Gấp rút sơn sửa, chỉnh trang
Tính đến đầu tháng 3/2019, khối lượng xây lắp dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành khoảng 99% và đang vào giai đoạn nghiệm thu hoàn thành bộ phận, tiến tới nghiệm thu hoàn thành công trình, chuẩn bị công tác bàn giao dự án cho Hà Nội để vận hành khai thác.
Ngày 6/3, quan sát của PV Báo Giao thông tại các ga Văn Quán, Hà Đông, quầy vé, máy bán vé tự động, cổng soát vé tự động, hệ thống camera, bảng chỉ dẫn điện tử, thang máy… đã được lắp đặt vào vị trí. Ga này đã được bố trí cây phục vụ nước uống tự động. Nhà vệ sinh dành riêng cho hành khách cơ bản đã hoàn thiện. Dù vậy, đến nay các ga này vẫn chưa hoàn tất thi công, còn một số hạng mục đang được hoàn thiện như: Hệ thống chống cháy, mái che thang máy cuốn, sơn sửa, vệ sinh công nghiệp. Hiện cầu thang từ sảnh ga lên ke đợi tàu được ngăn bằng hàng rào sắt, có cầu thang bịt kín để ngăn đi lại. Bên trong ga đang chuẩn bị trang trí cảnh quan tạo thẩm mỹ hay khu vực cung cấp dịch vụ tiện ích.
Giá vé tàu Cát Linh - Hà Đông được UBND TP Hà Nội dự kiến ở mức 8 -15 nghìn đồng/vé lượt (tính theo quãng đường đi); 30 nghìn đồng/vé ngày và 200 nghìn đồng/vé tháng dành cho khách phổ thông. Ngoài ra, có cơ chế miễn, giảm giá vé cho đối tượng ưu tiên. Theo Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT), đến nay chưa ga nào trong tổng số 12 ga của tuyến Cát Linh - Hà Đông hoàn thành toàn bộ. Tuy nhiên, khối lượng công việc còn lại không nhiều, chủ yếu là chỉnh trang, dọn dẹp vệ sinh trong thời gian làm thủ tục chờ nghiệm thu, bàn giao cho Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội.
Ông Nguyễn Văn Thái, Phó phòng Dự án 2 của Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, các hạng mục liên quan đến dịch vụ, tiện ích cho khách hàng sẽ do đơn vị tiếp nhận quản lý, vận hành triển khai.
Giới thiệu về cách thức đi lại tại ga, ông Thái cho biết, các lối cầu thang từ vỉa hè dẫn lên sảnh ga, ke ga đợi tàu đều có thang máy, thang bộ. Khi các ga đi vào khai thác, thang máy đưa khách theo chiều lên, còn đi xuống bằng thang bộ, riêng người khuyết tật có thang máy đưa thẳng từ vỉa hè lên ke ga.
Tại sảnh ga có máy và quầy bán vé tự động, vé tàu giống thẻ ATM. Sau khi có vé, khách quẹt thẻ tại cổng soát vé tự động đặt tại sảnh để lên ke ga đợi tàu, đến ga xuống cũng phải quẹt thẻ để kiểm soát chiều ra. Hệ thống thu soát vé tự động tại một ga có năng lực soát vé từ 125 khách/phút trở lên; năng lực máy bán vé tự động tại một ga từ 40 người/phút trở lên.
“Hiện dự án đang chờ cơ quan chức năng quyết định mức giá vé cụ thể để cài đặt phần mềm vào hệ thống máy bán vé, phần mềm kiểm soát vé”, ông Thái cho biết.
Sẽ có nhiều dịch vụ tiện ích
Cổng soát vé tự động tại các nhà ga đã hoàn thành lắp đặt, đang trong giai đoạn chờ giá vé để cài đặt phần mềm. Ảnh: Huy Lộc
Liên quan đến các dịch vụ tiện ích trên tàu, nhà ga, ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) cho biết, tại các nhà ga sẽ có cây rút tiền tự động ATM, máy bán hàng tự động, cửa hàng ăn nhanh, cửa hàng tiện ích, cho thuê biển quảng cáo, tuyên truyền.
Cũng theo ông Trường, việc khai thác dịch vụ tại các ga được thực hiện thông qua đấu thầu thuê địa điểm nhằm lựa chọn đối tác tốt nhất, cung cấp dịch vụ tốt nhất cho thành phố, hành khách. Ngoài ra, công ty cũng tổ chức trông giữ xe máy, xe đạp cho khách đi tàu trong phạm vi thuộc mặt bằng các nhà ga.
Ông Nguyễn Ân, chuyên gia về đường sắt cho rằng, trong thời gian đầu khai thác, các nhà ga có thể tổ chức các dịch vụ “ăn theo” như: ăn nhanh, đổi tiền (cho khách nước ngoài).
“Ở các nước không cấm hành khách đi tàu ăn uống trên tàu đô thị, nhưng họ chủ yếu ăn đồ khô. Còn văn hóa ẩm thực của khách đi tàu sẽ khá đa đạng, thậm chí không phù hợp. Vì vậy, trong giai đoạn đầu khai thác, trên mỗi toa tầu cần có vài người hướng dẫn kiêm kiểm soát hành khách trên tàu để tạo văn hóa đi lại bằng tàu điện”, ông Ân nói.
Liên quan đến việc kết nối hệ thống giao thông công cộng giữa các nhà ga, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông Hà Nội cho biết, đơn vị đang lên phương án kết nối các tuyến xe buýt với các ga trên tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Dọc hành lang tuyến đường sắt hiện có 43 tuyến xe buýt, dự kiến khoảng 30 tuyến buýt được tổ chức lại để tăng cường kết nối với 12 nhà ga, trong số này có 5 tuyến song song với đường sắt sẽ giảm tần suất chạy xe xuống một nửa, nhưng tăng tần suất của 3 tuyến kết nối với ga Yên Nghĩa (72, 91, 102), mở thêm 3 tuyến từ ga Yên Nghĩa tới các khu vực chưa có xe buýt. Cùng đó, bố trí 65 vị trí điểm dừng dọc lộ trình tuyến đường sắt đô thị, trong đó bổ sung 17 điểm, di chuyển 9 điểm. Các điểm dừng xe buýt hiện đã tiếp cận với các ga được giữ nguyên, còn các điểm khác được tổ chức cách ga 100 - 500m để khách đi lại thuận lợi.
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, hầu hết các khu gian nhà ga tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đều có thể bố trí đỗ xe máy, xe đạp phục vụ hành khách tại gầm cầu thang hoặc vỉa hè xung quanh. Sắp tới, Sở GTVT tổ chức thành điểm trông giữ xe hai bánh cho khách đi tàu tại 10/12 ga đường sắt Cát Linh - Hà Đông tại gầm cầu thang nhà ga hoặc vỉa hè, riêng ga La Thành (phố Hoàng Cầu) do bị hạn chế về không gian có thể chỉ bố trí nơi gửi xe được một bên, ga Thượng Đình không bố trí được. Tại các vị trí ga không bố trí được điểm đỗ xe, Sở GTVT sẽ đề nghị UBND quận nơi có ga nghiên cứu, đề xuất vị trí điểm trông giữ xe phù hợp.