Có nên xử phạt chủ xe ô tô chỉ có bản sao cà vẹt?

GD&TĐ - Thời gian qua, báo chí phản ánh nhiều trường hợp chủ sở hữu xe ô tô không mang theo Giấy đăng ký xe (gọi tắt là cà vẹt), chỉ có bản sao cà vẹt có xác nhận của ngân hàng đã bị Cảnh sát giao thông xử phạt (CSGT) xử phạt về hành vi “không mang theo giấy đăng ký xe” hoặc “không có giấy đăng ký xe”. Bởi các chủ xe đang thế chấp ô tô tại Ngân hàng, do đó, Ngân hàng phải giữ bản gốc cà vẹt để làm cơ sở bảo đảm cho khoản vay theo quy định của pháp luật.

Tranh của Đan
Tranh của Đan

Cục CSGT - Bộ Công an cho rằng Luật Giao thông đường bộ 2008 bắt buộc mọi người lái xe đều phải mang theo cà vẹt xe. Cạnh đó, hai nghị định về giao dịch bảo đảm cũng không đồng ý cho bên nhận thế chấp giữ cà vẹt xe. Do đó, hành vi lái xe với bản sao cà vẹt xe có xác nhận của Ngân hàng nhận thế chấp bị xem là vi phạm nên có thể bị xử phạt.

Trong khi Ngân hàng thì cho rằng, cần phải giữ bản gốc cà vẹt xe để được đảm bảo khả năng thu hồi nợ, phòng tránh chủ xe tự ý mua bán, thế chấp…Việc giữ bản gốc cà vẹt xe đã được ngân hàng và khách hàng thống nhất thực hiện từ lâu, đồng thời pháp luật dân sự hiện hành cũng cho phép thực hiện việc này.

Lý do đưa ra của hai đơn vị có liên quan nêu trên đều có căn cứ pháp lý rõ ràng, nguyên nhân là do có sự chồng chéo, mẫu thuẫn các quy định pháp luật cần phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, đồng thời trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung thì cần phải thống nhất hướng dẫn theo hướng tạo điều kiện cho chủ xe ô tô được quyền sử dụng tài sản của mình một cách hợp pháp.

Bên cạnh đó, cơ quan công an cho rằng phải có bản gốc cà vẹt xe để phục vụ việc xác minh nguồn gốc xe, nhất là khi có tai nạn giao thông… là hợp lý, bởi vì, có thể xuất hiện tình trạng giả mạo bản sao cà vẹt xe có xác nhận của ngân hàng. Nếu không có bản gốc cà vẹt xe để đối chiếu thì CSGT khó có thể phát hiện nguồn gốc xe hoặc cà vẹt xe có hợp pháp không, đồng thời, xử lý các hành vi có liên quan đến chủ phương tiện; xử phạt xe chính chủ…

Mặt khác, CSGT tạm giữ bản gốc cà vẹt xe để làm cơ sở cho việc chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu tạm giữ bản sao cà vẹt xe thì người vi phạm có thể bỏ và không chấp hành quyết định xử phạt…

Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định cụ thể các trường hợp xe ô tô vi phạm bị tịch thu như: Điều khiển xe quá niên hạn sử dụng tham gia giao thông (đối với loại xe có quy định về niên hạn sử dụng); Điều khiển loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông (bao gồm cả xe công nông thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông); Cải tạo các xe ô tô khác thành xe ô tô chở khách; Đua xe ô tô trái phép; Tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần hành vi điều khiển phương tiện đăng ký hoạt động trong Khu kinh tế thương mại đặc biệt, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế…

Trong trường hợp xe ô tô bị tịch thu sung công quỹ nhà nước nhưng xe ô tô lại là tài sản đang thế chấp trong ngân hàng thì xử lý như thế nào? CSGT không thể làm thủ tục bán đấu giá xe ô tô để sung công, còn Ngân hàng cũng không thể đề nghị CSGT trả lại xe cho Ngân hàng. Vấn đề này cũng cần được làm rõ, cần thiết phải có quy định của pháp luật để điều chỉnh, nếu không sẽ dẫn đến xung đột pháp luật có thể xảy ra.

Trở lại câu chuyện “có nên xử phạt chủ xe ô tô chỉ có bản sao cà vẹt hay không?”, theo tôi, CSGT tạm thời không nên xử phạt đối với các trường hợp này, cần phải chờ hướng dẫn.

Liên quan đến việc “dẫn lên chân nhau” nêu trên, Ngân hàng nhà nước và Bộ Công an không nên tranh luận là ai đúng, ai sai, mà cần phải ngồi lại với nhau để thống nhất hướng xử lý vấn đề trên, nhằm tạo điều kiện cho các chủ xe ô tô đang thế chấp tại các tổ chức tín dụng được sử dụng tài sản một cách hợp pháp mà không lo bị CSGT xử phạt. Và phối hợp nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật có liên quan để đảm bảo sự tương thích, tránh chồng chéo, mâu thuẫn như hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ