Đỗ Mạnh Hùng
Lặng lẽ
Đêm mê muội trên tóc
Gió thản nhiên vô tình
Một người lơ đãng mắt
Nhìn theo dáng người xinh
Bây giờ vin cành liễu
Chắc gì mùa Đông tin
Rằng trái tim anh thiếu
Mảnh vườn em bình yên
Cho dù không tới được
Anh vẫn ngờ mình quên
Mượn tay mềm làm lược
Gài nụ hôn vào đêm...
_________________
(In trong tập “Từ khóa”, nhiều tác giả, NXB Hội Nhà văn, 2015)
Không biết chàng trai tỏ tình bị từ chối hay bị người yêu chia tay. Chỉ biết rằng, cả bài thơ tràn nỗi niềm “lặng lẽ” đơn côi, một phía của nhân vật trữ tình.
Mở đầu bài thơ là không gian, thời gian và sự việc không thành:
“Đêm mê muội trên tóc
Gió thản nhiên vô tình
Một người lơ đãng mắt
Nhìn theo dáng người xinh”
Thời gian là về đêm, không gian có ngọn gió. Cả thời gian và ngọn gió đều được nhân hóa; nhưng tương phản, trái ngược nhau, như tương đồng, hô ứng với sự chia tay, mỗi người một phương của anh và em.
“Đêm mê muội” nghĩa là gì? Có phải đêm cũng không thể hiểu điều gì đang xảy ra? Có phải đầu óc chàng trai đang trở nên mê sảng trước sự rời xa của bạn gái? Hiểu theo nghĩa nào cũng có thể có lí.
Khác với màn đêm, gió “thản nhiên vô tình”, không cảm xúc? Phải chăng, tạo vật với con người ở đây đã mất hẳn tính chất “thiên nhân tương ứng”, chẳng còn “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” (Nguyễn Du)? Ngọn gió thờ ơ vô tình trước nỗi buồn của chàng trai? Hay với chàng trai, gió thổi thế nào cũng không biết nữa và không quan tâm nữa? Nghĩa là ở hai câu thơ tạo bối cảnh, cách diễn đạt của tác giả đã tạo nên sự đa nghĩa, giàu sức gợi cho ý thơ. Giữa khung cảnh gió đêm ấy, nhân vật chính của bài thơ được khắc họa qua đôi mắt:
“Một người lơ đãng mắt
Nhìn theo dáng người xinh”
Thêm một động từ có tính chất của cả tính từ được tác giả sử dụng: “lơ đãng” – góp vào hệ thống từ trạng thái cảm xúc của khổ thơ: Mê muội, thản nhiên, lơ đãng. Ánh mắt lơ đãng là ánh mắt ra sao? Cũng là không mảy may quan tâm hay nỗi buồn đau đã làm tâm trạng chàng trai hóa đá, khiến đôi mắt chàng trở nên vô hồn? Hay chàng trai muốn giấu cảm xúc của mình trước người con gái? Bởi “lơ đãng” mà vẫn thấy “dáng người xinh”.
Tính từ “xinh” làm lộ ra cảm xúc mà chàng trai đang giấu. Khổ thơ đầu thật hay, đưa người đọc về quá khứ của thời điểm chia tay với ngôn từ nhiều tầng lớp ý nghĩa và thể hiện được tâm trạng buồn bã của chàng trai khi đổ vỡ tình yêu.
Khổ thứ hai, nhà thơ Đỗ Mạnh Hùng tiếp tục lấy nhiều sự suy đoán của độc giả:
“Bây giờ vin cành liễu
Chắc gì mùa Đông tin
Rằng trái tim anh thiếu
Mảnh vườn em bình yên”
“Bây giờ vin cành liễu” là sao? Là dựa vào mùa Xuân? Bởi trong thơ cổ, cánh chim én và cành liễu là hình ảnh của mùa Xuân? Có thể có lí, vì câu thứ hai tác giả có nói đến mùa Đông. Cành liễu trong thơ ca xưa cũng là biểu tượng của sự chia ly. Việc vin cành liễu là ý này chăng? Tác giả đang nhắc lại quá khứ? Người đọc khó có câu trả lời.
Vậy nên câu thứ hai cũng khó hiểu. Vì sao tác giả lại viết hoa từ “Đông”? Hay tên người con gái là “Đông”? Tác giả đã tạo ra một sự mơ hồ để người đọc tha hồ suy diễn. Chỉ có một điều chính xác là thứ tác giả vin vào rất mỏng manh và yếu ớt: cành liễu. Do đó, hệ quả tất yếu là khó tạo được niềm tin: “Rằng trái tim anh thiếu/Mảnh vườn em bình yên”.
Phải đặt từ “mảnh vườn” trong đời sống của người đô thị hiện đại mới thấy câu thơ hay. Trong các chung cư, trong các ngôi nhà cao tầng... thành phố, người nào cũng ao ước một mảnh vườn để có không khí tươi mát, để có không gian và không bị ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm không khí. Vậy nên, cái thiếu ấy của chàng trai là một sự thiếu thốn cơ bản, thiếu thốn gắn liền với khao khát về sự trong trẻo và đặc biệt là... “bình yên”.
Bởi thế, chàng trai kết lại bằng việc thổ lộ nỗi nhớ và tình yêu với người con gái:
“Cho dù không tới được
Anh vẫn ngờ mình quên
Mượn tay mềm làm lược
Gài nụ hôn vào đêm...”
Nói “ngờ mình quên” là để nói mình rất nhớ. Vậy nên, chàng “Mượn tay mềm làm lược/Gài nụ hôn vào đêm...”. Câu thơ có tính chất siêu thực, tiếp tục đa nghĩa. Cuối bài, sự cố gắng “lơ đễnh” đầy lí trí của chàng trai ở khổ thơ đầu bị thất bại hoàn toàn. Chỉ còn lại trái tim trọn vẹn xúc cảm tình yêu và khao khát.
Kết lại, vì sao bài thơ có nhan đề “Lặng lẽ”? Bởi tình yêu, khao khát của chàng trai có lẽ “trời không biết, đất không hay”, cả người chàng yêu cũng không biết. “Lặng lẽ” bởi một mình chàng biết, một mình chàng hay. Tuy nhiên, đó là “lặng lẽ” với trời đất, với người kia; còn trong lòng chàng trai là một bể đầy sóng vỗ...