Bánh mì ở đây khá to và rất nhiều nhân, ăn kèm với một đồ uống, tổng cộng chỉ mất không quá 60 nghìn đồng. Nó thon dài, vỏ giòn, gần giống loại bánh mì của Pháp đã du nhập vào đây từ thời Pháp thuộc. Với cái bánh mì cá nướng, tôi chọn trà hoa cúc hương lê để thưởng thức cùng. Tôi thích từ “trà” của người Việt, thực tế là tôi thích dùng từ “trà” hơn là từ tiếng Anh bản địa “tea” của chúng tôi.
Hàng cây bên đường tạo bóng mát, giúp con phố trông thật đẹp đẽ, dễ chịu vì màu xanh dịu mắt. Vỉa hè sạch sẽ và mấy bụi cây xung quanh được cắt tỉa theo kiểu Á châu, bên dưới ánh tà dương phai nhạt dần sau vài cửa hàng mới mở và mấy tòa nhà cao tầng bên kia đường.
Nhìn lên cao, tôi chợt nhớ về người Pháp. Vẫn còn nhiều dấu vết của kiến trúc Pháp tại đây, dù đã rất lâu, kể từ năm 1954. Mấy tòa nhà hoành tráng tại các quận trung tâm ở Paris thường có kiểu mái ngắn lợp gạch ngói nghiêng nghiêng màu xám. Tôi đang nhìn thấy một mái nhà giống hệt như vậy, ngay đối diện với quán cà phê thú vị này, nằm trên đường Hàm Nghi duyên dáng.
Trời chạng vạng tối, đến lúc tôi phải về, cũng là lúc phải xịt thuốc muỗi, chúng thích da trắng hồng, còn tôi thì không thể để bị đốt ở bàn chân hay mắt cá chân. Sau khi bị muỗi đốt ở Ấn Độ (vài năm trước), tôi đã không cử động được bàn chân phải. Một bác sĩ nói rằng có thể là do khối u não. Ông khác thì chẩn đoán là một cơn đột quỵ, rồi tôi còn phải kiểm tra xem có bị bệnh động mạch ngoại biên không.
Thật nhẹ nhõm là tôi chẳng bị bệnh nào trong số đó cả. Con gì đó đã cắn tôi ở Goa và gây nhiễm độc phần chân dưới, làm tôi không thể nhúc nhích bàn chân phải. Khi đến Hà Nội lần trước, tôi gặp cảnh ngộ tương tự như vậy trong vài giờ và vội vã đi khám. Chuyện ấy lại xảy ra một lần nữa. Cho nên với tôi, việc tránh bị côn trùng đốt là ưu tiên hàng đầu.
Rời Hàm Nghi, tôi đi qua một con phố khá yên ắng nhưng sẽ dẫn ra một ngã tư cực kỳ đông đúc. Mấy tòa nhà chọc trời xám xịt hai bên đường như xích lại gần tôi, thậm chí giờ đây còn gần hơn nữa vì trời đã tối hẳn. Chân bước nhanh hơn khi tới nút giao, tôi thấy nó giống như tổ ong đầy những hoạt động náo nhiệt, hoàn toàn trái ngược so với dòng chảy trật tự của cuộc sống nhàn hạ tại Hàm Nghi.
Gian hàng bán trái cây. Ảnh: Peter Madden. |
Tiếng ồn tăng lên khi tôi nhìn thấy ngã tư ầm ĩ ken chặt xe cộ. Giống thước phim trong bộ phim hành động, tôi như đi vào một thế giới khác, toàn những khung cảnh đáng kinh ngạc mà tôi chưa bao giờ nhìn thấy, chúng kích thích các giác quan trở nên nhạy bén.
Màu sắc náo loạn đập vào mắt ngay tức thì: Nổi bật, sống động, đậm nét, mở rộng đồng tử của mắt trong khi các giác quan khác đang vật lộn để tiếp thu mọi thứ, bị choáng ngợp trước cảnh quan, âm thanh và các loại mùi.
Khói củi cháy bay lâng lâng, than nóng rực đỏ ánh cam trong các bếp lửa kim loại nhỏ đang tỏa mùi thơm của thịt chín, lấp đầy bầu không khí ẩm ướt. Vô số xe máy tràn đầy năng lượng tăng rồi giảm tốc trong không gian chật ních giới hạn, đổ đầy các làn đường đang tiến đến nhau, cố chen lấn từng centimet mà không va chạm. Mọi người từ khắp nơi ùa ra: Mua sắm, đi dạo, mặc cả, nói chuyện, hò hét.
Các loại trái cây và rau củ nhiệt đới tươi tắn bày thành từng chồng ngay ngắn trên mặt đường, được cân đong và đựng vào các túi nilon. Những tảng thịt đỏ hồng được cắt và thái nhỏ ở vài ba cái bàn kê bấp bênh trên mặt đường gồ ghề, xếp đầy những mõm lợn, móng giò, thịt ba chỉ, gà luộc, gà sống. Mấy con gà bị nhốt trong lồng sắt đặt cạnh bàn đang chờ đến số.
Xa hơn một chút, mấy cái xô đựng cá sống, cá chết, các loài có vỏ như cua, tôm, tép tươi… nhảy tanh tách, tất cả đều giành giật sự chú ý của mắt tôi. Mê mẩn, tôi dừng lại để nhìn kỹ hơn, nín thở quan sát xem những chiếc hộp xốp trắng đựng cái gì.
Thăm thú khu chợ sầm uất, phong phú này là một trải nghiệm khiến bạn cảm thấy mình đang sống và hiện hữu. Một cảnh chợ mà tôi mường tượng rằng, nếu như bỏ mấy cái xe máy ra, vẫn không hề thay đổi trong hàng thế kỷ. Giờ đây, cảnh quan truyền thống này đang tương phản mạnh mẽ với sự phát triển đô thị hiện đại. Điều đó biến Hà Nội thành một nơi vô cùng hấp dẫn để ghé thăm.