Tam phục

Tam phục

(GD&TĐ) - Từng quen nghe “nhị phục” là tâm phục, khẩu phục, chứ “tam phục” thì chưa nghe ai nói bao giờ. Nhưng chứng kiến những gì đã và đang diễn ra ở một trường THPT công lập trẻ nhất nước (có lẽ thế, vì trường mới được thành lập từ năm 2007) là Trường THPT Bến Tắm (huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương) thì tôi mới tin. “Tam phục” chính là tâm phục, khẩu phục và hành phục. Tất nhiên, trong “tâm phục” đã bao hàm “hành phục” rồi, nhưng tôi vẫn muốn nhấn mạnh thêm điều này. Để đưa mọi hoạt động của nhà trường nhanh chóng vào nền nếp, qui củ, gây được niềm tin với nhân dân, thì lãnh đạo nhà trường phải nói được, làm được và luôn thể hiện cái tâm trong nói và làm.
(Ảnh: Internet)
(Ảnh: Internet)

    Trường có 30 GV và 2 CBQL, nếu theo quy định thì còn thiếu 6 GV và 1 CBQL, cho nên hiện nay, Phó hiệu trưởng vẫn dạy 6 tiết/tuần và Hiệu trưởng 5 tiết/tuần. Cả 2 CBQL nhà trường đều vốn là “dân chuyên môn”, dạy giỏi nhiều năm, nên họ cũng không lấy đó làm điều, thậm chí còn coi đây là một cơ hội tốt để “thể hiện”. Riêng vấn đề này cũng có ý kiến khác, rằng quản lý là một lĩnh vực riêng, không nhất thiết CBQL phải giỏi chuyên môn, mà bản thân việc quản lý là chuyên môn của họ rồi. Nhưng, Hiệu trưởng Nguyễn Thị Phượng thì lại cho rằng, nếu CBQL không dạy giỏi thì khó lòng nói được GV, và cũng khó quyết định đánh giá được chuyên môn của GV, ngay từ khâu đầu tiên là tuyển dụng. 30 GV của trường hiện nay nhìn chung đều có chuyên môn vững, được mời gọi từ các nơi về và qua tuyển lựa khách quan. Trường còn thiếu GV nhưng thà thiếu chứ kiên quyết không nhận người năng lực yếu. Cô Phượng nói: Tuyển GV là khâu rất quan trọng, nếu không làm được thì coi như thất bại ngay từ đầu. Điều này đòi hòi lãnh đạo nhà trường phải rất khách quan và kiên quyết, không vì bất cứ một áp lực nào ngoài chuyên môn và những phẩm chất tất nhiên cần có của một nhà giáo.

    “Với một đội ngũ GV vững chuyên môn, thì lãnh đạo được họ cũng vừa dễ vừa khó” – cô Phượng tâm sự chân thành. Dễ bởi vì họ hiểu được vấn đề. Nhưng khó vì mình sẽ không dễ để thu được “tam phục” của họ. Ngay chuyện đưa mọi hoạt động vào nền nếp cũng là điều không đơn giản. Nhưng theo Hiệu trưởng Phượng thì HS hay GV cũng vậy, mọi sự tự giác đều bắt đầu từ bắt buộc, đã buông lỏng rồi thì xiết lại rất khó. Cho nên “mất lòng trước” còn hơn. Nên nhà trường có một hệ thống theo dõi GV rất chặt. Quy chế làm việc của nhà trường, Kế hoạch năm học, Bảng điểm đánh giá thi đua, Quy chế thanh tra... đều được xây dựng căn cứ trên Điều lệ trường THPT, theo một quy trình dân chủ, công khai, công bằng. Tất cả mọi thành viên, kể cả lãnh đạo nhà trường, đều thuộc đối tượng thực hiện các qui định này. Việc đánh giá GV cũng theo nhiều kênh, có cả kênh thăm dò qua học sinh làm 3 lần trong 1 năm. Ban thanh tra nhân dân hoạt động dưới sự điều hành của Công đoàn, giám sát cả chính quyền, mỗi năm 2 lần phối hợp với Ban chuyên môn để đánh giá chuyên môn, 3 lần phối hợp với Ban CSVC để thanh tra CSVC. Quan điểm của nhà trường khi định ra các chế độ giám sát, đánh giá này là không sát phạt ai mà quan trọng là đưa người ta vào tự giác, đẩy lùi mọi cơ hội cho sự vô ý thức xuất hiện, tạo ra công bằng. Cô giáo trẻ Vũ Thị Thu Hường nói: Mới đầu, khi bị xiết như thế, bọn em cũng khó chịu lắm, nhưng khi đã hiểu ra và đã quen rồi thì thấy lãnh đạo làm như thế là cần thiết và có ích cho bản thân mình cũng như cho công việc chung. Quan trọng là lãnh đạo phải giỏi, nói có lý có tình, bản thân họ gương mẫu, thì mình sẽ tâm phục khẩu phục và làm theo.

    Trường sở mới tinh, khang trang, trang thiết bị mới tinh và đầy đủ, nền nếp được rèn trong suốt 1 năm, đội ngũ GV giỏi chuyên môn và được giao khoán chất lượng kỳ 2, được quan tâm cả đời sống tinh thần và vật chất đã là những yếu tố nội lực tạo nên “danh tiếng” của Trường THPT Bến Tắm. Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức cam kết chất lượng với tất cả các trường tiểu học và THCS trên địa bàn tuyển sinh của trường gồm 6 xã thị trấn. Bằng nhiều giải pháp kết hợp, đánh giá của người dân về ngôi trường non trẻ này đã thay đổi hẳn. Chỉ sau một năm, điểm chuẩn vào trường đã tăng từ 9 lên 16 điểm, có em được đến 40 điểm. Nhiều em thi đỗ ở trường trung tâm Chí Linh rồi nay lại muốn xin về Bến Tắm để học. Chẳng bù cho năm học đầu tiên, nhà trường phải mở một hội nghị tuyển sinh để tự giới thiệu mình và cam kết chất lượng. Vậy mà đến ngày thứ ba vẫn chưa có em nào nộp hồ sơ. Cuối cùng thì cũng tuyển được 360 em trong tổng số 563 hồ sơ, mà tổng điểm thi 2 môn chỉ có 9 điểm.

    Ông Nguyễn Ngọc Quý, Phó bí thư huyện uỷ Chí Linh nói: Có một trường THPT ở khu vực sâu xa như Bến Tắm là niềm hạnh phúc lớn lao với bà con 8 dân tộc trên địa bàn. Trước đây các em muốn đi học lên cao đều phải đi trọ học ở Chí Linh xa hàng chục cây số. Nay đã có trường rồi, có khuôn viên rồi, chúng tôi sẽ tiếp tục cùng nhà trường để lo nhà ở cho GV nội trú, bếp nấu ăn trưa cho GV toàn trường...Huyện đã trình lên Tỉnh Đề án thành lập Trường Phổ thông dân tộc nội trú chung hai cấp THCS và THPT. Nếu có thể được thì sẽ ghép luôn với Trường THPT Bến Tắm, bởi hiện nay toàn huyện chỉ có 120 em HS THCS trong diện được hưởng học bổng chính sách DTNT, đang học ghép tại Trường THCS Chu Văn An. Định hướng ghép bộ phận DTNT THCS vào THOT Bến Tắm để hình thành Trường PTDTNT liên cấp là đúng đắn, và sẽ xây dựng theo tiêu chí trường chuẩn quốc gia luôn.
    Với một tầm nhìn thông suốt như vậy, và những giải pháp khả thi, chắc chắn THPT Bến Tắm sẽ trở thành một trung tâm văn hoá, giáo dục tại khu vực có đông đồng bào dân tộc của huyện Chí Linh này.
                            Nguyễn Hoàng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.