Chọn ngành, chọn trường bằng đam mê và năng lực bản thân

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, trước bối cảnh nhiều luồng thông tin, việc chọn ngành học, chọn trường cần dựa vào đam mê và năng lực của mỗi người.

Đại diện các trường đại học chia sẻ tại chương trình tư vấn tuyển sinh 2025 tại Báo Giáo dục và Thời đại.
Đại diện các trường đại học chia sẻ tại chương trình tư vấn tuyển sinh 2025 tại Báo Giáo dục và Thời đại.

Chọn ngành theo công thức 3x3

Sáng 8/7, Báo Giáo dục và Thời đại tổ chức buổi giao lưu trực tuyến đầu tiên trong chuỗi chương trình tư vấn tuyển sinh 2025 với chủ đề “Học ở đâu để có việc làm tốt? - Cách chọn trường, chọn ngành thông minh”.

Đây là hoạt động nhằm đồng hành cùng học sinh, phụ huynh trong giai đoạn định hướng chọn ngành học phù hợp năng lực bản thân, đồng thời cập nhật những thay đổi trong xu hướng đào tạo và nhu cầu tuyển dụng sau tốt nghiệp.

dien-gia.jpg
Các chuyên gia tuyển sinh tham dự chương trình. Ảnh: Hương Phú

Theo PGS.TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giao thông Vận tải, Trường ĐH Việt Đức, hiện học sinh có nhiều sự lựa chọn ngành nghề, nên sẽ phụ thuộc vào thông tin từ người thân, truyền thông… để cân nhắc việc chọn ngành, chọn trường. Ông cho rằng, đó là tâm lý chung khó tránh khỏi.

Dẫn ví dụ, PGS.TS Vũ Anh Tuấn nhận định, một học sinh giỏi khoa học tự nhiên mà chọn nhân văn, kinh tế sẽ không phát huy khả năng của mình. Vì vậy, học sinh phải hình dung mình trong 5 năm tới làm gì, ở đâu. Các bạn trẻ nhưng phải rèn luyện tính già dặn, quyết định trong 5 năm tới là ai, ở đâu để chọn ngành nghề, chọn trường, chọn chương trình nhằm hiện thực hóa tương lai của mình.

vu-anh-tuan.jpg
PGS.TS Vũ Anh Tuấn, Trường Đại học Việt Đức chia sẻ kinh nghiệm chọn ngành, chọn trường. Ảnh: Hà An.

PGS.TS Vũ Anh Tuấn đã đưa ra công thức "3x3" để học sinh lựa chọn phù hợp cho mình, tức là liệt kê 3 nghề nghiệp sẽ theo đuổi trong 5 năm tới. Với mỗi nghề nghiệp, học sinh liệt kê 3 ngành học có thể học tập và làm việc sau này.

Mỗi ngành học có 3 trường đại học tương đương. Tổng hợp sẽ có 9 lựa chọn dễ thực hiện. Căn cứ vào năng lực học tập, sở thích của mỗi học sinh để chọn 1 trong 9. Học sinh có thể có 2-3 lựa chọn nhưng quá trình theo dõi tình hình tuyển sinh để chọn 1 trường học, nghề nghiệp phù hợp.

"Cách này vừa tận dụng lời khuyên bạn bè và dựa trên nội lực, khả năng của bản thân để lựa chọn. Bên cạnh đó việc chọn ngành chọn trường cũng cần phải có khả năng tài chính phù hợp", PGS.TS Vũ Anh Tuấn nói.

Theo Th.S Trần Thị Như Quỳnh, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tuyển sinh, Trường Đại học Văn Hiến, nhiều bạn vẫn chưa biết được mình sẽ trở thành ai trong tương lai. Từ đó lúng túng trong lựa chọn ngành học, cũng chính là lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai của chính mình.

eee1b0d3abd31d8d44c2.jpg
Th.S Trần Thị Như Quỳnh - Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tuyển sinh, Trường Đại học Văn Hiến. Ảnh: Hồ Phúc.

Theo ThS Trần Thị Như Quỳnh, các thí sinh cần biết rõ bản thân mình là ai và sẽ trở thành ai trong tương lai. Bà Quỳnh nhấn mạnh rằng dù việc đổi ngành học là khả thi, nhưng điều này thường dẫn đến việc tốn kém thời gian, tiền bạc và thậm chí khiến các em "lỡ nhịp" so với bạn bè đồng trang lứa. Vì vậy, việc lựa chọn nghề nghiệp tương lai là vô cùng quan trọng.

Th.S Quỳnh cũng đưa ra lời khuyên cho các bậc phụ huynh: “Theo tôi, gia đình chỉ nên là người đồng hành chứ không nên là người ra quyết định cho thí sinh”. Điều này cho thấy vai trò của gia đình là định hướng, hỗ trợ, thay vì áp đặt lựa chọn lên con cái.

Ngành nào mở ra cơ hội việc làm

TS Võ Văn Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang, đã chia sẻ thông tin dựa trên các khảo sát thị trường và dự báo nguồn nhân lực tại TPHCM. Theo đó, một số khối ngành được dự báo sẽ có nhu cầu nhân lực rất cao trong tương lai gần, đặc biệt tập trung vào công nghệ kỹ thuật và khoa học dữ liệu.

TS Tuấn nhấn mạnh đây là những khối ngành mũi nhọn, không chỉ nhận được sự quan tâm mà còn có chính sách hỗ trợ đặc biệt từ Chính phủ. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ và cơ hội việc làm rộng mở cho sinh viên theo học các lĩnh vực này.

vo-van-tuan.jpg
TS Võ Văn Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang

Các ngành trọng điểm bao gồm: Công nghệ thông tin, Trí tuệ nhân tạo (AI), Công nghệ bán dẫn, Khoa học dữ liệu (Data Science) và Khoa học máy tính. Đây là nền tảng cho sự phát triển của hầu hết các ngành nghề khác.

Tiếp nối các ngành mũi nhọn, TS Võ Văn Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang, cũng chỉ ra khối ngành Kinh doanh, Quản lý và Công nghệ số đang có nhu cầu phát triển mạnh mẽ từ doanh nghiệp.

Nổi bật trong số đó là Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng. Song song, các ngành ứng dụng công nghệ vào kinh doanh như Marketing số (Digital Marketing) và các ngành liên quan đến Mỹ thuật số cũng được đánh giá là rất tiềm năng.

Ngoài ra, TS Tuấn nhận định ngành Sáng tạo truyền thông cũng được nhiều doanh nghiệp tuyển dụng, đặc biệt trong bối cảnh các công ty ngày càng chú trọng xây dựng hình ảnh và quan hệ công chúng. Cuối cùng, ngành sức khỏe vẫn giữ vững nhu cầu nhân lực ổn định và có xu hướng tăng, đặc biệt là các chuyên ngành như Điều dưỡng và Kỹ thuật viên xét nghiệm.

Để đáp ứng xu thế này, TS Tuấn cho biết Trường Đại học Văn Lang đã và đang tập trung đào tạo đầy đủ các lĩnh vực nêu trên. Nhà trường có thế mạnh lâu năm và quy mô phát triển lớn ở các ngành như Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ thông tin, Quan hệ công chúng, Báo chí và Truyền thông, với các chương trình đào tạo được xã hội đánh giá cao và sinh viên ra trường có cơ hội việc làm rộng mở.

Về ngành Xây dựng, PGS.TS Nguyễn Trọng Phước, Trưởng khoa Xây dựng, Trường Đại học Mở TPHCM, cho biết ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng và Quản lý xây dựng vẫn có nhu cầu trong xã hội. Theo PGS Phước, Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển và sẽ phát triển nhanh trong thời gian tới, do đó nhu cầu về các công trình cũng sẽ tăng lên. Mặc dù nhu cầu nguồn lực ngành xây dựng chưa phải cấp thiết tăng nhanh tại thời điểm này, nhưng vẫn duy trì sự ổn định và sẽ cần thiết trong tương lai.

thay-phuoc.jpg
PGS.TS Nguyễn Trọng Phước, Trưởng khoa Xây dựng, Trường Đại học Mở TPHCM.

"Tại Trường ĐH Mở TPHCM, trường quyết định chọn bậc đào tạo Kỹ sư cho ngành Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng, bằng cấp là Kỹ sư xây dựng, hành nghề xây dựng và bậc Cử nhân cho ngành Quản lý xây dựng, vì ngành này mới và lai giữa kỹ thuật và quản trị", PGS Phước nói.

Ngoài chương trình đào tạo chuyên môn, theo TS Hồ Thanh Trí - Viện trưởng Viện Quốc tế, Trường Đại học Công Thương TPHCM, để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho doanh nghiệp, nhà trường thường xuyên tổ chức các cuộc thi để sinh viên hoàn thiện kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng ngoại ngữ, như tiếng Nhật, tiếng Hàn… theo hình thức hoàn toàn miễn phí.

thay-tri.jpg
TS Hồ Thanh Trí - Viện trưởng Viện Quốc tế, Trường Đại học Công Thương TPHCM.

Theo TS Trí nhà trường có 40 ngành đào tạo trong và ngoài nước và các thông tin về học bổng, học phí có trên kênh tuyển sinh.

"Hồi tháng 5, chúng tôi ra mắt chatbox tuyển sinh AI để trả lời và đáp ứng cho các thắc mắc của các em học sinh, chính xác đến 94%", TS Trí cho biết thêm.

TPHCM diễn ra chương trình tư vấn tuyển sinh năm 2025 với với chủ đề “Học ở đâu để có việc làm tốt? - Cách chọn trường, chọn ngành thông minh”.

Sau khi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, học sinh lớp 12 đang bước vào giai đoạn quan trọng của hành trình định hướng tương lai - chọn ngành, chọn trường đại học. Đây là quyết định có thể ảnh hưởng lâu dài đến sự nghiệp và cuộc sống sau này của các em

Điều đó khiến nhiều học sinh băn khoăn với những câu hỏi quen thuộc như: “Học ngành nào dễ kiếm việc?”, “Trường nào đào tạo sát thực tế, ra trường có việc làm tốt?”; “Nên chọn ngành theo sở thích hay theo xu hướng thị trường?”

Thấu hiểu những trăn trở đó, Báo Giáo dục và Thời đại phối hợp cùng các trường đại học tại TPHCM tổ chức chương trình tư vấn tuyển sinh trực tuyến để giải đáp những thắc mắc, trăn trở này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ