Những bãi biển, khách sạn và đường bờ biển trải dài giáp Ấn Độ Dương hứa hẹn một trải nghiệm tuyệt vời… Thế nhưng, hiện nay, thành phố này thải ra khoảng 19 nghìn tấn rác mỗi tháng với hơn 10% trong số đó là nhựa, theo ông Ilhan Abbas - Giám đốc Môi trường của Mombasa.
Lối thoát cho tình trạng tồi tệ
Ban đầu, phòng môi trường của Mombasa thu gom rác thải nhựa và chuyển chúng đến bãi rác chính. Nhưng bất cứ khi nào bãi này đầy, rác thải lại theo nước mưa quay về các bãi biển và đại dương, gây ra một vấn đề khó giải quyết.
Ngoài nhựa, giấy, thực phẩm, tã lót dùng một lần và túi mua hàng cũng là một phần của rác thải hàng ngày tràn ra các bãi biển. Trong mùa mưa, chất thải từ bãi rác sẽ trôi xuống đại dương.
Tuy nhiên, mọi việc dường như đang thay đổi. Ngày nay, phụ nữ và thanh niên được tổ chức thành 4 nhóm khác nhau để gom rác dọc theo bãi biển 3 lần mỗi tuần. Đây là sáng kiến của một nhóm cộng đồng có tên gọi The Big Ship.
12 năm trước, nhóm này được 6 nhà hoạt động bảo tồn môi trường thành lập ở khu phố có thu nhập thấp Mikindani. Ban đầu, họ không có văn phòng, kinh phí, nhân viên và chỉ có 1 máy tính.
Họ phải đặt trụ sở tại phòng khách của một thành viên là nhà sinh vật học thủy sản Bosco Juma. Mục tiêu của họ khi đó là giải quyết đống rác thải nhựa từ các bãi biển Mombasa.
The Big Ship huy động thành viên cộng đồng Mombasa thu thập cốc sữa chua nhựa vứt dọc các bãi biển. Sau đó, chúng được dùng để nhân giống cây con và cây sẽ được cấy vào các phần rừng ngập mặn khác nhau trong một dự án có tên là “Adopt a Site”. Ông Abbas cho biết, dự án The Big Ship đã giúp giảm được 60% số lượng nhựa ở bãi thải chính.
Nhóm cũng đã giúp trồng lại rừng ở Tudor Creek, cách Mombasa 6km về phía Nam – nơi phần lớn rừng ngập mặn cũng đã bị phá hủy, gây thiệt hại lớn cho môi trường sống của sinh vật biển.
Trong những năm qua, 54.000 hecta rừng ngập mặn của Tutor và Kenya, bao gồm 18 lô rừng, đã bị ảnh hưởng do hoạt động của con người như chặt phá rừng ngập mặn để đốt than, làm nhiên liệu và xây dựng.
Trong 50 năm, người ta ước tính Kenya đã mất gần 50% số cây ngập mặn do hoạt động của con người. Năm 1997, chính phủ cấm sử dụng rừng ngập mặn để xây dựng. Tuy nhiên hiện nay, lệnh cấm đã được dỡ bỏ ở một số khu vực ven biển.
Tái tạo hệ sinh thái với vỏ cốc sữa chua
Để thực hiện chiến dịch tái trồng rừng của mình, The Big Ship cho biết, họ có một vườn ươm 200.000 cây rừng ngập mặn và đã hợp tác với Viện Nghiên cứu Thủy sản Biển Kenya (KMFRI) và Cơ quan Lâm nghiệp Kenya (KFS).
Theo bà Jenifer Situma - người đứng đầu các hoạt động của KFS trên khắp Mombasa, dự án đã giám sát việc trồng hơn 300.000 cây giống ngập mặn trên khoảng 50 hecta với 285.000 cây đã nảy mầm, tỷ lệ sống là 95%.
Dự án cũng đã giúp KFS giữ cho hệ sinh thái rừng ngập mặn không bị nhựa đe dọa. Theo bà Situma, ban đầu rừng ngập mặn bị coi là bãi rác thải nhựa và điều này thực sự ảnh hưởng tới toàn bộ hệ sinh thái.
Những cốc sữa chua có thể tái sử dụng khi cấy cây con. Theo ông Juma, một chiếc cốc có thể dùng để nhân giống hạt tới 50 lần, không giống như túi polythene chỉ dùng được một lần.
“Trong 2 tháng đầu năm 2022, chúng tôi đã thu thập được 5.000 cốc sữa chua bằng nhựa và điều này cho thấy, vấn đề nhựa ở bờ biển Kenya lớn đến mức nào”, ông Juma nói và cho biết tổ chức đã thu thập được số cốc gấp 2 lần như vậy mỗi năm chỉ riêng dọc các bãi biển ở Mombasa. Trong 10 năm, họ đã thu thập được 150.000 cốc như vậy.
Nhà sinh vật học biển Josphat Nguu của Viện Nghiên cứu Biển và Thủy sản Kenya (KMFRI), cho biết một tác dụng khác của dự án là phục hồi đời sống thủy sinh, bao gồm gần một nửa số san hô đã biến mất. Khi rừng ngập mặn bị chặt phá, nó ảnh hưởng trực tiếp đến san hô và tác động đến toàn bộ hệ sinh vật dưới nước.
Các chuyên gia cho biết, việc nuôi ong cũng giúp bảo vệ cây ngập mặn vì cộng đồng không còn chặt chúng để làm nhiên liệu hoặc đốt than. Theo chuyên gia trồng trọt Jason Runo tại Nairobi, ban đầu, do không có các dự án tạo thu nhập khác, họ sẽ chặt cây để lấy củi. Nhưng giờ đây, họ phải bảo vệ cây vì họ biết nếu không có rừng, việc nuôi ong sẽ thất bại và họ sẽ không có thu nhập.