Tâm thư của một nhà quản lý trong lĩnh vực giáo dục mầm non

GD&TĐ - Đối với hầu hết các gia đình có con từ 2 - 6 tuổi, thì việc đi học mầm non thực sự là một chủ đề được quan tâm đặc biệt, bởi đơn giản bố mẹ nào cũng muốn dành mọi điều kiện tốt nhất cho khởi đầu của con. Tôi thấu hiểu những mong muốn của các bạn.

Nỗi vất vả ít người biết của cô giáo mầm non
Nỗi vất vả ít người biết của cô giáo mầm non

Thân gửi các bậc phụ huynh đang có con ở độ tuổi mầm non

Với cương vị là một nhà quản lý về lĩnh vực giáo dục mầm non, đồng thời cũng là một người mẹ có con nhỏ đã từng cho con đi học mầm non, tôi xin chia sẻ với các bậc phụ huynh đôi điều với tâm sự của “người trong cuộc”. Cũng giống như tôi, chắc hẳn các bạn đều mong muốn con mình khi đi học sẽ trở nên thông minh, khỏe mạnh, được phát triển một cách toàn diện? Và có lẽ từ sâu thẳm trong trái tim, chúng ta đều mong muốn con mình đến trường sẽ nhận được tình yêu thực và một hạnh phúc thực từ trái tim của các cô giáo?

Vậy để các con của chúng ta nhận được một tình yêu thực và một hạnh phúc thực thì chúng ta phải làm gì? Với quan điểm là một người mẹ, tôi chưa bao giờ đặt ra tiêu chuẩn quá cao cho ngôi trường hay cô giáo của con, vì tôi nghĩ ở môi trường nào cũng có cái hay riêng, và cảm xúc của con sẽ do con tự cảm nhận. Tôi cũng không đòi hỏi các cô hãy yêu thương, chăm sóc con tôi như tôi yêu bé, mà thay vào đó tôi thường tự hỏi bản thân mình làm thế nào để con mình được nhận hạnh phúc từ họ mà thôi.

Các bạn có đồng ý với tôi rằng tình yêu là một loại cung bậc của cảm xúc, mà đã là cảm xúc thì bắt không được, cản không xong, nó bắt nguồn từ trái tim của người biết yêu, người cho đi và người nhận lại. Người nhận thì rất dễ các bạn ạ, bởi ai cũng muốn nhận được tình yêu thương của người khác. Vấn đề ở đây là người cho đi. Ngay hôm nay các bạn cứ thử cho đi xem sao nhé, hãy yêu các cô giáo của con, hãy thấu hiểu cho nỗi vất vả, nhọc nhằn của cô. Mỗi ngày các bạn hãy trao cho họ một cái nhìn thật thân thiện, trao cho họ những nụ cười thật ấm áp, những lời nói yêu mến và sẻ chia. Tôi tin chắc rằng ngày hôm đó con mình sẽ nhận được tất cả những gì mà ta đã cho đi.

Các bạn ạ, trong cuộc sống tất cả chúng ta không ai là hoàn hảo cả, ai rồi cũng sẽ có những lúc làm sai và mắc lỗi. Nếu một ngày nào đó cô giáo của bé có mắc lỗi thì các bạn hãy dịu dàng góp ý cho các cô nhé. Hãy nhìn vào cả một quá trình chứ đừng nhìn vào một sự việc để đánh giá họ, một chút sơ ý không nói lên bản chất con người. Tôi đã từng chứng kiến tại trường tôi quản lý, một cô giáo khi nhận một em bé 20 tháng tuổi khi đi học khóc rất nhiều, vật vã khóc không ngừng, cả buổi trưa không ngủ. Trong lớp có 2 cô, một cô trông các bé khác, cô còn lại một tay ẵm bé, một tay làm việc, cả cô và trò chan nước mắt trong những bát cơm trưa.

Cứ thế, cô và trò dìu dắt nhau cả một tuần dưới sự giám sát camera của gia đình bé. Một hôm bé ngủ gật trên bàn, cô ngồi đối diện ôm bé khác mà quên không để ý bé, bé khóc cô không dỗ. Ngay hôm sau mẹ bé đã phản ứng và cho bé nghỉ học luôn. Vâng, nếu tôi là một người mẹ, nhìn vào hình ảnh qua camera đó thì cũng thật phản cảm và xót con. Đúng, cô giáo của tôi đã sơ suất, cả cô giáo và tôi đã không làm tròn trách nhiệm của một quản lý và GV.

Chúng tôi đã sai, chúng tôi muốn được xin lỗi và sửa lỗi. Nhưng có đáng không khi chỉ nhìn vào một hình ảnh đấy tại thời điểm đấy mà đánh giá cả một ngôi trường và cả bản chất của một cô giáo. Sao các phụ huynh không nhìn vào cả một quá trình để chia sẻ và cảm thông? Sao mẹ bé không nhấc điện thoại lên và nói với cô giáo của tôi rằng: “Cô ơi con ngủ gật kìa. Cô bế con lên đi, mẹ nhìn thương con lắm”. Nếu nhận được câu nói ấy chúng tôi biết ơn lắm và chắc ngày mai cô giáo của tôi sẽ hoàn thiện hơn rất nhiều, chúng tôi lại càng chăm bé và yêu bé để khỏi phụ lòng mẹ bé đã tin tưởng chúng tôi.

Vậy đó bạn ơi, nếu ngày mai bạn dặn cô giáo của con một việc gì mà cô lỡ quên thì đừng vội trách mắng bạn nhé! Thay vào đó, hãy nhắc họ như họ đã từng nhắc nhở nhẹ nhàng con của chúng ta khi bé làm sai vậy. Không ai hạnh phúc khi nhận được những lời mắng nhiếc hay mạt sát cả, và chắc hẳn người nói ra điều đó có lúc nghĩ lại cũng sẽ có “sóng trong tim”.

Vậy nếu một ngày các bạn có chứng kiến một vụ bạo hành trẻ ở một ngôi trường nào đó thì các bạn đừng quy chụp lên tất cả chúng tôi nhé, vì chúng tôi vẫn còn đây, ngày đêm miệt mài với những đam mê cháy bỏng của nghề. Chúng tôi vẫn hàng ngày ôm những đứa trẻ vào lòng, chỉ dạy cho con những điều về cuộc sống, mở dần những cánh cửa tri thức, xây dựng ngôi nhà thứ hai thật hạnh phúc cho tuổi thơ con ấm áp tình yêu, và nâng con từ những bước đầu đời.

Và điều đặc biệt chiếc camera không phải là công cụ tối ưu cho việc giám sát trường lớp hay cô giáo của con bởi camera đâu soi được cái tâm của các nhà giáo. Vậy chúng ta đừng lấy camera để “soi” các cô nhé, như vậy các cô sẽ áp lực lắm, mà khi áp lực, chúng tôi sao toàn tâm toàn ý yêu thương, chăm sóc các con được?

Tự đáy lòng, chúng tôi cũng muốn được phụ huynh yêu thương như các bạn muốn chúng tôi yêu con trẻ vậy.

Vậy kể từ giờ, chúng ta, các cô và các bố mẹ, hãy cùng yêu thương, tôn trọng nhau thực sự như những người bạn, người đồng hành trên con đường xây đắp tương lai cho trẻ nhé! Hơn ai hết, chính tình cảm đó sẽ tạo nên một môi trường hài hoà, nhân ái, văn minh, cho con cái chúng ta thêm hạnh phúc.

* * *

Thân yêu gửi các cô giáo, những đồng nghiệp của tôi

Các đồng nghiệp thân mến, mình đã chọn cái nghề này rồi, nghề giáo viên mầm non thì cố gắng sống sao cho đúng với hai từ “giáo viên” nhé. Thi thoảng đâu đó, mình thấy trên diễn đàn có cô than thở áp lực, lương thấp, phụ huynh coi như “ô sin”... Vậy hôm nay chúng ta cùng tháo gỡ vấn đề này. Trước hết, tất cả chúng ta hãy cùng xác định mục tiêu bằng cách trả lời các câu hỏi sau nhé.

1. Mình đang làm nghề gì?

Mình làm giáo viên đúng không các bạn? Mà đã làm giáo viên thì mình cần có đầy đủ kiến thức để dạy học. Không ai có thể giỏi ngay được các bạn nhỉ, nhưng mình cố gắng học hỏi và hoàn thiện dần được mà, quan trọng là mình có quyết tâm học hay không mà thôi. Các cô giáo hãy cố gắng thực hiện đầy đủ các hoạt động một ngày trên lớp của bé đúng và đủ sau đó là đến dạy tốt nhé.

2. Sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp nghề của mình là gì?

Đó có phải là giáo dục về con người không các bạn? Mà đặc biệt học sinh của chúng ta lại là những em bé ở lứa tuổi nhỏ nhất, đang rất cần sự chăm sóc và yêu thương vô điều kiện. Các con đáng yêu biết bao, đôi mắt thật trong sáng và hiền dịu, nụ cười của chúng như muốn hút hồn chúng ta, vậy tại sao ta lại không ôm chúng vào lòng và hôn lên mái tóc chúng? Hãy yêu những đứa trẻ kia bằng tình yêu xuất phát từ trái tim của chúng ta. Mình tin chắc rằng các bạn sẽ nhận được nhiều lắm, nhiều hơn là ta quát mắng và đánh đòn chúng đúng không?

Vậy vấn đề ở đây là chúng ta muốn nhận yêu thương tôn trọng hay muốn nhận sự coi thường và trách móc của người khác?

Và các bạn có thể nhớ câu này: “Nếu có một lúc nào đấy mà cảm thấy mệt quá rồi thì hãy cứ cho phép mình buông bỏ một chút đi, nhưng buông xong thì hãy bắt đầu bằng tất cả tình yêu và tâm huyết của mình các bạn nhé”.

3. Mình có gắn bó và quyết định làm nghề này không?

Nếu không các bạn hãy đi xin việc khác ngay nhé, đừng coi công việc này là tạm thời.

4. Mình muốn mức lương nhận được là bao nhiêu so với mặt bằng chung?

Hãy đi tìm những trường trả được mức lương mà mình mong muốn và xin ứng cử. Hãy mạnh dạn trao đổi cụ thể chế độ và quyền lợi rõ ràng ngay ban đầu nhé.

Vậy các bạn thấy nếu mình thực hiện đúng và đủ những điều trên thì có phải là sẽ vui vẻ hơn không? Tại sao cứ phải kêu ca, “nói xấu” trên mạng để làm gì? Điều đó có thay đổi được điều mình mong muốn không? Điều đó không mang cho mình hạnh phúc, đúng không các cô giáo của tôi?

Hãy yêu và thật yêu những em bé của mình các bạn nhé. Mình sẽ nhận được hạnh phúc và niềm vui thực với nghề.

* * *

Thân gửi các anh/chị hiệu trưởng, chủ trường

Để trước khi được gọi là chủ trường hay hiệu trưởng thì hầu hết chúng ta đều có thời gian làm nhân viên ở lĩnh vực nào đó. Vậy hơn ai hết các bạn đều hiểu được nhân viên của chúng ta cần gì và muốn gì. Họ đi làm chắc chắn họ cần nhiều thứ nhưng có hai thứ quan trọng nhất đó là thu nhập của họ và môi trường làm việc có mang lại cho họ niềm vui, hạnh phúc?

Vậy trọng trách của chúng ta là đáp ứng được 2 điều đó, các bạn ạ. Chúng ta hãy cố gắng đặt ra mục tiêu thật rõ ràng cho đường lối phát triển của trường, làm thế nào để công việc kinh doanh của chúng ta có hiệu quả, có thu nhập và cân đối trả lương cho nhân viên ổn định.

Ở đây, tôi chỉ xin chia sẻ một chút quan điểm cá nhân rằng, khi đã đứng trên cương vị người trên rồi thì hứa là phải làm, hãy rõ ràng và nhất quán ngay từ đầu, hãy coi nhân sự của mình là người làm cho mình có cơm ăn áo mặc, họ mang lại cho mình cuộc sống tốt đẹp hơn chứ không phải là mình làm cho họ. Hãy yêu và hiểu họ nhất có thể. Nếu thấy không “yêu nhau” nên chia tay ngay từ mới khi tuyển dụng. Đã làm với nhau là phải sống tốt với nhau và tôn trọng nhau, và điều đặc biệt là hãy giữ họ bằng cả về lý và tình chứ đừng ràng buộc bằng chút tiền hay tấm bằng chính của họ.

Chúng ta hãy yêu giáo viên như những người thân của mình, các bạn nhé. Chúng mình sẽ nhận được nhiều hạnh phúc đấy.

Vậy có phải hạnh phúc của một đứa trẻ khi đến trường đều phụ thuộc vào bố mẹ - giáo viên - chủ trường (hiệu trưởng). Nếu tất cả chúng ta đều mong muốn mang lại hạnh phúc thực cho những đứa trẻ thì tất cả chúng ta đừng bao giờ đòi hỏi nhau nhé, mà hãy cứ cho nhau đi rồi chúng ta sẽ nhận lại được điều ta mong muốn.

Hãy yêu nhau đi, yêu thương bằng cả trái tim.

Đông Anh, 20/10/2018

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ