Việc thêm nhiều rào cản với doanh nghiệp (DN) NK ô tô và thay đổi đề xuất ưu đãi với thuế linh kiện ô tô sản xuất trong nước đã khiến không ít người tan vỡ giấc mơ ô tô giá rẻ.
Cú xoay chiều đầy thất vọng
Theo đúng lộ trình cam kết trong Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA), kể từ 1/1/2018, Việt Nam phải xoá bỏ thuế quan của 90 dòng thuế NK từ ASEAN, trong đó có ô tô nguyên chiếc.
Theo đó, thuế NK ô tô nguyên chiếc các loại giảm xuống 0%, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe dưới dung tích 2.0L sẽ giảm từ 45% xuống 40%, xe dung tích dưới 1.5L còn 35%... Với những chính sách mới về thuế NK, nhiều người kỳ vọng năm 2018 giá xe ô tô sẽ giảm mạnh. Tuy nhiên, thay vì giá giảm như mong đợi, giá xe ô tô trong tháng đầu tiên của năm 2018 lại đang có xu hướng tăng lên.
Chẳng hạn như với hãng Toyota, sau khi chương trình khuyến mãi tháng 12/2017 kết thúc, hãng này đã ngay lập tức tăng giá trở lại với hàng loạt mẫu xe như: Vios, Corolla Altis, Camry, Innova, đều tăng từ 15 - 40 triệu đồng/xe tuỳ loại.
Tương tự, hãng ô tô Honda cũng công bố giá bán các mẫu xe mới khiến nhiều người không khỏi thất vọng: Honda CR-V phiên bản 7 chỗ ra có mức giá 1,256 tỷ đồng cho phiên bản L, Honda CR-V E có giá 1,136 tỷ đồng còn phiên bản Honda CR-V L cao nhất có giá lên tới 1,256 tỷ đồng. Mức giá cao hơn dự kiến hơn 150 triệu đồng do lô xe NK đầu tiên này vẫn phải chịu mức thuế 30%. Ngoài ra, mẫu Mazda CX-5 mới do THACO lắp ráp trong tháng 1 này cũng được tăng giá nhẹ (20 - 40 triệu đồng) so với năm 2017.
Nói về vấn đề giá xe ô tô không những không giảm mà còn có xu thế tăng, thậm chí có hãng còn tăng khá cao, anh Nguyễn Văn Vĩnh - đại diện một showroom ô tô trên đường Lê Văn Lương (Hà Nội) cho biết, để đảm bảo nguồn cung dịp Tết, DN phải lên kế hoạch NK và thông quan trước năm 2018. “Đối với các mẫu xe NK từ ASEAN vốn được kỳ vọng giảm giá mạnh nhất, đều được làm thủ tục NK, thông quan trước ngày 1/1/2018. Vì vậy, các loại xe này vẫn phải chịu mức thuế NK cũ ở mức 30% - chưa được hưởng quy định thuế mới 0% nên giá xe không thể giảm...” - anh Vĩnh cho biết thêm.
Rào cản từ ma trận thuế - phí
Theo các DN kinh doanh ô tô, cũng như các chuyên gia kinh tế, hiện đang có 2 rào cản lớn khiến giá xe ô tô tại thị trường Việt Nam không thể rẻ, bao gồm cả xe lắp ráp trong nước và xe NK.
Đó là các quy định quá ngặt nghèo về ô tô NK tại Nghị định 116, và việc Bộ Tài chính thay đổi đề xuất giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất trong nước. Chính hai rào cản này có thể sẽ khiến sự cạnh tranh trên thị trường ô tô NK giảm, giá xe nhập tăng.
Cụ thể, Nghị định 116 của Chính phủ quy định rất ngặt nghèo về NK ô tô liên quan đến quy định DN NK phải cung cấp bản sao giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài là điều kiện hết sức bất lợi. Bởi giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô NK không tồn tại ở nhiều quốc gia, vì một số quốc gia áp dụng chính sách để các nhà sản xuất tự chứng nhận, do một tổ chức có thẩm quyền cấp, nhưng hệ thống tiêu chuẩn và đăng kiểm không giống với hệ thống ở Việt Nam.
Vì vậy, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ không chấp nhận do có sự khác biệt. Hay việc ô tô NK phải được cơ quan quản lý chất lượng kiểm tra, thử nghiệm đối với từng lô; mỗi lô xe phải lấy mẫu đi kiểm tra, thử nghiệm về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường...
Còn đối với xe lắp ráp trong nước, khác với Dự thảo sửa đổi các Luật Thuế lần 1, mới đây, tại Dự thảo mới, Bộ Tài chính lại thay đổi đề xuất giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô con sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra không trừ giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước.
Với lựa chọn chính sách thuế mới của Bộ Tài chính, ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước sẽ không còn được hưởng lợi như trước, bởi vậy giá xe cũng có thể sẽ tăng lên.