Trong chương trình làm việc, Đại hội đã bầu 47 đồng chí vào Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ông Hoàng Duy Chinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Kạn khóa XI nhiệm kỳ 2015 - 2020, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn khóa XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Phát biểu tại phiên Bế mạc Đại hội, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng mong muốn và tin tưởng Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn khóa mới sẽ kế thừa, phát huy kết quả giai đoạn trước, nỗ lực đóng góp để đưa Bắc Kạn tiếp tục phát triển hơn nữa, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đề ra, mang lại ấm no hạnh phúc cho nhân dân.
Phát biểu nhận nhiệm vụ, đồng chí Hoàng Duy Chinh khẳng định: “Tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn khóa XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 sẽ đoàn kết, nỗ lực, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ, năng lực công tác, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội đã đề ra”.
Đồng chí Hoàng Duy Chinh nhấn mạnh: Với truyền thống đoàn kết, cách mạng của quê hương Bắc Kạn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh sẽ thực hiện có hiệu quả Nghị quyết và 04 chương trình trọng tâm mà Đại hội đã quyết nghị.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Giáo dục và Thời đại về định hướng phát triển giáo dục đào tạo Bắc Kạn trong thời gian tới, đồng chí Hoàng Duy Chinh cho biết: “Quan trọng nhất trong tổ chức thực hiện là yếu tố con người, cho nên chất lượng giáo dục đào tạo là hết sức quan trọng. Trong thời gian tới, Bắc Kạn sẽ tập trung nâng cao trình độ, chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên; đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất; tăng cường hướng nghiệp, đào tạo nghề”.
Sau 3 ngày làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã hoàn thành các nội dung chương trình đề ra.
Đại hội đưa ra phân tích và dự báo: Trên địa bàn tỉnh, hạ tầng kinh tế - xã hội đã và đang được đầu tư sẽ là cơ hội để phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo tiền đề cho phát triển nhanh, bền vững. Xu hướng liên kết, hợp tác trong sản xuất nông - lâm nghiệp để hình thành vùng sản xuất hàng hoá sẽ phát triển. Việc nâng cao giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp và phát triển công nghiệp chế biến của tỉnh sẽ được đẩy mạnh.
Đáng chú ý, Đại hội xác định cụ thể 4 chương trình trọng tâm, bao gồm:
Thứ nhất: Tăng cường xây dựng Đảng, tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác cán bộ theo phương châm tận tâm với công việc, tâm huyết với quê hương, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới. Có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới.
Thứ hai: Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PARINDEX).
Thứ ba: Phát triển nông - lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung với sản lượng lớn, tạo ra sản phẩm sạch và an toàn đáp ứng nhu cầu thị trường. Tăng cường liên kết sản xuất nâng cao chuỗi giá trị để tăng thu nhập cho dân cư khu vực nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.
Thứ tư: Tăng cường thu hút đầu tư, phát triển du lịch và công nghiệp chế biến trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trọng tâm là du lịch hồ Ba Bể. Hoàn thành các khu công nghiệp, phát triển các cụm công nghiệp với trọng tâm là công nghiệp chế biến nông - lâm sản và một số ngành có lợi thế của địa phương. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư để phát triển nông - lâm nghiệp và du lịch.