Tân Uyên phát triển kinh tế từ sản phẩm OCOP

GD&TĐ - Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã và đang nâng cao giá trị sản xuất ngành nông, công nghiệp, giúp người dân Tân Uyên tăng thu nhập.

 Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã và đang nâng cao giá trị sản xuất ngành nông, công nghiệp của Tân Uyên.
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã và đang nâng cao giá trị sản xuất ngành nông, công nghiệp của Tân Uyên.

Nhiều sản phẩm OCOP đạt ba sao trở lên

Xác định chương trình OCOP có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của nền kinh tế - xã hội ở địa phương, thị trấn Tân Uyên đã quan tâm, chú trọng thực hiện bằng nhiều giải pháp. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa của chương trình đến nhân dân trên địa bàn; vận động các hộ dân chuyển đổi cây trồng 1 vụ sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao; chuyển hướng chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ sang nuôi đàn gia súc tập trung.

Tính đến hiện tại, thị trấn Tân Uyên (huyện Tân Uyên) có 14 sản phẩm đạt 3-4 sao của 6 chủ thể, hầu hết ở lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến. Qua đó, nâng cao giá trị sản xuất của ngành nông, công nghiệp; đồng thời giúp người dân tăng thu nhập, mạnh dạn chuyển đổi hướng phát triển kinh tế làm giàu với các loại cây trồng, vật nuôi tiềm năng.

Tại của gia đình anh Phan Thanh Quang – tổ dân phố 5, thị trấn Tân Uyên, vườn cây ăn quả xanh mướt, sai trĩu quả, mỗi năm cho thu nhập vài trăm triệu đồng đã thay chỗ cho khu đất cấy lúa, trồng màu kém hiệu quả trước đây.

Được biết, khu vườn của anh Quang có khoảng 500 gốc ổi, 300 gốc bưởi, 300 gốc nhãn, vài chục gốc thanh long.

Anh Quang cho biết: Gia đình tôi trồng cây ăn quả đã nhiều năm rồi. Để đảm bảo quả ngon, ngọt, đáp ứng theo tiêu chí “sạch” của người tiêu dùng, gia đình tôi tuân thủ theo quy trình chăm sóc VietGap; mọi khâu đều thực hiện khép kín, từ việc kiểm soát đầu vào kỹ lưỡng cho tới việc đảm bảo đầu ra an toàn, chất lượng. Với tiêu chí “chất lượng là hàng đầu”, chúng tôi nghiên cứu, bào chế ra các chế phẩm sinh học để xua đuổi côn trùng thay vì dùng thuốc bảo vệ thực vật; phân bón cho cây cũng là phân hữu cơ đã qua xử lý và bón theo đúng chu kỳ, liều lượng. Chúng tôi thường xuyên kiểm tra đất, nước để nắm được các yếu tố độc hại ảnh hưởng đến sự phát triển của cây và chất lượng quả; hàng năm gửi mẫu kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Năm 2021, gia đình anh Quang có 3 sản phẩm ổi, nhãn, bưởi Quang Lê được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Nhờ đó, việc tiêu thụ dễ dàng hơn và giá thành sản phẩm ở mức cao hơn so với các hộ trong vùng chưa có thương hiệu.

Anh Phan Thanh Quang – tổ dân phố 5, thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc ổi đạt chuẩn OCOP 3 sao.

Anh Phan Thanh Quang – tổ dân phố 5, thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc ổi đạt chuẩn OCOP 3 sao.

Trung bình mỗi năm, gia đình anh Quang xuất ra thị trường gần 30 tấn ổi, với giá dao động từ 25-30.000đ/kg; 8 tấn bưởi; hàng chục tấn nhãn lồng. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là ở trong tỉnh.

Ngoài 3 sản phẩm quả của gia đình anh Quang, trên địa bàn thị trấn Tân Uyên còn có các sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên như: nhân hạt mắc-ca Tân Uyên; xúc xích heo, thịt trâu sấy, thịt lợn sấy Nhiễu Kiên; măng tây xanh Trọng Nghĩa; cà chua Socola; trà shan tuyết Than Uyên; dưa lưới vàng. Điều đáng nói là các sản phẩm này ngay khi đạt chuẩn OCOP đã có mặt tại các siêu thị trong và ngoài tỉnh; được tiêu thụ với số lượng lớn. Hiện nay, các mặt hàng hàng không đủ đáp ứng nhu cầu của người dân trong tỉnh.

Tập trung triển khai chương trình OCOP đến các hộ sản xuất kinh doanh

Ông Vũ Thế Anh – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tân Uyên cho biết: Hiện nay, thị trấn đang tập trung triển khai chương trình OCOP đến các hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Bởi vì các hộ này mạnh dạn đầu tư, đổi mới sáng tạo trong quá trình sản xuất. Đây là động lực để Nhân dân học tập và noi theo. Đối với chương trình OCOP, thị trấn phối hợp với Ngân hàng tạo điều kiện cho các gia đình vay vốn để mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp, chế biến. Khuyến khích các hộ tập trung vào các lợi thế, tiềm năng của tỉnh để tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao gắn với tiêu thụ. Cùng với đó, địa phương áp dụng Nghị quyết 07 của HĐND tỉnh và một số chính sách khác về hỗ trợ sản xuất nông nghiệp cho các hộ có động lực tham gia. Mới đây, chúng tôi tổ chức cho các hộ đi tham quan một số địa phương để áp dụng học hỏi và phát triển sản phẩm OCOP.

Được biết, hiện tại, lợi thế của thị trấn Tân Uyên để phát triển sản phẩm OCOP đó là cây ăn quả; chăn nuôi đại gia súc, gia cầm; chè. Đến thời điểm này, toàn thị trấn có trên 853 ha chè, gần 500 ha cây mắc – ca, hàng trăm ha cây ăn quả các loại; tổng đàn gia súc 4.741 con, tổng đàn gia cầm 39.320 con…

Từ nay đến cuối năm, thị trấn Tân Uyên tiếp tục hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện hồ sơ của các sản phẩm để tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP đợt 2 năm 2022, gồm: giò lợn, gà ủ thảo dược, lạp sườn, bột dinh dưỡng mắc-ca. Đồng thời, vận động các hộ dân tiếp tục chuyển đổi cây 1 vụ sang trồng cây ăn quả, chanh leo; hướng đến phát triển sản phẩm OCOP từ các loại quả có tiềm năng, phù hợp với khí hậu, tài nguyên đất, nước của địa phương. Từ đó, từng bước khẳng định nền kinh tế đang trên thăng tiến mạnh mẽ sau hơn 2 năm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ