Tản văn: Chuyện về cô trò nhỏ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Có ai đó từng bảo, giây phút gặp gỡ ban đầu chưa thể nhìn thấu hết một con người, mà chúng ta phải đi cùng với người ấy đến tận giây phút chia xa

Nữ sinh Thiên Kim. Ảnh: NVCC
Nữ sinh Thiên Kim. Ảnh: NVCC

Có ai đó từng bảo, giây phút gặp gỡ ban đầu chưa thể nhìn thấu hết một con người, mà chúng ta phải đi cùng với người ấy đến tận giây phút chia xa thì có chăng mới nhìn tỏ về người ấy.

Với Thiên Kim thì khác, ngay từ lần đầu gặp trò, tôi đã nhìn thấy ở em sự thông minh sáng dạ và đặc biệt là nụ cười hiền hậu, ấm áp, gần gũi đến hồn nhiên …

Tôi còn nhớ rõ, hôm ấy trong tiết chào cờ đầu tuần, lớp 11A7 đảm nhiệm chuyên mục “Có thể bạn chưa biết?”. Tôi đang loay hoay chuẩn bị loa máy, thì có cô học trò bước đến, cất giọng miền Nam nhẹ nhàng: “Em chào thầy ạ! Em nhờ thầy xem qua kịch bản của chuyên mục giúp em với ạ!”… Tôi đọc qua, bảo em là ổn, và hỏi có hồi hộp không. Em trả lời, chưa khi nào nói trước đông người như buổi chào cờ sáng nay nên cũng có chút hồi hộp. Nhưng rồi, khi chuyên mục bắt đầu, em bước ra dẫn dắt chương trình rất tự nhiên. Kết thúc chuyên mục là một tràng pháo tay kéo dài tán thưởng. Và trong buổi ấy, thầy cô và các bạn rất ấn tượng với chất giọng miền Nam mộc mạc mà ấp áp, dễ thương của em.

Buổi chào cờ kết thúc, tôi thấy em cứ nán lại ở phòng đoàn như có chuyện gì đó muốn thưa gửi nhưng còn e ngại. Đoán được điều ấy, tôi chủ động bảo em cứ mạnh dạn hỏi. Bấy giờ, em mới thưa muốn tôi nhận xét giúp một bài thơ do em tự sáng tác. Tôi cười đồng ý.

Thế là em lấy bút giấy ra hí hoáy chép lại bài thơ “Bố mẹ ra tòa”: “Hôm nay thấy mẹ khóc/ Mẹ ơi là tại sao?/ Xoa đầu, mẹ khẽ bảo/ Đừng bận tâm lo xa!// Hôm nay thấy bố lạ/ Chẳng quan tâm nhà ta/ Bố trong tay người lạ/ Người đàn bà phấn hoa// Hôm nay đi học về/ Bố mẹ lại cãi vã/ Chẳng biết làm gì cả/ Con ngồi khóc thật lâu// Mai bố mẹ ra tòa/ Mỗi người chia mỗi ngả/ Chẳng biết làm gì cả/ Con ngồi khóc thật lâu// Ngày mai hoàng hôn xuống/ Ráng đỏ nặng cánh diều/ Chim ơi chờ ta nhé/ Khoan về nơi tịch liêu”.

Đọc xong bài thơ, tôi có cảm giác như có cái gì nghèn nghẹn ở cổ. Em chia sẻ thêm, bài thơ em viết lâu rồi - viết trước ngày bố mẹ em ra tòa. Sau đó, em ở với mẹ nhưng mẹ cũng phải một mình bươn chải kiếm sống nên em đã chủ động về quê học trường làng cho mẹ đỡ vất vả hơn.

Sau này, tôi có gửi bài thơ cho nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, đọc xong nhà thơ có nhắn tin cho tôi rằng: “...Đọc xong bài thơ chỉ biết ngẩn ngơ, buồn bã, đau đớn và một câu hỏi cuộc đời đến thắt lòng”. Tôi cũng có chia sẻ bài thơ ấy vào nhóm giáo viên cùng trường. Nhiều thầy cô sau khi đọc đã nhắn riêng cho tôi, rằng Thiên Kim là cô bé ngoan học giỏi và rất lạc quan nhưng nay mới biết được hoàn cảnh của em sau khi đọc bài thơ. Tôi không dạy lớp em, nhưng nhìn vào thành tích học tập của em thì những lời nhận xét của các đồng nghiệp là rất chính xác. Năm lớp 12 này, em thi đạt học sinh giỏi tỉnh.

Thi thoảng, Thiên Kim gửi cho tôi một số bài thơ em vừa sáng tác. Đọc những vần thơ của em mới cảm nhận được một tâm hồn đầy đa cảm. Một ngọn gió, một cánh hoa hay một tia nắng cũng khiến tâm hồn em rung động. Tôi đã chọn một số bài thơ của em và gửi đến Ban biên tập Báo Giáo dục và Thời đại. Thật may mắn, những bài thơ ấy đã được đăng ở chuyên mục thơ trên các số báo ra ngày Chủ nhật. Ngoài bài thơ “Bố mẹ ra tòa”, Ban biên tập còn chọn đăng: “Nhớ mẹ”, “Chia tay”, “Chút vương vấn mùa”…

Ngoài học giỏi, em cũng là một đoàn viên rất nhiệt huyết với các phong trào của Đoàn, đặc biệt là với các hoạt động của câu lạc bộ. Em vừa là thành viên câu lạc bộ truyền thông, vừa là thành viên câu lạc bộ đọc sách. Với vai trò nào, em cũng tham gia cống hiến hết mình.

Nữ sinh Thiên Kim (thứ 2 từ phải qua) chụp hình kỷ yếu cùng bạn bè. Ảnh: NVCC

Nữ sinh Thiên Kim (thứ 2 từ phải qua) chụp hình kỷ yếu cùng bạn bè. Ảnh: NVCC

Trong những ngày phượng cháy đỏ sân trường, nhớ lại khoảng thời gian vừa mới đi qua, tôi mới cảm nhận hết được niềm đam mê đọc sách của em. Cứ đọc được quyển sách hay là em lại chia sẻ với tôi. Nhớ có lần, câu lạc bộ quyên góp sách cho thư viện trường, em tất tả đến từng lớp đi vận động. Cả tuần liền nhưng kết quả cũng không được như ý muốn. Thế rồi, em quyết định tặng thư viện cả những quyển sách mình yêu thích đã gìn giữ từ lâu.

Ngoài đam mê đọc sách, Thiên Kim cũng rất hào hứng với các dự án của câu lạc bộ truyền thông. Em là một trong những thành viên đầu tiên tham gia viết kịch bản, xây dựng các video ngắn giới thiệu về các hoạt động cho câu lạc bộ. Có lần, tôi nhờ em cùng các bạn quay một video giới thiệu về phòng đọc sách của các anh chị khóa trước xây dựng. Em đã tỉ mẩn cùng các bạn dàn dựng, hoàn thành sản phẩm giới thiệu rất hấp dẫn.

Những ngày cuối cùng của quãng đời học trò, tôi hỏi em về dự định tương lai. Em cho biết sẽ thi vào ngành truyền thông, muốn vươn tới ước mơ được đi đây đi đó để giới thiệu với mọi người về những giá trị văn hóa tinh thần, những nét đẹp văn hóa truyền thống Việt Nam.

Cũng trong những ngày Hè sắp chia xa bè bạn, mái trường, thầy cô, em có gửi cho tôi mấy bài thơ. Em nhắn “có nhiều điều muốn viết nhưng cảm xúc những ngày này không thể viết hết, em chỉ viết chắp nối mấy dòng có gì thầy sửa giúp...”. Vẫn vậy, thơ Thiên Kim mộc mạc, hồn nhiên. Nhưng ngẫm kĩ giờ đây có gì đó phảng phất một nỗi buồn. Đọc xong rồi, dư âm cứ đọng mãi, tôi không dám nỡ sửa câu nào. Em viết... “Cây trái rồi cũng già/ Vạn vật cũng đổi khác/ Thời gian làm tan tác/ Những trong trắng ngày xưa/ Xuân nào còn mắt biếc/ Tới Hạ đã chia xa/ Vào Thu lòng buồn bã/ Đông, người còn nhớ ta?”. Trong một bài khác, vẫn diết da nỗi buồn, Thiên Kim viết: “Một mùa phượng về trong tim/ Tiếng ve râm ran trong nhớ/ Bức ảnh cuối cùng mắc nợ/ Bạn bè một khuôn mặt cười…”.

Có lẽ, trong quãng thời gian dài làm nghề dạy học, tôi chưa từng gặp một học trò nào có tâm hồn thơ lãng mạn, trong trẻo mà đầy âu lo, dự cảm như em. Tôi muốn em sẽ thành một nhà truyền thông năng động và thông thái…

Là tôi mong thế, nhưng trong khoảnh khắc này, khi đặt bút viết những dòng cuối cùng, không hiểu sao những vần thơ của em lại khiến tôi day dứt:

“Từ ngày mẹ đi bước nữa/ Con về bạn bầu với quê/ Cánh đồng ngả màu sương khói/ Lòng còn chợt hỏi mai sau…?(…) Nhớ mẹ con leo lên núi/ Gió hoang trêu lá tiêu điều/ Vọng về lời ru ngọt đắng/ Một bầu trời sáng ước mơ”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thanh niên tình nguyện luôn đồng hành cùng thí sinh suốt kỳ thi.

Nụ cười rạng rỡ xua tan áp lực mùa thi

GD&TĐ - Trong ngày đầu tiên của Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, hơn 1 triệu thí sinh trên cả nước đã vững tin vào phòng thi và rời phòng thi với nụ cười rạng rỡ.