,5 mét.
Điều gì giải thích nỗi ám ảnh "càng lớn càng tốt" của NATO trong thập niên 80 so với những xe tăng có kiểu dáng nhỏ gọn và nhanh nhẹn của Liên Xô và Nga. Sự khác biệt trong thiết kế có thể được giải thích bởi các học thuyết khác nhau của NATO và Liên Xô/Nga.
Trong khi phương Tây nhìn thấy xe tăng của họ dựa trên những cuộc đối đầu giữa xe tăng với xe tăng giả định, tạo ra những hệ thống mà họ cảm thấy sẽ vượt trội hơn so với xe tăng đối phương trên các cánh đồng và rừng cây ở miền Tây nước Đức, thì quân đội Liên Xô và Nga vẫn tiếp tục coi xe tăng chiến đấu chủ lực là một phần của một cỗ máy vũ khí kết hợp, được thiết kế để thực hiện các cuộc đột phá nhanh chóng vào phòng tuyến đối phương.
Chính trong thiết kế xe tăng thế hệ thứ ba, những xe tăng được coi là huyền thoại với sự vượt trội của phương Tây so với của Liên Xô và Nga đã ra đời.
Chiến tranh ủy nhiệm Ukraine phá vỡ huyền thoại của phương Tây
Phải đến mùa hè 2023, trong cuộc phản công của Quân đội Ukraine được NATO hậu thuẫn nhằm vào các vị trí phòng thủ vững chắc của Nga ở Donbass và Zaporozhye, phương Tây mới phát hiện ra rằng nếu không có sự hỗ trợ hiệu quả về không quân, pháo binh, tình báo và rà phá bom mìn, những chiếc xe tăng mới nhất của họ dễ dàng bị đốt cháy như bất kỳ phương tiện quân sự nào khác.
Tình báo nguồn mở đã xác nhận việc hàng chục xe tăng Leopard 1 và Leopard 2 ở Ukraine bị phá hủy, bao gồm cả những mẫu xe mới nhất của Bundeswehr.
Hơn nữa, ít nhất 2 trong số 14 chiếc Challenger 2 được gửi tới Kiev đã bị lực lượng Nga phá hủy trong tuần này sau khi được chuyển ra mặt trận.
Xe tăng Nga tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt đã chứng tỏ ưu thế của kiểu dáng nhỏ gọn, chiều cao thấp hơn, tốc độ vượt trội giúp tăng khả năng tồn tại trên chiến trường trong chiến tranh hiện đại so với xe tăng hiện đại phương Tây.
Pháo chính lớn hơn, mạnh hơn của xe tăng Nga (nòng trơn 125 mm so với pháo nòng trơn 120 mm) cũng đã chứng minh được tầm quan trọng của chúng.
"Bất cứ nhiệm vụ nào được đặt ra trước lực lượng xe tăng Nga, chúng sẽ được thực hiện. Điều đặc biệt là gần đây, phần lớn xe tăng đã thực hiện nhiệm vụ bắn từ các vị trí hỏa lực được bảo vệ, điều mà lực lượng xe tăng Nga đã không làm trong một thời gian dài", Đại tá Nga Sergey Suvorov cho biết.
Vị Đại tá này nói thêm: "Cho đến bây giờ, phương Tây mới nhận ra cần có sự hỗ trợ của hệ thống trinh sát không người lái, không quân, pháo binh... khả năng chiến đấu của lực lượng xe tăng mới thực sự hiệu quả và có thể được nâng lên một tầm cao mới về chất lượng.
Ví dụ về đội xe tăng Alyosha của Nga vận hành một chiếc T-80 nâng cấp tiêu diệt hai chiếc T-72B của Ukraine, một xe bọc thép chở quân M113 và 5 chiếc xe bọc thép chiến đấu do NATO viện trợ trong khi vẫn né tránh thành công hỏa lực của đối phương và kéo chiếc xe tăng bị hư hỏng của đồng đội đến nơi an toàn.
Lực lượng xe tăng hiện đại của Nga có gì đặc biệt?
"Ngày nay, các xe tăng Nga đang sử dụng bao gồm các phiên bản nâng cấp mới của T-72, T-80 và T-90 – bao gồm T-72B3 của mẫu năm 2022, T-80 BVM và T-90M", Suvorov giải thích.
Nhà quan sát nói thêm: "Khi một số người nói vâng, đây là những chiếc xe tăng cũ đã được hiện đại hóa..., họ quên rằng đây là thông lệ được chấp nhận rộng rãi trên toàn thế giới. Người Mỹ thực hiện lần sửa đổi cuối cùng đối với Abrams vào khoảng đầu những năm 2000, người Đức đã làm điều đó với Leopard 2A6, 2A7+", nhà quan sát nói thêm.
Nói cách khác, trong khi thiết kế cơ bản của xe tăng có thể bắt nguồn từ cuối Chiến tranh Lạnh, cả Nga và NATO đã nỗ lực trong nhiều thập kỷ để hiện đại hóa các phương tiện bọc thép hạng nặng để phù hợp với điều kiện chiến tranh đầu thế kỷ 21, trang bị cho chúng hệ thống kiểm soát hỏa lực mới, hệ thống quan sát và điểm ngắm mới, pháo chính được nâng cấp, áo giáp tốt hơn và hệ thống phòng thủ chủ động mới.
"Chúng tôi đã cải tiến hệ thống giáp, hệ thống điều khiển hỏa lực, nạp đạn tự động, hệ thống phòng vệ chủ động, hệ thống quan sát, xe tăng được trang bị các kênh hình ảnh nhiệt, kênh TV, thiết bị theo dõi mục tiêu... cho phép xe tăng có khả năng phòng vệ tốt hơn nhiều và có nhiều lựa chọn khi tấn công so với đối phương", Suvorov kết luận.