Tản văn: Tháng Tư về...

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tôi đã đi qua nhiều tháng Tư, trong hành trình cuộc đời, nhưng tháng Tư đặc biệt ấy, không bao giờ quên.

Trung tâm thị trấn Nghèn, Can Lộc, Hà Tĩnh hôm nay. Ảnh: Đức Hành
Trung tâm thị trấn Nghèn, Can Lộc, Hà Tĩnh hôm nay. Ảnh: Đức Hành

Tháng Tư của cả nước cùng ra trận, tháng của đất nước sang trang, của tình yêu và hạnh phúc.

Quê tôi giữa vùng “túi bom” nên khi lên cấp 3 trường còn đóng ở một địa điểm sơ tán cách nhà non 12 cây số. Năm 1975, tôi vừa tròn tuổi trăng rằm, buổi sáng phải líu lo, đi trên đường chân phải đá vào một thứ gì đó.

Năm ấy, học buổi chiều. Để kịp đến trường, thường 10 giờ sáng, lũ chúng tôi năm bảy đứa nhà nghèo sau khi làm mấy lưng cơm, ới nhau đi bộ đến trường. Nắng cũng như mưa. Tháng Tư năm ấy thật đẹp, đầu hè nắng non, gió thổi mơn trớn gọi mùa.

Con đường đến trường qua trung tâm thị trấn. Ngay ngã ba nơi bọn trẻ rẽ thuận chiều, các bác, các chú trên huyện dựng lên tấm pano vẽ bản đồ miền Nam to lắm. Nó được treo lên trên khung tre. Tỉnh nào được giải phóng, đều được người lớn, sau này mới biết đó là các anh làm công tác thông tin tuyên truyền, quét lên màu đỏ rực.

Mỗi ngày đến trường, lũ trẻ thường dừng lại dưới chân tấm pano bản đồ ấy, chỉ trỏ, rì rầm sung sướng. Qua mỗi ngày thêm một hoặc vài tỉnh được sơn lên màu đỏ. Cứ thế mà mừng, sắp giải phóng rồi.

Sinh ra, lớn lên dưới đạn bom, tôi nằm hầm. Hết hầm chữ A, đến hầm tròn, men theo hào liên lạc. Tôi từng đội mũ rơm đi học đường dài. Tôi từng chứng kiến những đêm làng xóm thân yêu bùng lên sau trận bom napan thảm khốc. Sau trận bom ấy, làng tôi có ngày giỗ chung mấy chục người, từ trẻ đến già...

Quê tôi, giữa ngã ba đường huyết mạch, có cầu lớn nằm trên con đường đó. Dĩ nhiên, đó là tọa độ lửa. Dòng sông quê hương trở thành dòng sông bi hùng trong truyện ngắn của nhà văn Trần Đắc Túc.

Nhiều đêm, giấc ngủ vừa đến tôi đã từng giật mình vì người lớn đánh kẻng gọi nhau đi cứu đoàn xe chở hàng vào mặt trận. Cầu sập. Xe chưa qua, nhà chưa tiếc. Nhà thờ họ, ngôi nhà mình ở, biết bao bia đá, cổng làng... đã được dỡ đi lát đường cho xe qua.

Bia tưởng niệm 1.226 người dân Can Lộc ngã xuống trên mặt trận bảo đảm giao thông vận tải ở chiến trường Đồng Lộc những năm tháng chống Mỹ cứu nước. Ảnh: Đức Hành.

Bia tưởng niệm 1.226 người dân Can Lộc ngã xuống trên mặt trận bảo đảm giao thông vận tải ở chiến trường Đồng Lộc những năm tháng chống Mỹ cứu nước. Ảnh: Đức Hành.

Cũng do ở ven đường, tôi từng được theo mẹ, theo bố ra đường khi xe chở thương binh nặng từ phía Nam ra dừng lại, lúc đi qua làng. Người có trứng mang trứng, người có hoa trái gì trong vườn mang ra thứ ấy.

Tôi từng ám ảnh mãi, khi nhìn thấy cánh cửa phía sau của xe ca mở. Nhiều chú bộ đội thân mình quấn toàn băng trắng, nhiều người bị cụt tay, mất chân, chỗ vết thương vẫn còn rỉ máu, qua lớp băng màu trắng...

Những năm tháng thật hãi, thật khó hình dung, khó tưởng tượng.

Các anh, các chị sau kế lớp trước, đến tuổi lên đường nhập ngũ. Thật sự, thời ấy, lý tưởng đẹp nhất là ra trận.

Thời bé, tôi hay chạy theo người lớn đến mọi nơi. Vẫn nhớ, những đám cưới của các anh trước ngày ra trận trong hôn trường bao giờ cũng có những câu khẩu hiệu như: “Anh ra đi như chim vỗ cánh/Em ở nhà mọi việc đảm đang”, hoặc “Lấy chồng bộ đội được làm dâu Bác Hồ”...

Ngày chia tay của lứa đôi, thật bịn rịn. “Giấu một chùm hoa sau chiếc khăn tay,/Cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm,/Bên ấy có người ngày mai ra trận…”, bài thơ “Hương thầm” của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, cứ thế mà hay.

Nhiều trai làng ra đi không trở về. Có anh trở về không còn lành lặn. Không hiếm người bị sức ép đạn bom, bị thương trên chiến trường, khi trở về bị thần kinh ở nhiều mức độ khác nhau.

Thương nhất vẫn là anh Mạnh. Anh nổi tiếng về bắt cá ngoài đồng, trên sông, lũ chúng tôi ngưỡng mộ. Sau khi đi trở về làng, anh trở thành người tâm thần. Rồi anh mất, trong sự đau xót của xóm làng.

Sau này lớn lên tôi mới biết đến câu “Chiến tranh không phải trò đùa”. Đúng là không phải như trò chơi đánh trận giả của thời thơ bé, sau những đống rơm trên sân kho hợp tác, mỗi kỳ thu hoạch.

Tháng Tư năm 1975, vì thế thật đặc biệt. Lũ chúng tôi không còn phải chui hầm, ra cánh đồng làng chăn trâu không còn phải vểnh tai lên nghe tiếng kẻng báo động. Được đi học trong hòa bình, có nhiều mơ ước...

Bây giờ đã là tháng Tư. Mộc miên vẫn thắp đỏ trời nhung nhớ. Và loa kèn biểu tượng cho sự trong trắng, tinh khiết, nhẹ nhàng, dịu dàng của người phụ nữ biết hy sinh đợi chờ đã khoe sắc, bung cánh đất trời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Máy bay B-2 Spirit gặp sự cố gãy càng khi hạ cánh.

B-2 Spirit đã lỗi thời về mọi mặt

GD&TĐ - Mỹ quyết định loại biên chiếc B-2 Spirit thứ hai kể từ năm 2008, giảm phi đội máy bay ném bom tàng hình bí mật của nước này xuống còn 19 chiếc.