Tản văn: Mãi mãi yêu thương người lính

GD&TĐ - Hình ảnh người lính Việt Nam luôn gắn liền với những cuộc kháng chiến trường kỳ.

Minh họa/INT.
Minh họa/INT.

Trong ký ức của người dân Việt Nam, hình ảnh người lính không chỉ là biểu tượng của sự dũng cảm, kiên cường, mà còn là hiện thân của tình yêu quê hương đất nước, sự hy sinh thầm lặng và trái tim ngập tràn nhân ái.

Hình ảnh người lính Việt Nam luôn gắn liền với những cuộc kháng chiến trường kỳ, từ thời chống Pháp, chống Mỹ đến những ngày giữ gìn biên cương Tổ quốc. Họ là những con người bình dị, bước ra từ ruộng đồng, làng quê, hay những con phố nhỏ. Thế nhưng, khi đất nước cần, họ sẵn sàng gác lại cuộc sống yên bình, khoác lên mình màu áo lính và ra đi với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.

Trong những trang sử hào hùng của dân tộc, người lính hiện lên như những tượng đài bất khuất. Họ dầm mưa, dãi nắng trên những con đường Trường Sơn gập ghềnh bom đạn, đào hầm, cõng từng khẩu súng, từng cân lương thực vượt qua núi cao, suối sâu. Họ đối mặt với cái chết không chút run sợ, bởi trong trái tim họ là tình yêu quê hương, là khát vọng hòa bình, là niềm tin vào tương lai tươi sáng của đất nước.

Người lính không chỉ hiện lên trong những trận đánh ác liệt, mà còn trong những khoảnh khắc lặng lẽ giữa chiến trường. Là ánh mắt đăm chiêu của anh lính trẻ thầm đọc bức thư nhà, là tiếng đàn vang lên giữa rừng sâu khi màn đêm buông xuống, là niềm vui đơn sơ khi chia nhau từng miếng lương khô ít ỏi. Những phút giây ấy, người lính hiện lên rất đỗi đời thường, gần gũi, nhưng cũng đầy xúc động.

Tôi nhớ mãi câu chuyện của bác tôi - một người lính đã đi qua những năm tháng chiến tranh khốc liệt. Bác kể, có những ngày giữa chiến trường ác liệt, chỉ cần nhìn thấy lá thư từ quê nhà, nghe được lời chào hỏi từ đồng đội, là mọi mệt mỏi, lo lắng dường như tan biến.

“Chiến trường khắc nghiệt lắm, nhưng chính những tình cảm giản dị ấy đã giúp chúng tôi vượt qua”, bác nói, đôi mắt ánh lên niềm tự hào pha lẫn xúc động. Dù bây giờ bác tôi, người lính đánh Pháp năm xưa đã về cõi vĩnh hằng, song trong trái tim tôi, bác vẫn hiện về sống động, dạt dào tình cảm yêu thương.

Bây giờ chiến tranh đã lùi xa, nhưng hình ảnh người lính vẫn luôn vững vàng trong những công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay. Họ có mặt ở khắp mọi nơi, từ vùng biên cương xa xôi đến những hải đảo giữa trùng khơi vạn dặm. Họ là những người gác trời, gác biển, những người đi đầu trong các trận chiến với thiên tai, dịch bệnh.

tan-van-mai-mai-yeu-thuong-nguoi-linh-2.jpg
Tác phẩm 'Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng của dân tộc anh hùng' của tác giả Nguyễn Công Quang (Hà Nội) đoạt giải A Cuộc vận động sáng tác tranh cổ động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.

Đặc biệt, trong những ngày mưa lũ tràn về miền Trung, hình ảnh người lính dầm mình trong nước lũ, cứu từng cụ già, em nhỏ đã khiến cả nước nghẹn ngào. Trong những ngày đại dịch Covid-19 bùng phát, họ là những người dựng lán trại, vận chuyển nhu yếu phẩm đến từng khu cách ly, đem đến niềm tin và hy vọng cho nhân dân.

Người lính thời bình không chỉ giữ yên bờ cõi, mà còn trở thành những người gieo mầm xanh hy vọng. Ở những bản làng xa xôi, họ dạy trẻ em con chữ, giúp bà con xây nhà, khai hoang ruộng đất. Họ lặng lẽ cống hiến, không ồn ào, không màng đến lời khen, bởi với họ, sự bình yên của đất nước, mang lại nụ cười cho nhân dân chính là phần thưởng lớn nhất.

Những câu chuyện về người lính, dù ở thời chiến hay thời bình, luôn làm tôi xúc động. Bởi hơn cả những chiến công hay sự hy sinh, ở họ tôi thấy được một tình yêu vô bờ bến dành cho quê hương, đất nước.

Đó là thứ tình yêu giản dị nhưng mãnh liệt, cháy lên từ lòng tự hào dân tộc, từ những kỷ niệm tuổi thơ bên bờ tre, mái đình, đồng lúa. Tình yêu ấy đã thôi thúc họ dám đối mặt với hiểm nguy, dám đánh đổi tuổi trẻ, thậm chí cả mạng sống để bảo vệ những giá trị thiêng liêng của Tổ quốc.

Người lính cũng chính là nguồn cảm hứng bất tận cho văn học, âm nhạc và nghệ thuật Việt Nam nói chung. Từ những câu thơ như “Đoàn vệ quốc quân một lần ra đi” đến hình ảnh “anh giải phóng quân mũ tai bèo” hay những khúc ca như “Hò kéo pháo”, tất cả đều tạc nên một tượng đài bất tử về người lính trong lòng dân tộc.

Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, tấm lòng của mỗi người dân nước Việt muốn gửi những lời tri ân sâu sắc nhất đến các thế hệ người lính. Cảm ơn các anh, những người đã và đang cống hiến tuổi thanh xuân, hạnh phúc riêng tư để đổi lấy hòa bình, ấm no cho đất nước.

Dù ở thời chiến hay thời bình, hình ảnh người lính vẫn luôn sáng ngời, là nguồn cảm hứng và tự hào trong trái tim mỗi người dân Việt Nam. Quả vậy, người lính - hai tiếng đơn sơ ấy nhưng chất chứa cả một trời yêu thương và biết ơn.

Dù năm tháng qua đi, nhưng hình ảnh người lính mãi mãi là biểu tượng đẹp nhất trong hành trình gìn giữ và xây dựng đất nước. Từ thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, chúng ta vẫn mãi yêu thương người lính, những người con ưu tú của Tổ quốc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ