Tán tỉnh bằng hoa kiểu Nga

GD&TĐ - Bạn thường thấy cảnh cô gái hoặc chàng trai yêu đơn phương đang vừa rứt cánh hoa vừa lẩm bẩm 'yêu, không yêu' trong các bộ phim lãng mạn.

Nam thanh nữ tú Nga thuộc nằm lòng ý nghĩa các loài hoa. Ảnh: Rbth.com
Nam thanh nữ tú Nga thuộc nằm lòng ý nghĩa các loài hoa. Ảnh: Rbth.com

Quý bà Mary Wortley Montagu (1689 - 1762) của Anh từng viết: “Không có loài hoa nào lại không có câu thơ tương ứng với nó và bạn có thể bày tỏ mọi cảm xúc, thái độ bằng cách mượn tên hoa”. Tuy nhiên, người Nga mới là dân tộc thành thạo dùng hoa để giao tiếp với nhau nhất.

Gốc gác Thổ Nhĩ Kỳ

Bạn thường thấy cảnh cô gái hoặc chàng trai yêu đơn phương đang vừa rứt cánh hoa vừa lẩm bẩm “yêu, không yêu” trong các bộ phim lãng mạn. Thú vị là cách bói tình yêu này có từ rất xa xưa.

Dân tộc đầu tiên bói tình yêu bằng hoa có lẽ là người Ai Cập. Từ thời trước Công nguyên, họ đã xem hoa cúc là loài hoa thần thánh và dùng nó để đoán tâm ý của đối phương. Tại châu Âu, bói tình yêu bằng hoa đến muộn hơn, vào thế kỷ XVIII. Song cũng chính tại đây, việc mượn hoa bày tỏ nỗi lòng sớm nở rộ và lan rộng, bắt rễ sâu hơn ở bất cứ đâu.

Quý bà Montagu là quý tộc kiêm nhà thơ sống ở Istanbul với chồng là Đại sứ Anh tại Đế chế Ottoman. Nhờ chồng, bà hiểu biết rất nhiều về văn hóa và thời trang Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là trào lưu nghệ thuật Turquerie thịnh màu sắc tươi sáng và độ tương phản rõ nét.

Khi quý bà Montagu còn sống, ít ai biết đến những trang viết của bà về Turquerie nhưng, sau khi bà qua đời một năm và những trang viết này được gửi đến nhà xuất bản ở London, ai nấy đều mê cuồng. Bởi vì, bắt đầu từ thời điểm này, châu Âu bị mê muội bởi Turquerie.

Phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ vô cùng thành thạo trò chơi selam – “xuất khẩu thành thơ” cho các vật, việc, sự kiện xung quanh. Họ khéo léo tìm từ ngữ có cùng vần điệu với vật, biến mỗi vật trở thành một đại diện cảm xúc.

“Không có màu sơn, loại hoa, cây cỏ dại, hòn đá, sợi lông vũ… nào mà lại không có một câu thơ tương ứng với nó. Và, bạn có thể nói chuyện bình thường, tán tỉnh, từ chối khéo, thậm chí cãi cọ, chửi bới người khác mà không cần phải thốt ra bất cứ từ ngữ tục tĩu nào”, quý bà Montagu viết.

Xã hội Anh vốn chuộng sự tế nhị nên lập tức bị selam cuốn hút. Người ta lấy màu sắc làm hiển thị, đặt cho mỗi màu một ý nghĩa khác nhau và thông qua đó bí mật bộc lộ các cảm xúc riêng tư.

Đa dạng và lưu truyền

Quý bà Mary Wortley Montagu, người giúp 'ngôn ngữ của các loài hoa' lan tỏa. Ảnh: Rbth.com

Quý bà Mary Wortley Montagu, người giúp 'ngôn ngữ của các loài hoa' lan tỏa. Ảnh: Rbth.com

Hoa là vật phong phú màu sắc nhất. Gần như ngay sau khi các trang viết của quý bà Montagu được xuất bản, “ngôn ngữ của các loài hoa” cũng xuất hiện và có mặt khắp châu Âu. Nó đặt cho mỗi loài hoa một giá trị cảm xúc và nhanh chóng được dịch, xuất bản ở Nga.

Năm 1830, nhà thơ Nga nổi tiếng - Dmitry Oznobishin (1804 - 1877) cho xuất bản Salem, hay ngôn ngữ các loài hoa (Selam, or Language of Flowers). Trong lời tựa, ông tiết lộ cơ sở của “ngôn ngữ các loài hoa” là tài liệu liên quan được viết bằng tiếng Đức.

Trong “Salem, hay ngôn ngữ các loài hoa”, nhà thơ Oznobishin giải thích ý nghĩa của từng loài hoa. Đặc biệt, ông vô cùng tập trung vào những loài mang ý nghĩa bộc lộ tâm tư yêu đương giữa trai và gái. “Hoa mơ – Anh yêu em bằng tất cả trái tim chân thành. Hoa keo – Tình yêu là phương thuốc chữa lành vết thương từ tình yêu.

Hoa lô hội – Em đã khiến anh buồn. Hoa thạch thảo – Liệu em có thật sự yêu anh không? Hoa húng tây – Hãy sát lại gần hơn, chỉ có thể em mới nhận ra anh! Hoa móng tay – Em tỏa sáng như nữ hoàng nhan sắc. Hoa bạch dương – Hãy theo anh và đôi ta sẽ hạnh phúc.

Hoa thường xuân – Suốt đời suốt kiếp không quên lời thề hẹn. Hoa cần độc – Tình yêu bất chấp cả tử thần. Hoa táo gai – Anh thích em ca hát. Hoa cơm cháy – Em làm lơ anh. Hoa góa phụ - Anh buồn. Hoa thạch nam – Hẹn gặp lại em. Hoa nho – Hãy chỉ yêu và tận hưởng tình yêu.

Hoa anh đào – Anh yêu em hoàn toàn trong sáng. Hoa kế - Em đã xúc phạm anh. Hoa cẩm chướng – Anh đang mòn mỏi vì đợi em. Hoa cẩm tú cầu – Đồ tàn nhẫn! Sao em nỡ quên anh nhanh thế? Hoa diên vĩ – Sao em lại quấy nhiễu sự thanh tịnh trong lòng anh? Hoa xương rồng – Anh chỉ có em thôi, sao em nỡ vô tình thế? Hoa lúa mỳ - Cứ kiêu kỳ đi! Em vẫn thành của anh mà thôi.

Một trang trong Selam, hay ngôn ngữ các loài hoa của nhà thơ Dmitry Oznobishin. Ảnh: Rbth.com

Một trang trong Selam, hay ngôn ngữ các loài hoa của nhà thơ Dmitry Oznobishin. Ảnh: Rbth.com

Hoa oải hương – Anh không hiểu nổi em. Hoa huệ - Anh yêu thầm em từ lâu. Hoa hồng trắng – Em ruồng rẫy tình yêu của anh, anh đến chết mất. Hoa hồng vàng – Em có đang yêu anh thật không? Hoa hồng đỏ - Em đã chiếm được trái tim anh…”.

Kể từ khi “Salem, hay ngôn ngữ các loài hoa” có mặt, người Nga như thể có được kho từ vựng tình yêu khổng lồ. Ai nấy nỗ lực tra “từ điển”, học thuộc lòng và sử dụng loài hoa thích hợp với cảm xúc của mình để kín đáo bày tỏ cho đối phương biết.

Trong khi ở Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ phụ nữ thông thạo “selam” thì ở Nga, đàn ông cũng thuộc nằm lòng. Bất kể là đàn ông tầng lớp thượng lưu hay trai tráng tầng lớp bình dân, ai cũng nhớ hết ý nghĩa của các loài hoa và mạnh dạn nhờ hoa nói hộ nỗi lòng.

Ngày nay, người Nga vẫn say mê dùng hoa bày tỏ tình cảm như xưa. Ở các thành phố, gần như cứ mỗi 100m đường sá lại có một cửa hàng hoặc xe bán hoa. Văn hóa Nga ấn định một quy tắc với tặng hoa là tuyệt đối không dùng số chẵn (vì số hoa chẵn dùng trong tang lễ). Nếu muốn ngỏ lời với chàng trai hay cô gái Nga nào, bạn hãy nhớ làm bó hoa số lẻ và đừng ngần ngại đưa tặng.

Theo rbth.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.